Home » Sức khỏe » Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm nhất nhì thế giới
Ngày 10/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã công bố báo cáo môi trường quốc gia 2010. Theo báo cáo này, tốc độ suy thoái môi trường ở nước ta tiếp tục gia tăng. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông đang gây ra những hệ lụy xấu…

Báo động đỏ

TS Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, báo cáo môi trường quốc gia 2010 cho thấy từ năm 2006 – 2010, môi trường Việt Nam đối mặt với hàng loạt vấn đề: ô nhiễm chất hữu cơ trong môi trường nước không giảm, ô nhiễm bụi tràn lan, úng ngập trầm trọng, chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý triệt để, đa dạng sinh học suy giảm chóng mặt…

Cụ thể, môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và ở nhiều lưu vực sông đều bị ô nhiễm chất hữu cơ. Ở hầu hết các sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước loại B từ 2 – 6 lần.


Nước mặt bị ô nhiễm chất hữu cơ.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị cũng đáng lo ngại. Hầu hết chưa có đô thị nào được công nhận là đô thị sạch/đô thị xanh (nước sạch, không khí sạch, đất sạch). Đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM, ô nhiễm chất hữu cơ trong môi trường nước mặt và ô nhiễm bụi trong môi trường không khí vào loại nhất nhì thế giới…

Tình trạng ô nhiễm môi trường các khu/cụm công nghiệp cũng đáng lo ngại không kém. Hiện nay, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý, gây ra ô nhiễm môi trường nước mặt trên diện rộng…

Báo động sự cố môi trường

Bản báo cáo môi trường quốc gia lần này đã cho thấy, trong thời gian qua Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều sự cố môi trường như hạn hán, bão lụt… đặc biệt là sự cố tràn dầu. Theo thống kê, từ năm 1989 đến nay có khoảng 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu. Các vụ tai nạn này đều đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu, nhiều vụ tràn dầu với lượng dầu lớn tên 700 tấn.

Các chuyên gia cho biết, ô nhiễm tràn dầu gây ảnh hưởng tới các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước, làm giảm oxy trong nước, khiến cán cân điều hòa oxy trong hệ sinh thái đảo lộn. Ngoài ra, dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái. Dầu thấm vào cát, bùn ven biển có thể gây ảnh hưởng lâu dài. Ngoài ra, dầu tràn còn làm cá chết hàng loạt do thiếu oxy hoà tan trong nước. Dầu tràn còn ảnh hưởng tới các cảng cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển. Dầu trôi nổi làm hư hỏng máy móc, thiết bị khai thác tài nguyên và vận chuyển đường thủy…

An ninh môi trường đang bị đe dọa

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê, tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam đạt khoảng hơn 830 – 840 tỷ m3/năm, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đang sử dụng 400 tỷ m3 nước. Điều này cho thấy, nước ta đang phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ nước ngoài đến. Ngoài ra, việc dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối de dọa an ninh nước ở Việt Nam rất đáng báo động.

Ô nhiễm xuyên biên giới chưa được kiểm soát cũng là một mối đáng lo. Việc nhập khẩu phế liệu lẫn rác thải công nghiệp nguy hại về các cảng diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý hiệu quả đã gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh môi trường quốc gia. Ngoài ra, tình trạng sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn tình trạng khai thác khoáng sản phá hoại môi trường cũng gây ra những hệ lụy xấu. TS Hoàng Dương Tùng cho hay, việc cạn kiệt tài nguyên chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột môi trường và mất cơ hội phát triển trong tương lai.

Và gánh nặng về bệnh tật

PGS.TS Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng Bộ TN&MT cảnh báo, ô nhiễm môi trường đã gây ra những tác động xấu gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người…

Một nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ cảnh sát giao thông làm việc tại một số nút giao lộ ở TPHCM cũng cho thấy, dù tỷ lệ cảnh sát giao thông đạt sứ khoẻ loại tốt là 74,4% nhưng nhiều người mắc đồng thời nhiều bệnh, thậm chí hơn 3 bệnh. Nổi bật trong cơ cấu bệnh của cảnh sát giao thông là bệnh về tai mũi họng. Đây là bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Một nghiên cứu nữa khi các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đối chứng giữa 2 xã chịu ảnh hưởng của bãi rác thải là Quảng Lạc và Hoàng Đồng (nhóm nghiên cứu) và 2 xã không có bãi rác là Hợp Thịnh và Mai Pha (nhóm đối chứng) ở Lạng Sơn. Kết quả nhóm nghiên cứu có tỷ lệ người ốm trong 2 tuần cao hơn nhóm đối chứng (10,2% và 6,7%). Triệu chứng các bệnh như da liễu, viêm phế quản, đau xương khớp của nhóm nghiên cứu có tỷ lệ cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.

Quan trắc môi trường yếu và mỏng nhất thế giới

PGS.TS Bùi Cách Tuyến so sánh tốc độ suy thoái môi trường của Việt Nam giống như ngựa đang chạy phi mã. Trong khi đó, nỗ lực của nước ta trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại như ngựa chạy nước kiệu. Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu vì thời gian qua, nước ta chủ yếu tập trung cho phát triển kinh tế, vì thế đương nhiên là ô nhiễm môi trường gia tăng.

TS Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT thừa nhận, thời gian qua đúng là còn nhiều vấn đề rất bất cập. Hệ thống quan trắc môi trường ở Việt Nam thuộc lại tồi, yếu và mỏng vào loại nhất thế giới. Ví dụ, Hà Nội có 5 trạm quan trắc không khí, nhưng tính đến thời điểm này không biết còn bao nhiêu trạm hoạt động.

(theo bee)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc