Với tham vọng độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng một đường băng quân sự tại đảo Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Reuters, hôm qua (28/7), Trung Quốc cho biết nước này đã thực hiện tập trận trên biển và trên không tại biển Đông, nơi mà nước này đơn phương tự xưng có chủ quyền gần như toàn bộ diện tích mặt nước. Hơn thế nữa, các bức ảnh vệ tinh gần đây nhất, do công ty Digital Globe chụp vào ngày 18/7, cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng một đường băng quân sự dài khoảng 3km và rộng chừng 250m tại đảo Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa.
Tập trận trên biển Đông
Trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận tại biển Đông của quân đội nước này sẽ huy động hơn 100 tàu chiến, hàng chục máy bay, các đơn vị thông tin cũng như lực lượng chiến đấu sử dụng hạt nhân. Tuy nhiên, thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại không nói rõ vị trí tập trận diễn ra tại khu vực nào trên biển Đông.
Trang tin điện tử China Military Online (Quân đội Trung Quốc), một công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, cho biết mục tiêu của lần tập trận mới nhất này là tập trung vào việc kết hợp hệ thống thông tin cùng với lực lượng chiến đấu trên biển và trên không, cũng như kiểm tra hiệu quả chiến đấu của các vũ khí mới. Theo phân tích của trang tin Want China Times, mục đích của cuộc tập trận không đơn giản chỉ là để huấn luyện thủy thủ từ nhiều tàu chiến phối hợp với nhau trong môi trường thực chiến, mà diễn biến của nó dường như để chuẩn bị cho Hải quân Trung Quốc thực hiện việc tấn công đổ bộ vào các đảo trên biển Đông.
Căng thẳng trên biển Đông gia tăng từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các vùng có tiềm năng dầu khí ở biển Đông, bao trùm lên tuyến đường biển thương mại quan trọng thứ hai của thế giới với các loại hàng hóa có giá trị khoảng 5 nghìn tỷ USD lưu thông qua lại mỗi năm, và ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo bất hợp pháp. Nước này phủ nhận chủ quyền vùng biển tranh chấp của các nước khác trong khu vực bao gồm Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Hôm thứ Bảy tuần trước (25/7), Hải quân Trung Quốc lại tiếp tục ngang ngược chỉ trích các nước khác “chiếm đóng bất hợp pháp” các đảo ở biển Đông.
Theo Reuters, hành động này đã bị cả Washington và Tokyo chỉ trích.
Mỹ và Nhật Bản là hai cường quốc có lợi ích thương mại quan trọng từ các tuyến đường hàng hải tự do quốc tế nằm trên biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố luôn sẵn sàng hành động khi có động thái bất ngờ tại khu vực này đồng thời tăng cường tập trận với Philippines. Hôm 21/7, tại Hội thảo lần thứ 5 về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố Washington sẽ hành động kiên quyết trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ sẽ không đứng trung lập trong khi bảo vệ luật pháp quốc tế mà sẽ dùng sức mạnh để đảm bảo các quy định quốc tế được tôn trọng. Gần đây, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), tuyên bố lực lượng hải quân nước này sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.
Nhật Bản tuy không có tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông nhưng căng thẳng với Trung Quốc cũng đang ngày càng căng thẳng trước động thái Trung Quốc xây dựng hàng loạt các giàn khoan nằm sát đường phân định biên giới trên biển với quốc gia này. Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang tranh chấp hòn đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và cả hai bên đều không có dấu hiệu lùi bước. Hôm 21/7, Quốc hội Nhật Bản thông qua Sách trắng Quốc phòng, trong đó có nội dung chỉ trích Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa và bày tỏ lo ngại quyền lợi tự do hàng hải của Nhật có thể bị ảnh hưởng bởi tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông của Trung Quốc.
Đường băng quân sự trên đảo đá Subi
Không dừng lại ở việc tập trận quy mô lớn trên biển Đông, mới đây nhất, những hình ảnh vệ tinh do công ty Digital Globe chụp vào ngày 18/7, cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng một đường băng quân sự dài khoảng 3km và rộng chừng 250m tại đảo Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa.
Hiện trạng đảo Đá Subi trong ảnh chụp vệ tinh hôm 18/7. (Nguồn: Twitter)
Theo trang medium.com, đường băng này có thể so sánh với đường băng của căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam của Mỹ, dài khoảng 3.414m và rộng khoảng 61m – có thể dùng để phóng máy bay B-52.
Khoảng 48 cần trục lớn đang hoạt động tại đảo Đá Subi, ngay khu vực được cho là đường băng đang xây dựng. Đội xe chuyên chở bê tông cũng tăng lên 34 chiếc, so với 20 chiếc vào hôm 5/6/2015. Theo chuyên gia phân tích Victor Robert Lee, trong giai đoạn đầu xây dựng đường băng trên đảo Đá Chữ Thập, chỉ có 20 xe chở bê tông hoạt động.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 18/7 cho thấy có khoảng 48 cần trục lớn đang hoạt động tại đảo Đá Subi. (Nguồn: Twitter)
Hoạt động nạo vét cát tại đảo Đá Subi gần như đã được dừng lại. Chỉ còn 2 tàu nạo vét tại đây, trong đó chỉ có 1 chiếc còn gắn ống hút bùn. Theo ông Lee, hôm 5/6/2015, có đến 14 tàu hút cát hiện diện tại đảo.
Ảnh chụp vệ tinh hiện trạng đảo Đá Subi ở rìa phía tây nam vào ngày 18/7. (Nguồn: Twitter)
Trong các ảnh vệ tinh chụp hôm 18/7, số lượng tàu hậu cần tập trung tại đảo Đá Subi là 54 chiếc, tăng 16 chiếc so với thời điểm hôm 5/6/2015. Ông Lee cho biết, đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động xây dựng đang bước vào giai đoạn cao điểm, trong khi hoạt động bồi đắp dường như đã chững lại.
Ảnh chụp vệ tinh ngày 18/7 cho thấy dải đất phẳng (trái) dài khoảng 3km, đang được xây dựng trái phép thành đường băng. (Nguồn: Twitter)
Các quan chức an ninh của Philippines cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc sử dụng đảo Đá Subi làm căn cứ không quân và cảng hải quân, thì hàng hóa cung ứng tới đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có khoảng 300 thường dân và các binh lính Philippines đang hiện diện, sẽ gặp khó khăn. Từ đảo Đá Subi, Trung Quốc có thể dùng vũ lực để đánh đuổi các tàu hoặc máy bay chở hàng cung cấp tới đảo Thị Tứ.
Hồi cuối tháng Sáu, những hình ảnh được đăng tải trên trang mạng của AMTI cho thấy Trung Quốc gần như đã hoàn thành xong việc xây dựng đường băng dài 3km trên đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).
AMTI cho biết thêm, phân tích từ ảnh vệ tinh, trên đảo Đá Chữ Thập còn có 10 cột ăng-ten viễn thông vệ tinh, một tháp có thể là tháp radar, hai ngọn hải đăng và 1 nhà máy xi măng. Ngoài ra, còn có 1 bến cảng đã xây dựng được một phần với 9 bến tàu tạm. Tính đến nay, diện tích bồi đắp tại đảo Đá Chữ Thập là 2,740,000 mét vuông, trong đó khu vực cảng chiếm 630,000 mét vuông.
Hiện trạng đảo Đá Chữ Thập trong ảnh chụp vệ tinh ngày 13/7. (Nguồn: Twitter)
Cận cảnh hiện trạng xây dựng cảng tại đảo Đá Chữ Thập trong ảnh chụp vệ tinh ngày 13/7. (Nguồn: Twitter)
Trong khi đó, tại đảo Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), AMTI cho biết các cơ sở hạ tầng đang được xây dựng bao gồm: một cảng nhỏ có không gian neo đậu giới hạn, hai trạm bốc dỡ hàng hóa, hai bãi đáp dành cho trực thăng, ba cây cột trông giống như cột ăngten kết nối vệ tinh, hai tháp radar, sáu tháp do thám và an ninh, 4 tháp vũ khí và một ngọn hải đăng. Ngoài ra, còn có khu vực trồng trọt cung cấp lương thực và khu vực sản xuất năng lượng cho toàn đảo, gồm hai tuôcbin gió và 44 tấm pin mặt trời.
Không chỉ dừng lại ở việc tập trận và gấp rút hoàn thành việc xây dựng bồi đắp bất hợp pháp các đảo nhân tạo, Trung Quốc còn tuyên bố đang lên kế hoạch thực hiện việc đưa khách du lịch tới quần đảo Trường Sa, tại vùng biển tranh chấp trên biển Đông, bằng du thuyền lần thứ hai. Các chuyến du thuyền đưa khách du lịch ra Trường Sa đã bắt đầu thử nghiệm vào năm 2013.
Theo nhận định của các chuyên gia, các động thái mới nhất của Trung Quốc tại biển Đông ngày càng chứng tỏ nước này đang từng bước leo thang và lộ rõ ý đồ hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông.
Theo daikynguyenvn.com
https://daikynguyenvn.com/trung-quoc/trung-quoc-lai-tien-them-mot-buoc-trong-viec-hien-thuc-hoa-tham-vong-doc-chiem-bien-dong.html
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!