Home » Thế giới » Bắc Kinh có thể trừng phạt Bình Nhưỡng tới mức nào?
Trước thái độ hung hăng của Bình Nhưỡng tiến hành bắn thử tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái và thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba trong tháng Hai vừa qua, Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, chấp thuận bỏ phiếu trừng phạt đồng minh đàn em bướng bỉnh này.

Một nhóm người TQ cầm biểu ngữ phải đối Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân. Ảnh chụp 13/02/2013 (REUTERS /Handout)

Sau nhiều tuần lễ thương lượng, Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt được đồng thuận về việc mở rộng và gia tăng các trừng phạt hiện hành trong lĩnh vực tài chính, kinh tế và thương mại. Nga cũng ủng hộ các biện pháp này.

Thế nhưng, theo giới quan sát, Bắc Kinh tỏ ra không hề sẵn sàng áp dụng các trừng phạt có thể đe dọa sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng.

Theo ông David Kang, chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Nam California, Hoa Kỳ, « Bắc Kinh xem Bắc Triều Tiên như là một vấn đề cần quản lý, chứ không phải là một vấn đề cần xóa bỏ ».

Các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2006 và năm 2009 không đủ để ngăn ngừa lãnh đạo Kim Jong Il trước đây và ông Kim Jong Un hiện nay, thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Giáo sư Kang dự báo: « Không có khả năng là nghị quyết mới sẽ tác động đến cách hành xử của Bắc Triều Tiên » và áp lực của quốc tế không ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên.

Từ sau vụ thử tên lửa hồi tháng Tư năm ngoái, Trung Quốc ngày càng tỏ ra phiền muộn hơn về Bắc Triều Tiên, và theo nhận định của giáo sư Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe), đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh thì vụ thử hạt nhân hồi tháng Hai đã dồn Trung Quốc vào tình thế cực kỳ khó xử trên trường quốc tế.

Vậy, Trung Quốc sẽ đi đến đâu trong việc trừng phạt Bắc Triều Tiên ? Nghị quyết có thể được Hội Đồng Bảo An thông qua ngày hôm nay sẽ gây khó khăn hơn cho các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên trong việc vận chuyển tiền mặt để buôn bán, một số ngân hàng quốc tế sẽ phải ngừng giao dịch với các ngân hàng Bắc Triều Tiên.

Mặt khác, nghị quyết cũng cho phép thanh tra các tàu bè của Bắc Triều Tiên, nhằm ngăn chặn nước này bán các thiết bị quân sự, mua công nghệ và thiết bị phục vụ chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Bắc Kinh sẽ không nghiêm chỉnh thực thi trừng phạt Bình Nhưỡng. Do bị cô lập trên thế giới, Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc tới 80% tổng xuất nhập khẩu. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên vẫn nhập hàng trái phép qua cửa khẩu Đại Liên của Trung Quốc.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng không sẵn sàng tiến hành các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát các tàu bè của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ.

Cho đến nay, Trung Quốc không tham gia Sáng Kiến An ninh chống phổ biến hạt nhân, do Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 5/2003, và hiện đã có gần 100 nước ký kết. Sáng kiến này nhằm ngăn chặn việc phổ biến công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử qua việc theo dõi và thanh tra máy bay và tàu thủy đến và đi từ Bắc Triều Tiên.

Giải thích sự ngỗ ngược của Bắc Triều Tiên và thái độ lập lờ của Trung Quốc, giáo sư Thành Hiểu Hà cho rằng trên thực tế, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cần có nhau : « Trừng phạt Bắc Triều Tiên mạnh hơn về kinh tế có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải trả giá nhiều hơn ». Vì lợi ích kinh tế, Bắc Kinh không muốn có những trừng phạt nặng nề đối với Bình Nhưỡng.

Mặt khác, vẫn theo vị giáo sư này, nếu Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào viện trợ và trao đổi đổi thương mại với Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng quan tâm đến việc duy trì được một quốc gia láng giềng hữu hảo trong khu vực, trong bối cảnh Washington thực hiện « chuyển hướng » chiến lược sang châu Á và tìm cách khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Do đó, theo giới phân tích, Bắc Kinh sẽ có một số điều chỉnh chiến thuật trong vấn đề trừng phạt Bình Nhưỡng. Về cơ bản, chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên sẽ không có gì thay đổi.

theo rfi


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc