Đạo đức trong xã hội Nhật Bản nhìn chung là cao hơn nhiều so với thế giới, chính vì thế mà giới luật sư của Nhật cũng gặp khó khăn vì họ gần như thất nghiệp.
>> Điều gì tạo nên kỳ tích Nhật Bản
Số vụ kiện tụng dân sự thông thường không có chuyển biến đáng kể trong thập kỷ qua. Tỉ lệ phạm tội gần đạt mức thấp kỷ lục, trong khi vụ việc liên quan đến phá sản cũng giảm thiểu, nhiều luật sư thừa nhận tình trạng nghèo khó của mình.
“Khỏi phải nói, thời buổi này kiếm sống ngày càng khó khăn”, theo Shinichi Sakano, người điều hành một hãng luật tại Osaka.
Trong năm 2014, thu nhập trung bình của một luật sư tư giảm xuống còn 9 triệu Yên so với mức của năm 2006 là 17,5 triệu Yên.
Số hồ sơ nhập học trường luật cũng giảm 1/7 so với thời cực điểm. Khi năm học chuyên ngành bắt đầu vào ngày 4/4, số tân sinh viên được tiếp nhận vào nhiều trường luật ít hơn so với các năm kể từ khi hệ thống giáo dục hiện thời được vận hành năm 2004.
“Càng ngày càng ít người, đặc biệt là những người có năng lực, tham gia vào ngành luật. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng”, theo Kozo Fujita, cựu Chánh án Tòa án Tối cao Hiroshima, trong một thông điệp gửi Hiệp hội Luật sư Nhật Bản.
Động thái cải tổ hệ thống tư pháp Nhật Bản bắt đầu vào những năm 1990, thời điểm bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán vỡ tung, nguyên nhân được cho là do tính kém minh bạch của các quy định và hoạt động kinh doanh mờ ám. Đất nước này cần phải tiếp cận phương sách dựa trên nền tảng tư pháp định hướng thị trường.
Quốc hội buộc cho xây dựng các trường luật kiểu Mỹ vào năm 2001, đồng thời kêu gọi tăng số người hoạt động trong ngành luật bao gồm luật sư và công tố viên lên đến 50.000 vào năm 2018, so với 20.000 người vào thời điểm ra quyết định.
Kế hoạch được triển khai rộng rãi. Mặc dù số người hoạt động trong ngành luật không ngừng tăng trưởng qua các năm, nhưng số luật sư bình quân tính theo dân số tại Nhật vẫn còn rất thấp so với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ông Sakano cho rằng hoạt động cải tổ đã phớt lờ sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản và Mỹ, nơi mà trường luật là “mốt” thời thượng: “Hệ thống vận hành trong xã hội nhiều bất đồng như Mỹ không phù hợp với Nhật Bản. Người Nhật chuộng việc dùng các phương án không chính thức để giải quyết tranh chấp, ví như những cuộc đàm riêng giữa các bên liên quan”.
Tuy nhiên, ngay cả khi người Nhật muốn kiện tụng, thì hệ thống này vẫn tồn tại những rào cản. Tiền đền bù cho luật sư và nguyên đơn trong các vụ thắng kiện tại Nhật Bản thấp hơn so với Mỹ. Và phải đến năm 2016, Nhật mới cho triển khai khoản phí phụ thuộc (contingency fees) lẫn quy chế dành cho các vụ kiện tập thể.
Ông Sakano cho biết ông đã thắng một vụ kiện chống lại ban quản trị một công ty dùng chất cấm trong bánh bao được bán trên toàn quốc, nhưng khoản đền bù nhận được chỉ là 700.000 USD sau 8 năm ròng theo đuổi vụ kiện. Số tiền này được chia cho hơn 10 luật sư tham gia.
Ngoài ra, rào cản pháp lý cũng giảm thiểu cơ hội thắng kiện của các luật sư. Luật pháp Nhật Bản, có mô hình phỏng theo châu Âu, không có khái niệm về việc công khai quy trình sản xuất hoặc các thông tin khác của đối phương. Do đó, người khởi kiện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm bằng chứng buộc tội các công ty.
Bên cạnh đó, việc quảng bá hoạt động của các luật sư cũng gặp khó khăn. Ví dụ như đoạn quảng cáo 30 giây đậm chất samurai của một hiệp hội luật sư mô tả một người hành nghề thắng vụ kiện kinh tế giúp một phụ nữ thoát khỏi hợp đồng lừa đảo, đã bị gỡ bỏ sau 1 tháng do không mang về lợi nhuận.
Và chỉ riêng các vụ kiện dân sự liên quan đến gia đình như ly hôn, quyền nuôi con, thừa kế là gia tăng. Trong đó phần lớn là tranh chấp quyền giám hộ đối với các cụ già mắc chứng mất trí nhớ, một vấn nạn tại đất nước có 1/4 dân số trên 65 tuổi.
Các luật sư càng non trẻ, áp lực kinh tế lên họ càng nặng nề. Trong khi các luật sư kì cựu cho biết họ không khó để kiếm được thu nhập, thì các luật sư trẻ nói về điều ngược lại.
Tuy nhiên, các bước chuyển đổi đã đi đúng hướng, liên đoàn luật sư đã có được thành tựu khi cho triển khai hệ thống tư pháp mới vào năm 2004, song song với việc tăng cường quỹ hỗ trợ pháp lý.
Trong khi đó, ông Sakano, luật sư Osaka lại không lạc quan lắm với dân số già nua của Nhật, ông nói“người già không mặn mà lắm với việc kiện tụng”.
Theo WSJ, tinhhoa
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!