Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Trung Quốc vẫn không thể mua láng giềng bằng tiền
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc không giúp ích gì được nhiều cho tiếng tăm của nước này tại châu Á.

Xúc tu yêu sách của Trung Quốc giờ đây đã vươn tới mọi ngóc ngách của châu Á. Những ngôi nhà xa hoa nằm chình ình một cách phi lý ở các ngôi làng xa xôi của Indonesia, cung cấp tổ chim cho món canh yến nổi tiếng của Trung Quốc; những cansino ở Singapore; rồi những trang trại gia cầm Ấn Độ giờ đây đang tìm thị trường cho chân gà; những khu mỏ rộng lớn mở ra ở Pilbara, Australia, hay Gobi, Mông cổ. Trong khu vực, Trung Quốc không chỉ là một thị trường mà còn là nhà xuất khẩu, nhà đầu tư, nhà thầu và nguồn chi hào phóng cho một số chính phủ.

Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế cùng với nhiều lợi thế do ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực vẫn không đem lại lợi thế về ngoại giao cho nước này. Trên thực tế, mối quan hệ của nước này với khu vực lại tồi tệ hơn so với 2 thập niên trước. Với Nhật Bản, họ vẫn “uất hận” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến khả năng xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ở Đông Nam Á, mối quan hệ cũng xấu đi bởi những tranh chấp trên Biển Đông. Còn Myanamar, sau 2 thập niên tăng cường tình hữu nghị với Trung Quốc, thì giờ đây họ cũng đang ngả theo phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc. Mối quan hệ với Ấn Độ thì vẫn thiếu lớn lòng tin, cho dù mối quan hệ thương mại có đang tăng lên.

Nguyên do một phần là sự ghen tị không thể tránh khỏi đối với một nền kinh tế hùng mạnh như Trung Quốc. Nhưng một phần cũng là do cách Trung Quốc kinh doanh: Ví dụ như việc sử dụng số lượng lớn công nhân Trung Quốc trong các dự án xây dựng lớn và họ thường sống tách biệt. Một số doanh nhân, giới chức và khách du lịch Trung Quốc vẫn bị mang tiếng là kiêu ngạo. Tuy nhiên, hầu hết nguồn gốc của những điều tiếng về Trung Quốc lại ít liên quan đến kinh tế, kinh doanh hay hành vi cá nhân. 

Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Nhưng lợi ích khổng lồ này lại có xu hướng bị bỏ qua. Bạn không nghe thấy nhiều người thán phục Trung Quốc cải thiện mức sống bằng cách kéo giá xa xỉ trước đây xuống mức có thể chấp nhận được. Thay vao đó, hàng nhập khẩu của Trung Quốc bị chỉ trích vì cạnh tranh thiếu công bằng, được nhà nước hỗ trợ. 

Trung Quốc cũng thường xuyên dùng thương mại làm vũ khí chính trị. Việc lẳng lặng ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật vào đầu cuộc khủng hoảng Điếu Ngư/Senkaku năm 2010 là một ví dụ. Rồi sau đó là các cuộc biểu tình chống Nhật, người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa Nhật vào thời điểm căng thẳng Senkaku/Điếu Ngư tăng cao vào năm ngoái, khiến các nhà sản xuất Nhật phải thúc đẩy tiến trình đa dạng hóa địa lý sản xuất của mình. 

Vai trò là nhà nhập khẩu của Trung Quốc cũng không nhận được lời cảm ơn của toàn cầu. Trung Quốc là đích xuất khẩu lớn nhất đối với các nước như Australia, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc và đảo Đài Loan. Nhưng yêu cầu hoán đổi hàng hóa của Trung Quốc và nguồn đầu tư vào năng lượng hay các dự án mỏ lại bị người dân bản địa xem là một kiểu thuộc địa chủ nghĩa. Có lẽ rõ nhất là trường hợp Tổng thống Myanmar Thein Sein ngưng dự án đập thủy điện với Trung Quốc năm 2011. 

Tương tự, những dự án xây dựng lớn của Trung Quốc thường bị nghi ngờ là một phần của một chiến lược lớn hơn. Ví dụ rõ ràng nhất là “chuỗi ngọc trai” hay các cơ sở hải quân mà giới phân tích Ấn Độ nhận định là chiến dịch bao vây chiến lược quanh Ấn Độ Dương. Sự thực là Trung Quốc đã tham gia xây dựng các cảng ở Khaukphyu, Myanmar, Hambantota, Sri Lanka, Gwadar, Pakistan và Chittagong ở Bangladesh. Và Trung Quốc có thể hi vọng một ngày nào đó sử dụng chúng cho các tàu cập bến hoặc thậm chí là làm căn cứ hải quân. Tuy nhiên, hiện nay điều đó vẫn chỉ là ngờ vực. 

Còn trong hoạt động sử dụng hỗ trợ của chính phủ, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cũng bị “tịt ngòi”. Trung Quốc cung cấp nhiên liệu để cho Triều Tiên hoạt động, lương thực để cứu đói người dân nước này, thế nhưng Trung Quốc vẫn không thể ngăn được lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân đang gây bất ổn khu vực. 

Thậm chí trường hợp có vẻ như cho thấy Trung Quốc đã thành công khi dùng viện trợ để mua lợi thế ngoại giao cũng rất mơ hồ. Tháng 7 năm ngoái, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã rung chuyển khi lần đầu tiên cuộc họp ngoại trưởng của khối không ra được tuyên bố chung. Hầu hết các thành viên trong khối đều đổ lỗi cho nước chủ nhà Campuchia, đã hỗ trợ Trung Quốc, ngăn chặn nỗ lực của Việt Nam và Philippines đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Và vào tháng 9, Trung Quốc công bố khoản cho vay mềm 500 triệu USD cho Campuchia. Nhưng cũng chính việc Trung Quốc mua sự hợp tác của Campuchia đã gây ra một số tổn hại. Thậm chí nếu Trung Quốc có thành công trong mục tiêu ngoại giao trước mắt, hoặc về lâu về dài giả dụ Trung Quốc được chứng kiến một ASEAN yếu thế, dễ bị tác động, thì thành công đạt được hồi tháng 7 đã phải trả một cái giá đắt: đó là ngờ vực bao trùm khắp khu vực. 

Cuối cùng ngờ vực đó là chính trị chứ không phải kinh tế. Người ta lo sợ điều như một ngoại trưởng Trung Quốc trong phút sơ sểnh năm 2010 đã nói: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là sự thật”. Các nước láng giềng lo ngại Trung Quốc tự xem mình không chỉ là một nền kinh tế lớn, mà là bá chủ về chính trị, kiềm chế tự do của họ. Mặc dù chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận tham vọng như vậy, nhưng họ vẫn không thể thuyết phục được các nước láng giềng rằng lợi ích của họ thuần túy mang tính thương mại. 

Vũ Quý

Theo Economist, dantri

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc