Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Mục đích của ‘công đoàn giấy’ ở Trung Quốc là gì?
Công đoàn, hay còn gọi là “Liên đoàn lao động”, ban đầu được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhưng ở Trung Quốc, các tổ chức này đều do chính quyền điều hành. Khi quyền lợi bị xâm phạm, người lao động chỉ biết đình công, thay vì nhờ đến sự trợ giúp từ công đoàn. Gần đây một người lao động đã kiện Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc vì đã “không làm gì”. Vụ kiện khiến mọi thành phần xã hội đều nhìn lại, thực ra chủ nghĩa công đoàn ở Trung Quốc chỉ là hữu danh.

nguoi lao dong tq

Những năm gần đây, khi người lao động ngày càng nhận thức được quyền hợp pháp của họ trong vấn đề việc làm, thì ngày càng nhiều các cuộc đình công và phong trào công nhân nổ ra. Theo các tổ chức về quyền lao động – “Tập san Lao động Trung Quốc” – phát hành đầu năm nay, số lượng các cuộc đình công tăng hơn 1/3 so với năm ngoái.

Hầu hết các nhóm công nhân đình công đều không thông qua công đoàn, nơi đáng ra giữ chức năng đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động bảo vệ quyền hợp pháp của họ. Tuy nhiên, công đoàn ở Trung Quốc hiếm khi tham gia vào tranh chấp lao động giữa 2 bên.

Lương Phi Khuân, Thư ký chấp hành của tổ chức “Sinh viên và học giả chống đối xử sai trái trong doanh nghiệp” nói: “Hiện nay có rất nhiều cuộc đình công, chúng tôi thấy thực ra công nhân có ý thức bảo vệ quyền lợi của họ. Họ biết rằng họ nên lên tiếng khi lợi ích của họ bị tổn hại. Nhưng, không có một kênh liên lạc thuận lợi nào giữa người lao động và chủ doanh nghiệp để họ đối thoại hoặc xử lý vấn đề”.

Người lao động ở đại lục sẽ đặt ra câu hỏi rằng vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) là gì? Tổ chức này có gần 300 triệu thành viên và doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ.

Ngày 23 tháng 7 năm ngoái, Uông Nhã Phương, một nữ nhân viên bị Wal-Mart – công ty bán lẻ đa quốc gia của Mỹ – sa thải, đã kiện chi nhánh “TLĐLĐ” ở Thâm Quyến. Nguyên nhân là liên đoàn đã không hoàn thành bổn phận của họ theo đúng quy trình sa thải. Vì vậy danh dự của cô bị tổn hại.

Theo các tin tức, năm 2011, trung tâm thương mại Wal-Mart ở Thâm Quyến sa thải cô Uông với lý do “có ý đồ xấu”. Cô Uông làm công việc thu ngân ở đó được 9 năm. Cô đã cố yêu cầu công đoàn giúp đỡ nhưng bị từ chối. Họ không có bất cứ phản đối nào với quyết định sa thải và giải quyết qua loa chiếu lệ mà không hề điều tra thêm. Thanh danh của cô bị tổn hại sau vụ việc này.

Tha Thừa Nguyên, luật sư trong vụ này nói với Thời báo New York rằng TLĐLĐ đã không làm tròn trách nhiệm, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Nhiều người lao động Trung Quốc cũng ủng hộ cáo buộc này. Họ muốn dùng vụ việc này để “cảnh tỉnh” hệ thống công đoàn Trung Quốc. Ông nói: “Tôi hy vọng công đoàn có thể thực sự là cơ quan đại diện cho quyền lợi của người lao động”.

Lương Phi Khuân: “Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp cho phép người lao động Trung Quốc được bầu chọn đại diện của họ trong công đoàn, theo như ‘Luật Công đoàn’.”

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù Trung Quốc đại lục có rất nhiều công đoàn, liên đoàn lao động, nhưng người lao động đều đồng tình rằng những công đoàn này chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Họ chỉ là “công đoàn giấy”. Thật ra, chỉ có một liên đoàn duy nhất là TLĐLĐ. Liên đoàn lao động ở các thành phố khác nhau là chi nhánh của TLĐLĐ. Họ hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Nhiệm vụ chính của các công đoàn là bám sát đường lối, chủ trương của Đảng.

Chương Chi Nhu, lãnh đạo của “Cơ quan Tranh chấp Lao động Mùa xuân” ở Thẩm Quyến nói: “Công đoàn chính thức ở Trung Quốc không làm gì cả, có thể do nguyên nhân về thể chế. Thật ra, chúng ta nên biết rằng với tư cách là một tổ chức công đoàn, thì họ nên độc lập thay vì lệ thuộc vào chính quyền.”

Ở nước ngoài, công đoàn là do người lao động tự thành lập. Ở Trung Quốc, công đoàn trở thành một bộ phận trong doanh nghiệp. Vấn đề bổ nhiệm hay cách chức thường do ban quản lý quyết định. Thậm chí, ở các doanh nghiệp nhà nước, thành viên của công đoàn do chính phủ trực tiếp bổ nhiệm. Do đó, khi nảy sinh tranh chấp, đại diện của công đoàn sẽ chú ý đến lợi ích của giới chủ, hơn là lợi ích của người lao động.

Chương Chi Nhu: “Quyền của người lao động bị vi phạm, do họ không có đại diện trong các tổ chức đó. Nhưng, theo chính sách ở Trung Quốc, công đoàn phải dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn lao động chính thức. Vì vậy công đoàn khó có thể giữ đúng vai trò của mình. Liên đoàn lao động là lãnh đạo của bạn, cấp trên của bạn. Thứ nhất, họ sẽ không hỗ trợ quyền và lợi ích của bạn. Thứ hai, họ có thể ngăn cản việc bạn bảo vệ quyền lợi của mình. Thực ra, liên đoàn lao động không đóng bất cứ vai trò gì trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động, mà có khi còn ngược lại”.

Đa phần, người ta đều nhìn nhận rằng Trung Quốc chỉ có “công đoàn giấy”, còn người lao động ở đại lục thì đặt câu hỏi: “Mục đích của những công đoàn “không làm gì cả” này là gì?”

NTDTV, vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc