Home » Sức khỏe » Lần đầu tiên một trẻ lớn chết vì bệnh tay chân miệng
Sốt 3 ngày rồi trở mệt, vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, cậu bé 13 tuổi nhà ở quận 4 đã tử vong cuối tuần qua. Nguyên nhân được xác định là do bệnh tay chân miệng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, đây là trường hợp khá hy hữu bởi virus tay chân miệng thường chỉ gây bệnh cho trẻ 5 tuổi trở xuống và biến chứng dẫn đến tử vong cho trẻ dưới 2 tuổi.

Gia đình bệnh nhân cho hay, thấy em bị sốt, bố mẹ cứ nghĩ bị cảm thông thường và nghi sốt xuất huyết. Đến khi cháu trở mệt, choáng, mắt trợn, ngủ giật mình, đưa vào bệnh viện thì đã muộn.

“Bệnh nhân yếu dần vì những biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng gây nên. Chúng tôi đã làm hết sức nhưng cháu vẫn không qua khỏi”, một bác sĩ cho biết.

Các bác sĩ cảnh báo trẻ trên 5 tuổi vẫn không nên chủ quan với bệnh tay chân miệng. Ảnh: Thiên Chương.


Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khẳng định, trên thực tế vẫn có trẻ trên 5 tuổi bị bệnh này tấn công nhưng tỷ lệ rất thấp.

“Từ ca tử vong này, phụ huynh không được chủ quan khi thấy con bị sốt kéo dài hơn 2 ngày. Dù trẻ đã hơn 5 tuổi vẫn phải nghĩ đến bệnh tay chân miệng và nên đưa đến bệnh viện khám”, bác sĩ Thọ khuyên.

Tại buổi họp giao ban các quận, huyện tại Sở Y tế TP HCM sáng nay, bà Lê Hồng Nga, Phó Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, cho biết, tình hình bệnh đang có diễn biến phức tạp nhất trong hơn 5 năm trở lại đây.

So với năm đỉnh dịch 2007 khiến 16 trường hợp tử vong, thì nay mới 5 tháng đầu năm TP HCM đã có đến 12 bé tử vong. Chỉ trong tháng 5 đã có tới 1.433 ca, tăng gần 380% so với cùng kỳ năm trước. Hiện điểm nóng của bệnh là quận 8, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, lượng trẻ nhập viện rất cao. Trung bình mỗi ngày có từ 100 đến 120 bé nằm viện. Nhiều bé bị biến chứng nặng phải cấp cứu.

Khẳng định bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm do chủng virus mới xuất hiện, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng các trung tâm y tế dự phòng quận huyện cần tăng cường chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và tự đi mua dung dịch sát khuẩn về vệ sinh môi trường sinh hoạt. Ngoài ra người dân cũng phải tự có ý thức trong việc bảo vệ con em.

Virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng đường tiếp xúc (từ tay đến miệng). Do chưa có văxin phòng ngừa, cách ngăn mắc bệnh duy nhất vẫn là giữ vệ sinh cơ thể, giữ vệ sinh môi trường. Các vật dụng mà trẻ và người lớn thường tiếp xúc như tay nắm cửa, cửa tủ lạnh, sàn nhà, chén ly, đồ chơi, bình nước, bình sữa… phải được thường xuyên rửa bằng chất diệt khuẩn. Việc rửa tay thường xuyên cũng là cần thiết.

Thiên Chương

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc