Home » Thế giới » Mỹ đến Philippines khiến Nga mỏi mắt nhìn về Cam Ranh
Việc Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện tại Đông Nam Á với vịnh Subic và gần đây là vịnh Oyster khiến Nga khao khát hơn bao giờ hết được quay trở lại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Liên tiếp gửi đi tín hiệu

Trong bài phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga, ông Igor Korotchenko – Chủ biên tạp chí Quốc phòng Nga chỉ ra, chỉ trong 1 tuần giữa tháng 11/2013, sự tích cực trong chính sách đối ngoại của Nga với Việt Nam đã mang lại những kết quả rõ rệt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Về vấn đề quân cảng Cam Ranh, ông Korotchenko cho biết, có thể coi việc hải quân Nga quay trở lại quân cảng lớn nhất của Việt Nam là một kết quả quan trọng nhất trong cuộc đàm phán lần này về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.

Ông nói: “Vấn đề ở đây không đơn thuần là việc thuê một căn cứ quân sự. Năm đó, Nga đã sai lầm khi rời bỏ Cam Ranh, chúng tôi đã tự làm mất đi những khả năng to lớn của mình. Tuy nhiên hiện nay việc trở lại căn cứ này đang được thảo luận một cách nghiêm túc nhất.

Dựa vào những thông tin công khai cũng có thể kết luận, 2 bên đã đạt thành một hiệp định với nội dung đến trước cuối năm 2014 Nga sẽ xây dựng ở quân cảng Cam Ranh một trạm cung ứng vật tư, kỹ thuật cho hải quân Nga. Trạm cung ứng này sẽ cũng cấp các phục vụ tốt nhất cho các chiến hạm Nga ví dụ như nhân viên kỹ thuật, các ụ tàu nổi cơ động để phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa”.

Từ tháng 10/2013 đến nay, chưa bao giờ tần xuất của những tín hiệu cho việc Nga trở lại quân cảng Cam Ranh lại dày đặc đến như vậy. Hôm 11/11, báo chí Nga đã rầm rộ đưa tin việc Nga sẽ trở lại với quân cảng này, ít nhất là với sự hợp tác thương trong việc đưa Cam Ranh trở thành một trạm chung chuyển cho lực lượng hải quân Nga.

Trước đó, giữa tháng 10/2013, Đài Tiếng nói nước Nga cũng phát đi những tín hiệu cho việc Nga trở lại Cam Ranh.

Điều gì khiến Nga mong về với Cam Ranh?

Một điều hiển nhiên, tại Biển Đông, một vùng biển đang có rất nhiều những diễn biến phức tạp, tập hợp đầy đủ những mâu thuẫn của thế giới đa cực, vịnh Cam Ranh của Việt Nam có một ý nghĩa địa chính trị quan trọng.

Từ Cam Ranh, có thể kiểm soát tuyến đường vận tải biển quan trọng bậc nhất thế giới, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cách cảng Cam Ranh không xa là eo biển Luzon và Malacca. Cam Ranh đảm bảo sự hiển diện thuận lợi của Hải quân bất kỳ quốc gia nào không chỉ ở vùng nước phía Bắc Ấn Độ Dương, mà còn trong vùng nước Biển Hoa Đông và Biển Đông.

cang cam ranh

Lữ đoàn tàu chiến đấu 162 của Hải quân Nhân dân Việt Nam đóng tại Cam Ranh, trang bị hầu hết tàu chiến của Nga đóng.

Từ thời Liên Xô, khi Nga thiết lập một căn cứ quân sự tại quân cảng này, cả Mỹ và Trung Quốc đều thèm muốn được đặt chân vào quân cảng này. Những năm 1980 đến 1990, Trung Quốc đã từng nhiều lần ngỏ ý muốn thuê căn cứ quân sự tại Cam Ranh.

Còn phía Mỹ, họ cũng muốn có được cơ hội ấy bởi hơn ai hết, Mỹ đã từng có căn cứ quân sự tại đây vào những năm chiến tranh Việt Nam, và người Mỹ hiểu được giá trị của quân cảng này. Song song với những động thái làm ấm mối quan hệ hai nước thời gian gần đây, Mỹ cũng không giấu khát vọng được quay trở lại Cam Ranh.

Tuy nhiên, việc Nga mong mỏi được trở về Cam Ranh không chỉ đơn giản bởi quân cảng này có vị trí chiến lược quan trọng, mà còn những động thái của Mỹ từ Philippines dội lại, khiến Nga vô cùng sốt ruột.

Hiện tại, trước những hành động leo thang trong tranh chấp chủ quyền với Philippines của Trung Quốc đã khiến quốc gia này quyết định mở cửa vịnh Subic, biến thành một quân cảng nước sâu, và quân đội Mỹ đã chắc chắn có sự hiện diện tại đây.

Subic cũng là một quân cảng có vị trí chiến lược, từ Subic có thể kiểm soát dễ dàng vùng biển của Trung Quốc, và phối hợp nhịp nhàng với Nhật Bản, Hàn Quốc tạo thành sức mạnh của chuỗi đảo thứ nhất trong chiến lược hàng hải của Mỹ.

Không dừng ở Subic, với lý do quân cảng này quá tải, Mỹ và đồng minh Philippines tiến đến một Subic thứ hai- Vịnh Oyster. 

Nói về vị trí của vịnh Oyster, tờ Asia Times cho biết, Oyster thuộc đảo Palawan có cảng nước sâu có thể tiếp đón các tàu lớn, bao gồm tàu chiến. Cảng Oyster đang được xây dựng cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khoảng 160 km và cách Manila gần 600 km về phía Tây Nam.

Khác với Subic, vịnh Oyster hướng thẳng ra biển Đông và có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng của Philippines. Chính phủ Mỹ cũng đã rót tiền đầu tư vào quân cảng này. Tờ Asia Times đánh giá, Oyster sẽ là một “viên ngọc chiến lược” trong quan hệ Mỹ – Philippines. 

Như vậy, riêng với Philippines, Mỹ đã có hai “viên ngọc” trong chiến lược chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương mà Tổng thống Obama đề ra. Trong khi đó, người Nga cũng đang theo đuổi giấc mơ trở lại thời hoàng kim với vị thế như Liên Xô cũ, nhưng hiện tại, trong tay Nga đang thiếu quá nhiều viên ngọc như vậy. 

Có thể thấy, Nga khao khát Cam Ranh hơn bao giờ hết bởi trong Biển Đông và nhìn rộng ra Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Cam Ranh có thể sẽ là viên ngọc sáng hơn cả. 

Quan điểm Việt Nam về Cam Ranh

Nga không phải là lực lượng đối đầu khối quân sự NATO, Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác, Nga khẳng định vị thế chính trị của mình trên thế giới thông qua những hoạt động đối thoại chính trị – quân sự, không cho phép có các hành vi can thiệp vũ trang vào nội bộ bất cứ quốc gia nào có chủ quyền.

quan cang cam ranh

Quân cảng Cam Ranh

Quan điểm này đã được thể hiện rất rõ trong suốt thời kỳ ông Putin cầm quyền, gần đây nhất là tiêu biểu của chính sách đối ngoại Nga thực hiện ở Syria, hay bức thư gửi tờ The New York Times của tổng thống Nga Putin.

Tuy nhiên, với Việt Nam, Việt Nam cũng có những quan điểm thống nhất và xuyên suốt về đường lối đối ngoại của mình.

Trong tương lai, giữa Việt Nam và Nga sẽ có chương trình hợp tác hữu nghị nhằm xây dựng ở Cam Ranh một cơ sở hậu cần kỹ thuật Hải quân với hai mục đích: mục đích thứ nhất là tại đây sẽ tiến hành các hoạt động duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra các tàu ngầm, các chiến hạm có nguồn gốc từ Nga, mục đích thứ hai là thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật cho các chiến hạm của Nga và chiến hạm các nước có nguồn gốc từ Nga trong khu vực. 

Tuy nhiên, Việt Nam chắc chắn sẽ không có những mục đích tiếp theo, ví dụ như xây dựng một căn cứ quân sự. Quan điểm ngoại giao của Việt Nam luôn đồng nhất: không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã khẳng định: “Việt Nam dự định thành lập một trung tâm dịch vụ quốc tế hoạt động độc lập tại Cam Ranh. Quân cảng này sẽ không được sử dụng như căn cứ quân sự của bất kỳ quốc gia nào”.

Đỗ Minh

Theo baodatviet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc