Home » Sức khỏe » Có bao nhiêu chất tạo nạc bị cấm đang sử dụng
Số liệu thống kê cho thấy 9 tháng năm 2015 có 68 tấn tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam, thế nhưng chỉ được phép sử dụng 3,5 tấn trong y tế, còn 64,5 tấn hiện đang ở đâu không ai rõ.

Mới đây nhất Tại tọa đàm Chất cấm trong chăn nuôi – Thực trạng, giải pháp ngày 23/3, đại tá Trần Trọng Bình – Phó cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49) cho biết “Theo tôi biết, nhập 9 tấn nhưng ngành dược sử dụng chưa tới 3 tấn để sản xuất thuốc. Theo phán đoán, số còn lại rất có thể bị tuồng ra thị trường đến tay một bộ phận người chăn nuôi”

Trước hết phải nói ngay rằng, những lùm xùm quanh chất Salbutamol chính là việc, dù được liệt vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng vẫn được nhiều cơ sở chăn nuôi lén đưa vào thức ăn nhằm “thúc” gia súc, gia cầm tăng trọng lượng nhanh chóng. Chất này bị cấm, bởi Salbutamol là một loại hormon nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người khi đưa vào cơ thể. Còn kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người. Vấn đề càng nóng khi chỉ một thời gian ngắn, trong quá trình thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt mẫu thực phẩm có dư lượng kháng sinh và chất tạo nạc vượt quá mức cho phép hàng ngàn lần. Cùng với đó, nhiều chuyên án lớn cũng được xác lập và “bắt dính” nhiều đường dây chuyên cung cấp loại chất cấm này cho các cơ sở chăn nuôi.

Cùng với đó, theo nhiều chủ trang trại, chất cấm có chứa Salbutamol thậm chí được các thương lái tiếp thị trực tiếp với các chủ trang trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Hoàng T. – một chủ trang trại chăn nuôi ở Sơn Tây (Hà Nội) phản ánh, thương lái thường chào bán và đưa ra những con số hấp dẫn như: Chỉ cần chưa đến 1 kg Salbutamol có thể sử dụng cho 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Và, mỗi con lợn được người nuôi cho ăn chất này có thể đem đến lãi từ 500.000 – 1 triệu đồng. Đây là lý do mà không ít người chăn nuôi đã bất chấp lệnh cấm để… làm liều.

Một nguồn tin có thẩm quyền cho biết, vụ nghi nhập lậu 68 tấn hóa chất Clenbuterol và Salblutamol rồi tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi đang được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an điều tra làm rõ

“Việt Nam đã gia nhập TPP, giờ mà thịt nước ngoài vào sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay bởi đặt lên bàn cân, người tiêu dùng sẽ chọn thịt ngoại vì nghi ngờ thịt trong nước. Khi đó, ngành chăn nuôi của mình sẽ chết”, một người chăn nuôi tỏ ra lo lắng và mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng xử dụng chất cấm.

hoa-chat-gay-ung-thu-trong-chan-nuoi-duoc-nhap-khu-cong-khai-1

Một đường dây buôn chất cấm bị C49 phát hiện ở TP HCM. Ảnh: A.X – vnexpress

 

Theo thống kê của C49, năm ngoái đơn vị đã triệt phá được 3.365 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử phạt hành chính hơn 2.400 vụ, thu nộp ngân sách gần 17 tỷ đồng. Nhiều đường dây buôn bán chất cấm lớn từ Bắc vào Nam cũng bị phát hiện.

Trước thông tin trên, PV đã liên lạc trực tiếp với cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép cho nhập chất Salbutamol vào Việt Nam, để xác nhận số lượng thực tế chất Salbutamol đã vào Việt Nam và được sử dụng như thế nào? Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng cục Quản lý Dược đã tránh trả lời trực tiếp những câu hỏi của PV đặt ra. Cụ thể ông Đông một lần nữa khẳng định: Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol về để sản xuất thuốc thành phẩm trong nước và nhập khẩu thuốc thành phẩm chứa Salbutamol phục vụ nhu cầu điều trị bệnh. Và nguyên liệu Salbutamol, thuốc chứa Salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế, và không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, ông Đông cũng trả lời rằng, từ năm 2015, ngay sau khi có thông tin về nguyên liệu Salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích nguyên liệu làm thuốc đặc biệt là Salbutamol. Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20/11/2015 thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào luật Dược sửa đổi nội dung: Đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào khái niệm “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” (luật Dược 2005 quy định các thuốc phải kiểm soát đặc biệt chỉ bao gồm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ). Và nếu được thông qua đưa Salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng.

Điều đáng nói, hồi âm từ Cục Quản lý Dược hoàn toàn không nhắc đến số liệu cụ thể về số lượng chất Salbutamol được nhập về Việt Nam và sử dụng như thế nào như câu hỏi PV đã đưa ra. PV cũng đã trực tiếp liên lạc với người phụ trách truyền thông của Cục về vấn đề này. Thông tin với PV, vị này cho biết: “Số liệu này (số lượng chất Salbutamol được phép nhập về Việt Nam – PV) cơ quan công an đang làm. Tất cả thông tin chung là như thế đấy. Nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến cơ quan công an. Nếu muốn biết cụ thể hãy sang bên C49 (cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường) hỏi”.

Vị này cũng khẳng định, số liệu mà những cơ quan nói trên đưa ra là không chuẩn xác, không có một căn cứ nào để đưa ra số liệu như vậy cả.

Tổng hợp từ nguoiduatin.vn, vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc