Home » Xã hội » PGS Văn Như Cương: Nên bỏ thi HSG Sử, Địa
Theo PGS. Văn Như Cương thì bỏ thi học sinh giỏi môn Sử và Địa sẽ giúp học sinh đỡ gánh nặng và ông đưa ra quan điểm :  “Phải cải tiến ở chương trình học, làm sao cho nội dung kiến thức đưa vào phải nhẹ nhàng hơn, sát thực hơn, dễ hiểu và hấp dẫn hơn, để học sinh dễ học hơn.

PGS Văn Như Cương: Bỏ thi HSG môn Sử, Địa, viết lại sách giáo khoa.

PGS. Văn Như Cương nói tán thành với ý kiến giáo viên Hưng Yên bỏ thi học sinh giỏi môn Sử, Địa và tiến tới viết lại sách giáo khoa môn Sử.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, PGS. Văn Như Cương nói: “Tôi tán thành với ý kiến của giáo viên ở Hưng Yên, nên bỏ thi học sinh giỏi hai môn Sử và Địa đi”.

Đưa ra ý kiến của mình, PGS. Văn Như Cương khẳng định: “Bởi vì, việc tổ chức thi học sinh giỏi hai môn này vừa làm cho nặng nề thêm chương trình học, bản thân các học sinh cũng không thấy hứng thú gì lắm. Nếu giáo viên muốn các em đi học bồi dưỡng để thi thì cá nhân các em có khi lại thấy rất khổ sở, càng thêm mất nhiều thời gian hơn”.

Vị giáo sư cũng băn khoăn, trăn trở: “Có lẽ, nhiều khi muốn các em thi là một cách để cộng điểm cho việc xét tuyển, nhưng tôi thấy rằng không nên. Càng bỏ sớm thì càng nhẹ nhàng cho các em học sinh”.

PGS Văn Như Cương: Bỏ thi HSG môn Sử, Địa, viết lại sách giáo khoa - Ảnh 1

Theo PGS. Văn Như Cương thì bỏ thi học sinh giỏi môn Sử và Địa sẽ giúp học sinh đỡ gánh nặng.

Phóng viên đặt câu hỏi, liệu bỏ thi học sinh giỏi hai môn Sử và Địa có khiến các em càng ngày càng thờ ơ với hai môn học này hay không?

PGS. Văn Như Cương nói: “Việc các em có xao nhãng hai môn học này hay không nó được thể hiện rất rõ qua học bạ và kết quả học tập của các em. Tôi cho rằng, việc bỏ thi học sinh giỏi không phải là nguyên nhân của việc các em xa rời hai môn học ấy.

Mỗi môn học đều có các bài kiểm tra định kỳ, có lời phê của thầy cô giáo qua từng giai đoạn theo dõi. Nếu cứ để thi học sinh giỏi thì cũng chỉ là hình thức mà thôi”.

Làm thế nào để học sinh hứng thú hơn với những môn học này và các giáo viên sẽ không phải mệt mỏi vận động các em như nhiều trường hợp, là điều trăn trở của những người tâm huyết với ngành giáo dục.

Riêng về vấn đề này, PGS. Văn Như Cương đưa quan điểm: “Phải cải tiến ở chương trình học, làm sao cho nội dung kiến thức đưa vào phải nhẹ nhàng hơn, sát thực hơn, dễ hiểu và hấp dẫn hơn, để học sinh dễ học hơn.

Tôi nghĩ cũng nên viết lại sách giáo khoa Sử theo tinh thần học vừa để vui chơi vừa để hiểu biết lịch sử cha ông chứ không cần phải máy móc”.

Nhìn nhận về thái độ ứng xử của học sinh trường mình với hai môn học này, PGS. Văn Như Cương tự tin khẳng định: “Học sinh ở trường tôi nói chung, các em rất hào hứng, thích thú với việc học Sử, Địa vì các em thường được nghe kể những câu chuyện tự nhiên và hấp dẫn của lịch sử trong nước cũng như nước ngoài.

Chúng ta cũng cố gắng tiến tới việc để các em học sinh lựa chọn một cách thoải mái chứ không bị gò ép.

Đối với cấp 2, các cô giảng dạy theo kiểu truyền hứng thú cho học sinh, không bắt các em phải nhớ máy móc kiểu thuộc lòng.

Đó cũng là bí quyết để môn Sử, Địa trở nên hấp dẫn hơn”.

Trước đó, thông tin báo giới phản ánh về việc một giáo viên ở Hưng Yên đóng góp vào 10 đề xuất của giáo viên gửi tới tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã gây được sự quan tâm lớn của dư luận.

Theo như giáo viên này thì, nên bỏ thi học sinh giỏi môn Sử và môn Địa ở cấp THCS.

Giáo viên này đưa ra khá nhiều lý do, đáng chú ý có việc “Lịch sử, Địa lý gần như chưa bao giờ thi vào THPT trong nhiều năm gần đây. Học sinh không thích học môn Lịch sử, Địa lý. Các em cũng như phụ huynh, cả xã hội đều gọi các môn này là các môn phụ”.

“Được giáo viên chọn vào ôn đội tuyển thi Sử, Địa, các em bị gia đình ngăn cấm, bạn bè trêu chọc, chê cười. Chính vì vậy, các em tìm đủ mọi lý do để ra khỏi đội tuyển.

… Tôi mong rằng, ở cấp THCS, với cơ chế thi cử như hiện nay, tôi mong rằng các nhà quản lí lãnh đạo giáo dục cần cân nhấc để tránh gây phiền phức, gây áp lực cho giáo viên dạy môn Sử, Địa. Bị ép đi học, đi thi học sinh giỏi Sử, Địa, học sinh không thích thì kết quả chỉ là đối phó và cuộc thi chỉ là hình thức mà thôi”, giáo viên này viết.

Theo nguoiduatin.vn

Chuyên đề: ,

01 ý kiến dành cho “PGS Văn Như Cương: Nên bỏ thi HSG Sử, Địa”

  1. Bùi Hồng Quân 18/04/2016

    Cảm ơn PGS Văn Như Cương, thầy đã thấu hiểu nỗi trăn trở của hàng ngàn giáo viên dạy Sử Địa ở cấp THCS. Bỏ thi HSG Sử Địa là rất đúng, giảm áp lực cho giáo viên và gánh nặng cho học sinh cũng như phụ huynh học sinh.

    Reply

Ý kiến bạn đọc