Home » Thể thao » Những “viên ngọc” của U19 quốc gia: Hoàng Thanh Tùng – con ngoan, trò giỏi
Những ngày này, căn nhà nhỏ của gia đình cầu thủ Hoàng Thanh Tùng ở khu tập thể Nhà hát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa (TP. Thanh Hóa) luôn tấp nập người đến chúc mừng tiền vệ xuất sắc này.

>> Những “viên ngọc” của U19 quốc gia: Dấu ấn của “báu vật” nông thôn

>> Những “viên ngọc” của U19 VN: Công Phượng, “món” gì cũng giỏi

Cha hát chèo, mẹ may vá

Sinh ra ở vùng đất nghèo xã Dân Lực (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), khi Tùng lên 2 tuổi em đã theo bố mẹ chuyển xuống khu tập thể Nhà hát Nhân dân TP.Thanh Hóa để sinh sống. Cuộc sống của gia đình em chỉ trông chờ vào mấy đồng lương ít ỏi của bố Hoàng Văn Tuấn (là diễn viên Nhà hát Chèo Thanh Hóa) và mẹ Lê Thị Hoa (một người làm công may vá cho các hiệu may).

thanh tung

Cầu thủ Hoàng Thanh Tùng (số 18).

Ngay từ nhỏ, tâm hồn Hoàng Thanh Tùng đã được nuôi dưỡng bằng âm nhạc, bởi ông nội của em trước đây là một nhạc công trong đoàn chèo, rồi đến bố và chú ruột của Tùng cũng là những nghệ sĩ chèo. Bản thân Tùng lại được sống trong khu tập thể với toàn giới văn nghệ sĩ. Cứ tưởng, cậu bé này sẽ theo nghiệp ca hát của ông cha, nhưng không ngờ Tùng lại “xuất thần” với môn thể thao “vua”.

Trong ngôi nhà khá đơn sơ ở khu tập thể Nhà hát Nhân dân, chị Lê Thị Hoa tâm sự: “Tùng là một đứa trẻ khá thông minh. Khi mới lên 3 tuổi, Tùng đã rất ham mê bóng đá và có thể đọc vanh vách tên các cầu thủ nổi tiếng của các câu lạc bộ bóng đá trên thế giới. Vì thế, cứ hôm nào có bóng đá, dù khuya mấy cháu đều thức cùng bố để xem ti vi cho bằng được. Tùng là một đứa trẻ rất chăm ngoan, lễ phép nên ngay từ nhỏ, cháu đã biết giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và chưa bao giờ phải để cho bố mẹ phải phiền lòng”.

Hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, nên bố mẹ không có điều kiện để cho Tùng theo học các lớp năng khiếu thể thao. Hằng ngày, công viên, vỉa hè hay sân của khu tập thể… chính là nơi luyện tập lý tưởng của em cùng các bạn, và cứ như vậy, niềm mê bóng đá ngấm vào người Thanh Tùng tự lúc nào không hay.

“Vua phá lưới” nhí

Khi còn là học sinh tiểu học, Hoàng Thanh Tùng đã trở thành “cầu thủ” xuất sắc không thể thiếu trong những giải bóng đá dành cho tuổi thiếu nhi ở cấp trường, cấp thành phố. Năm học lớp 5, tại Giải bóng đá Delta (cấp thành phố), Hoàng Thanh Tùng đã giành danh hiệu “Vua phá lưới” với 13 bàn thắng, sau đó Tùng đã được tham dự Giải YAMAHA toàn quốc… Đến năm học lớp 6 (năm 2006), Thanh Tùng được CLB Bóng đá Thanh Hóa chọn vào đội tuyển U13. Thế nhưng, được 1 năm, Tùng bị trả về cho gia đình vì còn… quá nhỏ. Chuyện ấy không làm nhụt đi niềm đam mê môn thể thao “vua” của cậu bé này. Cũng từ đó, Hoàng Thanh Tùng ra sức phấn đấu, tập luyện để thỏa mãn sở thích và ước mơ của mình.

Anh Hoàng Văn Tuấn, nhớ lại: “Tôi là người cũng rất mê bóng đá, trong một lần đi biểu diễn cùng đoàn ở tỉnh Gia Lai, khi đi qua Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, tôi thầm ước, giá như con trai tôi được học ở ngôi trường này thì tốt biết bao. Nhưng lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ là mình ao ước vậy thôi, chứ không dám nghĩ điều đó là sự thật”.

Năm 2007, nghe tin Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đang tuyển học viên, anh Tuấn bàn với vợ cho Tùng được nộp hồ sơ thử sức. Tuy nhiên, mẹ Tùng lại can ngăn vì sợ con trai mình nhỏ người, đã bị trả về nhà một lần rồi, liệu lần này đi thi có khả quan hơn lần trước không. Mặc kệ vợ can ngăn, anh Tuấn “lén lút” lên UBND phường photo giấy khai sinh, rồi đưa cho Tùng tự đi nộp hồ sơ. Trong tổng số 700 thí sinh dự thi, Hoàng Thanh Tùng là 1 trong 4 ứng viên lọt vào vòng chung kết. Vậy là hai vợ chồng anh Tuấn, chị Hoa lại dắt díu đưa cậu con trai của mình vào Gia Lai để học hành và tập luyện. Sau một tháng luyện tập, Hoàng Thanh Tùng chính thức trở thành học viên của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Qua nhiều trận đấu, Thanh Tùng nhanh chóng bộc lộ được khả năng thiên bẩm của mình, nên được Ban huấn luyện tuyển chọn để tham dự Giải VĐ U19 Đông Nam Á 2013 và cho tới 3 trận vòng loại Giải U19 châu Á vừa qua.

Bà Lê Thị Quang (66 tuổi) – hàng xóm của gia đình Tùng, phấn khởi nói: “Tôi hiếm khi xem bóng đá, nhưng trận nào có Tùng thi đấu, tôi cũng cố gắng thu xếp công việc để xem cho bằng được”. Bà Quang còn nhớ như in khi U19 Việt Nam đánh bại U19 Australia, cả khu phố như muốn nổ tung bởi những tràng pháo tay và những tiếng hò reo vang dội. Nhà nhà, người người đổ xô ra đường để ăn mừng, không khí rộn ràng…

Hồng Đức – Hoài Thu

Theo danviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc