Home » Thế giới » Cảnh sát Campuchia nổ súng vào công nhân biểu tình
Cảnh sát chống bạo động của Campuchia sáng ngày 12/11, đã đụng độ với hàng nghìn công nhân ngành may biểu tình diễu hành đến nhà Thủ tướng Hun Sen để xin giúp đỡ cải thiện điều kiện làm việc. Cảnh sát đã nổ súng và bắn hơi cay để giải tán đám đông.
canh sat

Cảnh sát bắn hơi cay và nổ súng về phía công nhân sáng 12/11/2013

Công nhân biểu tình đòi cải thiện điều kiện làm việc

Sự việc xảy ra tại quận Meanchey của thủ đô Phnom Penh khi khoảng 4 ngàn công nhân từ Công ty TNHH Chế biến may mặc Campuchia (SL) đã tụ tập biểu tình trên đường phố và cố gắng diễu hành đến nhà Thủ tướng Hun Sen nhưng cảnh sát ngăn chặn.

Ông Kong Athit, Phó Chủ tịch Liên minh của Công đoàn lao động Dân chủ Campuchia, người đứng đầu cuộc biểu tình cho biết bạo lực nổ ra khi cảnh sát muốn chặn khoảng 4.000 công nhân diễu hành đến nhà Thủ tướng Hun Sen. Công nhân Công ty SL đã biểu tình trong ba tháng vừa qua để yêu cầu cải thiện điều kiện an toàn lao động và tăng lương. 

Theo ông, mục đích của biểu tình là để thúc giục chính phủ can thiệp vào sự bất đồng giữa công nhân với lãnh đạo Công ty. Đồng thời yêu cầu Giám đốc Công ty rút lại quyết định sa thải để công nhân bị sa thải có thể quay trở lại làm việc bình thường. 

Ông Kong Athit nói: “Mâu thuẫn xảy ra sau khi cảnh sát chặn đường không để công nhân diễu hành, rồi cảnh sát đánh đập và sử dụng vòi rồng để giải tán công nhân. Cuộc đụng độ làm một người dân thường chết, nhiều người bị thương trong đó có 8 công nhân.”

bieu tinh

Xe cảnh sát bị người biểu tình đốt chay sáng ngày 12/11/2013

Trong cuộc đụng độ, hai chiếc xe ô tô và 2 chiếc xe gắn máy của cảnh sát bị đốt cháy.

Trung tướng Chuon Sovan, cảnh sát trưởng Phnom Penh giải thích rằng cảnh sát không muốn có bạo lực. Tuy nhiên, cuộc đụng độ xảy ra khi người biểu tình không tuân thủ luật pháp, ném đá vào cảnh sát; buộc cảnh sát bắn hơi cay và nổ súng để giải tán đám đông.

Trung tướng Chuon Sovan nói với phóng viên Quốc Việt rằng Ủy ban giải quyết biểu tình cấp quốc gia và Thành phố đã nhận được đơn khiếu nại của công nhân và đang cố gắng giải quyết.

Trong lúc ông Chuon Sovan đang trả lời phỏng vấn với chúng tôi, nhóm người biểu tình tấn công. Ông Chuon Sovan chỉ đạo lực lượng chống bạo động đánh. 

Ông nói: “Chúng tôi đã nhận được đơn khiếu nại của người biểu tình. Chúng tôi đang giải quyết. Người biểu tình tấn công, đánh! đánh! Tôi không kiềm chế được, đánh (tiếng súng đạn thật và đạn hơi cay nổ).” 

Trong khi đó, một công nhân tham gia biểu tình xin không nêu tên cho RFA biết phía cảnh sát đã kích động gây bạo lực trước. Người biểu tình diễu hành ôn hòa nhưng bị cảnh sát chặn đường. Cảnh sát dùng bạo lực lúc công nhân tiến về nhà Thủ tướng Hun Sen ở thủ đô Phnom Penh.

Công nhân: “Cảnh sát dùng bạo lực trước. Công nhân đã tiến về phía trước nhưng bị cảnh sát tấn công. Hiện nhiều công nhân bị bắt giữ, bị đánh đập và nhiều người đang ẩn trốn…”

Trung tướng Chuon Sovan cũng cho biết cuộc đụng độ này cũng làm 8 cảnh sát bị thương. Hiện cảnh sát đang điều tra các tu sĩ và người biểu tình bị bắt lúc tấn công vào cảnh sát.

Còn người phụ nữ bị trúng đạn thật có tên Eng Sokhom, không phải là người tham vào cuộc biểu tình. Bà Sokhom đã chết khi đưa đến bệnh viện hữu nghị Khmer-Soviet. 

Còn ông Am Sam Ath, Trưởng nhóm giam sát của tổ chức bảo vệ nhân quyền LICADHO nhận xét rằng bạo lực này cho thấy chính quyền Phnom Penh thiếu khả năng giải quyết vấn đề và cơ chế thỏa thuận. Ông nói hành động đàng áp người dân biểu tình đã trở thành văn hóa ở xứ chùa Tháp.

Ông Am Sam Ath nói: “Đây là hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền không thể chấp nhận. Đặc biệt là hành động cảnh sát đuổi bắt người dân không biết chuyện rồi đánh đập. Đây cũng là bài học cho các Công ty may mặc khác đang có vấn đề với công nhân. Công ty, chính quyền và công nhân phải giải quyết các vấn đề đừng để công nhân phẫn nộ.” 

Bạo lực lần này xảy ra ngay tại chỗ người dân đụng độ với cảnh sát và tiêu hủy xe cảnh sát vào dịp bầu cử Quốc hội, khóa V, ngày 28/7 vừa qua. Lúc đó, cảnh sát không đàn áp nặng tay đối với các tu sĩ và người dân đập phá tài sản nhà nước. 

Do đó, nhiều tổ chức nhân quyền xứ chùa Tháp đều lên tiếng, bạo lực lần này là sự trả đũa hận thù giữa chính quyền và người dân tại khu vực quận Meanchey. 

Được biết, công nhân Nhà máy SL khoảng 4.000 người đã đình công kể từ đầu tháng 8 đến nay để yêu cầu xem xét nâng lương và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn. 

Ngành công nghiệp dệt may là nguồn thu nhập lớn nhất của đất nước xứ chùa Tháp, chiếm hơn 80% xuất khẩu của đất nước. Cả nước có khoảng 600 nhà máy may mặc và giày dép với khoảng 650.000 người lao động tham gia làm công nhân cho các thương hiệu phương Tây. Ngành dệt may đã mang về 4,6 tỷ USD cho Campuchia năm 2012.

Quốc Việt

Theo rfa


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc