Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Việt – Nhật ‘họp kín chống tham nhũng’
Đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản đã tiến hành cuộc họp thứ ba để bàn về xử lý tham nhũng trong các dự án Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) vào ngày 24/6.
Nhiều dự án đường sắt ở Việt Nam sử dụng vốn ODA từ Nhật

Nhiều dự án đường sắt ở Việt Nam sử dụng vốn ODA từ Nhật

Đại diện của Việt Nam là Thứ trưởng bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, còn phía Nhật Bản là Công sứ đại sứ quán Hideo Suzuki.

“Việc tìm hiểu sự việc để mong người dân Nhật thấu hiểu và đồng tình. Vừa qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc tìm hiểu sự thật của vụ việc này,” ông Hideo Suzuki được trích lời trên báo Tiền Phong.

“Hy vọng sau 3 cuộc họp, như cuộc họp diễn ra hôm 2/6, chúng tôi cũng muốn được nghe kết quả điều tra, và các biện pháp để phòng chống tham nhũng từ phía Việt Nam. Hy vọng buổi đối thoại hôm nay sẽ thành công.”

Tuy vậy Thời báo Kinh tế Việt Nam nói rằng cuộc gặp chỉ cho phép báo chí tham gia ở phần khai mạc, sau đó hai bên đã tiến hành họp kín.

Nhật Bản đã tạm ngừng viện trợ ODA vào đầu tháng Sáu, sau nghi án hối lộ của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) với quan chức đường sắt Việt Nam được phanh phui vào tháng Ba. Một lãnh đạo của JTC khai với cơ quan công tố Tokyo rằng đã hối lộ một quan chức Việt Nam 66 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ yen ở Việt Nam.

Phía Nhật nói chờ kết luận điều tra và những bước ngăn ngừa các vụ việc tương tự xảy ra từ phía Việt Nam để nối lại viện trợ. Hai bên đã tiến hành ba cuộc gặp chính thức về vấn đề này, ông Suzuki cho biết. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc.

‘Xử lý cán bộ’

Liên quan đến nghi án tham nhũng, đến đầu tháng Năm, sáu cán bộ cao cấp của Công ty Đường sắt đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra, bao gồm Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Đông, hai Phó giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đường sắt Phạm Quang Duy và Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng dự án 3 Nguyễn Nam Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc bộ Giao thông) Trần Văn Lục, cùng với Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Công ty Đường sắt).

Các cán bộ cấp cao này bị cáo buộc các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy vậy, hiện chưa ai bị cáo buộc tội “nhận hối lộ”.

Tiếp đó vào đầu tháng Sáu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam quyết định cho thay Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam. Ông Thăng nói ông Tường là người “đạo đức trong sáng” nhưng “công việc anh làm không tốt nên buộc phải thay”, và không đề cập đến việc ông này có liên quan đến vụ việc hay không.

Theo bbc

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc