Home » Khám Phá, Khoa học » “Tôi không quá ngạc nhiên nếu có người ngoài hành tinh”

To, mập là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp P.I. Klimuk, người từng 3 lần bay vào vũ trụ. “Những chuyến du hành vũ trụ có lẽ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi, vì thế tôi mới béo đến mức này”, ông hóm hỉnh đùa.
Nhà du hành vũ trụ Nga P.I.Klimuk bay vào vũ trụ lần đầu vào năm 1973 trên tàu vũ trụ “Soyuz-13”. Ông thực hiện chuyến bay thứ hai trên tàu “Soyuz -18-2” đến trạm quỹ đạo “Salyut -4”. Chuyến bay vũ trụ thứ 3 được ông thực hiện với tư cách chỉ huy của phi hành đoàn quốc tế với nhà du hành vũ trụ người Ba Lan trên tàu vũ trụ “Soyuz -30” lên trạm quỹ đạo “Salyut-6”.
Tổng thời gian cả 3 chuyến bay vũ trụ là 78 ngày, 18 giờ, 18 phút, 42 giây. Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ và nhân dịp ngày 12/4 được Liên Hợp Quốc công bố là Ngày Vũ trụ Quốc tế, phi công vũ trụ P.I. Klimuk đã có chuyến thăm Việt Nam.

Đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời

Ông đã từng thực hiện 3 chuyến bay vũ trụ vào các năm 1973, 1975 và 1978. Cuộc sống ở trên vũ trụ thế nào?

Tàu của chúng tôi bay vào vũ trụ nhờ một tên lửa đẩy. Trong vòng 530 giây khi tên lửa đẩy đưa chúng tôi đi, lúc đó do sức hút của Trái Đất, cảm giác trọng lượng bắt đầu tăng lên gấp 4 lần. Rất khó thở. Nhưng khi tên lửa đẩy tách ra, chúng tôi bắt đầu rơi vào trạng thái không trọng lượng. Lúc đó, mọi thứ thật sự mới bắt đầu bị đảo ngược.

Đảo ngược đến mức nào?

Hãy tưởng tượng, nếu bạn đang ngồi trên một chiếc ghế, bạn sẽ có cảm giác đang bay lơ lửng giữa ghế và trần nhà. Cảm giác lúc đó là đầu ngược xuống đất còn chân chổng lên trời. Màu dồn hết lên não.

Khi ở Trái Đất, chúng tôi đã thực tập việc máu dồn lên não bằng nhiều cách như dốc ngược người, nhưng lên tới vũ trụ vẫn thấy khác hẳn. Tôi luôn có cảm giác đang đi bằng tay chứ không phải bằng chân. Mất vài ngày, tôi mới quen được với cuộc sống mới.
a

Nhà du hành vũ trụ Nga P.I.Klimuk


Thế còn việc sinh hoạt trên ấy thì sao?

Thức ăn, đồ uống đều được thiết kế ở dạng đặc biệt, ví dụ: thức ăn thì được nén thành những viên nhỏ nhỏ. Nhưng mọi thứ cũng không dễ dàng. Ở trên đó, do không có trọng lượng, nước sẽ bị ép chặt vào thành chai, ở giữa chai bị rỗng. Lúc ấy phải sử dụng đến nguyên lý sức ì của nước, giật thật mạnh vỏ chai, các giọt nước sẽ bắn ra. Nước sẽ không bị rớt xuống mà giống như những quả cầu nhỏ, chúng bay lơ lửng. Và để có nước uống, tôi và đồng nghiệp phải bay lượn đuổi theo những quả cầu nhỏ ấy… Không chỉ làm quen với cuộc sống trên vũ trụ mà khi trở về Trái Đất, chúng tôi lại phải tập để quen lại với cuộc sống cũ.

“Phạm Tuân là người giỏi. Khi sang Nga, anh ấy nắm rất vững các kiến thức về vũ trụ. Khi bay vào vũ trụ, anh ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nếu các bạn gặp Phạm Tuân, hãy chuyển lời hỏi thăm của tôi tới anh ấy”.

Các ông phải tập những gì?

Tập đi. Chúng tôi phải học đi như một đứa trẻ. Khi về Trái Đất, máu thôi không dồn lên não mà lưu thông trở lại bình thường, khi đó, mỗi bước đi là một lần ngã. Thông thường chúng tôi sẽ được dìu đi, hoặc có một đội mang cáng đến và chuyển chúng tôi đi. Nhà du hành vụ trụ Phạm Tuân của các bạn cũng được chăm sóc như thế đấy.

Vẫn còn nhiều điều huyền bí

Là người từng nhiều lần bay vào vũ trụ, ông nghĩ sao về giả thiết có người ngoài hành tinh?

Tôi không quá ngạc nhiên nếu như ở một nơi nào đó có một nền văn minh khác, thậm chí là ở trình độ cao hơn Trái Đất chúng ta. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, mọi thứ vẫn còn là giả thiết và chưa được làm sáng tỏ. Khi bay vào vũ trụ, chúng tôi cũng gặp rất nhiều hiện tượng lạ. Nhưng tới thời điểm này, nhiều thứ vẫn còn là câu hỏi chưa tìm được câu trả lời.

Ông vừa nói là gặp hiện tượng lạ. Đó là những hiện tượng gì?

Ví dụ, khi chúng tôi ở trong trạm quỹ đạo, chúng tôi có cảm giác như có ai đó nắm lấy quỹ đạo và lắc lắc. Rồi có lần, khi nhìn qua màn hình, chúng tôi thấy 4 vật thể có hình thù như 4 quả tạ cùng lúc bay ngang qua. Khi đó, chúng tôi liên hệ với Trái Đất hỏi xem có vừa phóng con tàu nào lên không thì lại được trả lời là không. Đôi khi, tôi có cảm giác có một vật thể nào đó dường như bám theo nhưng rồi lại đột nhiên mất hút… Có nhiều điều kỳ lạ. Nhưng hiện, những hiện tượng này vẫn còn nhiều bí ẩn. Những nghiên cứu trong tương lai sẽ trả lời cho những hiện tượng lạ mà chúng ta đang phỏng đoán.

Cứ nỗ lực, có lúc bạn sẽ được bay

Việc bay vào vũ trụ là chuyện không dễ, chắc hẳn những người được lựa chọn phải có những tố chất gì đó “đặc biệt”. Ông nghĩ mình đặc biệt ở điểm nào?

Chẳng phải bây giờ, không chỉ có các nhà du hành bay vào vũ trụ mà khách du lịch cũng đã lên tới vũ trụ đấy thôi. Điều này chứng tỏ, không chỉ những người có khả năng “đặc biệt” nào đó mới có thể lên được vũ trụ.

Tất nhiên, để bay vào vụ trụ cũng đòi hỏi phải có một số kỹ năng. Với các nhà du hành mức đòi hỏi rất cao: sức khỏe tốt, tốt nghiệp đại học ở mức xuất sắc, có trí nhớ tốt… Bạn phải nhớ rằng, khác với những người đi du lịch, những chuyến bay của chúng tôi không phải là đi chơi, đi tham quan. Chúng tôi tới đó để thực hiện các nhiện vụ được giao.

Tôi nhớ, tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc tuyển chọn. Đối với khách du lịch, sự đòi hỏi giảm hơn nhiều: có sức khỏe, đặc biệt tim mạch tốt. Đương nhiên, họ cũng phải luyện tập.

Ông nói như vậy, nghĩa là những người bình thường như chúng tôi chỉ cần có sức khoẻ tốt là có thể lên được vũ trụ?

Nhiều năm trước, khoảng không trong vũ trụ còn xa lạ với con người. Nhưng giờ đây, chúng ta đã hiểu hơn về vũ trụ thì việc bay lên đó không còn khó nữa. Nhưng bạn cũng phải nhớ rằng, những chuyến đi này rất tốn kém. Nhưng, biết đâu, trong thời gian tới sẽ có những chuyến bay vào vũ trụ trong vòng 10 phút rồi quay trở về. Khi đó, chi phí chuyến bay sẽ rẻ đi, cơ hội vào vũ trụ sẽ nhiều hơn cho mọi người.

Sợ giao thông Việt Nam

Tôi được biết khi lựa chọn điểm đến trong chuyến đi này ông đã chọn Việt Nam, tại sao?

Tôi đã từng đi qua hơn 100 nước, nhưng chưa có dịp nào đặt chân tới Việt Nam. Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi cơ hội được đứng đây và nói lời chào các bạn. Tôi chọn Việt Nam vì ở đây có người bạn vũ trụ Phạm Tuân. Tôi chọn Việt Nam vì đây là đất nước đã và đang có mối quan hệ thân thiện với nước Nga. Tôi chọn Việt Nam còn vì tôi tò mò muốn tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và người dân Việt Nam.

Vậy điều gì ông ấn tượng nhất về đất nước của chúng tôi?

Giao thông (nhún vai và cười lớn). Tôi đi nhiều nơi, nhưng hiếm thấy ở đâu xe cộ lại nhiều như thế. Nhưng tôi đã ở đây được mấy ngày nên giờ cũng quen rồi, ra đường không còn sợ nữa.

Còn với con người Việt Nam?

Tôi có đã đi tham quan một vài nơi. Người dân mến khách còn phong cảnh đẹp. Đấy là cảm nhận của tôi. Giờ thì tôi hiểu vì sao người dân Nga sang Việt Nam du lịch rất nhiều. Tôi nghĩ, các bạn có thể tự hào về đất nước mình.

Cảm ơn ông!



Lan Hoa(thực hiện)

theo bee


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc