Home » Thế giới » Mỹ cảnh báo Nga không nên can thiệp quân sự vào Ukraine
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, một động thái can thiệp quân sự sẽ tạo ra “sai lầm nghiêm trọng”.

RIA Novosti ngày 23/2 đưa tin, một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 23/2 đã cảnh báo Moscow không nên gửi quân tới Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại nước láng giềng này bởi một động thái như vậy sẽ tạo ra “sai lầm nghiêm trọng”.

ukraina

Những người Ukraine ủng hộ việc thiết lập quan hệ thân thiết với Nga biểu tình tại Sevastopol ngày 23/2 (Ảnh: RIA Novosti)

“Không phải vì lợi ích của Ukraine, Nga, châu Âu hay Mỹ khi nhìn thấy sự chia rẽ tại đất nước này. Đó là vì lợi ích của những ai muốn thấy bạo lực quay trở lại và tình hình căng thẳng leo thang”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết tại cuộc phỏng vấn trong chương trình “Gặp gỡ báo chí của đài NBC.

Ý kiến ​​của bà Rice được đưa ra sau khi một báo cáo đăng tải trên Financial Times tuần trước trích dẫn một quan chức cấp cao giấu tên của Nga nói rằng, Moscow có thể can thiệp để bảo vệ sắc tộc Nga ở bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ Ukraine, nơi có một căn cứ hải quân Nga.

“Nếu Ukraine bị chia tách, nó sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh. Họ sẽ mất bán đảo Crimea đầu tiên vì chúng tôi sẽ tới đó và bảo vệ nó, cũng giống như chúng tôi đã làm ở Gruzia”. Quan chức này ám chỉ đến cuộc chiến của Nga với Gruzia năm 2008 nhằm bảo vệ nước Cộng hòa Nam Ossetia thuộc Nga.

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện hôm 23/2, bà Rice cũng cho rằng, tình hình ở Ukraine “không phải là vấn đề của Mỹ hay Nga” và cho rằng, mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu của Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến sự liên kết về lịch sử của đất nước này với Nga.

“Không có sự mâu thuẫn nào giữa việc Ukraine có quan hệ lịch sử và văn hóa lâu dài với Nga và một Ukraine hiện đại muốn hội nhập chặt chẽ hơn với châu Âu”, bà Rice nói.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã rời bỏ thủ đô Kiev hôm 22/2 sau các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh khiến hàng chục người thiệt mạng.

Các nhà lập pháp Ukraine đã tiến hành luận tội ông Yanukovich ngày 22/2, mặc dù ông này tuyên bố sẽ không từ chức và mô tả nỗ lực để lật đổ ông là một cuộc đảo chính. 

Trước đó, phía Mỹ cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ đã có một cuộc đàm thoại “mang tính xây dựng” về tình hình tại Ukraine hôm 21/2. 

Trong một cuộc điện thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự “ủng hộ mạnh mẽ” của Mỹ với quyết định của Quốc hội Ukraine chỉ định Chủ tịch Quốc hội mới được bầu là Aleksandr Turchinov đảm nhiệm chức vụ Tổng thống lâm thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố. 

Ông Kerry cũng nhấn mạnh “mong muốn của Mỹ rằng, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do dân chủ của Ukraina sẽ được tôn trọng bởi tất cả các nước”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói với ông Kerry rằng, “phe đối lập Ukraine đã nắm được quyền hành nhưng vẫn từ chối hạ vũ khí và tiếp tục đấu tranh bạo lực”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố. 

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh với người đồng cấp Mỹ rằng, một thỏa thuận hòa bình được ký kết hôm 21/2 giữa Tổng thống Yanukovich và lãnh đạo đối lập Ukraine trong đó kêu gọi bầu cử Tổng thống sớm và cải cách hiến pháp phải được thực thi. Ông Lavrov cũng lưu ý rằng, vào thời điểm đó, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này./.

Nguyễn Hùng/VOV

 

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc