Home » Thế giới » Sự “ngoan cố” của giới ngoại giao Trung Quốc được Singapore hé lộ
Bilahari Kausikan, đại sứ lưu động, cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: Các nhà ngoại giao Trung Quốc “ngoan cố” thường nỗ lực để “nêu bật thêm thay vì xoa dịu các mối lo”.

Singapore hé lộ về sự cứng rắn của giới ngoại giao Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao cấp cao Singapore tiết lộ về mức độ cứng rắn của các đồng nghiệp Trung Quốc trong vấn đề đối ngoại.
singapore-he-lo-ve-su-cung-ran-cua-gioi-ngoai-giao-trung-quoc

Nhà ngoại giao Trung Quốc Zhang Yaojun trong một phiên họp của ủy ban về nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters.

Bilahari Kausikan, đại sứ lưu động, cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapore, ngày 30/3 có bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chính sách, Đại học Quốc gia Singapore. Ông cho biết các nhà ngoại giao Trung Quốc “ngoan cố” thường nỗ lực để “nêu bật thêm thay vì xoa dịu các mối lo”.

Bài phát biểu của Kausikan chủ yếu nhắc đến mối quan hệ quyền lực phức tạp giữa Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhưng cũng nêu ra vài ví dụ về sự mạnh tay của Bắc Kinh.

Nếu một cuộc đàm phán ở Đông Nam Á không phù hợp với Trung Quốc, các nhà ngoại giao của họ sẽ đổ lỗi cho bên khác.

“Đó là lỗi của chúng ta, chỉ là lỗi của chúng ta”, ông Kausikan nói, giải thích về quan điểm thường thấy mà Trung Quốc dành cho thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ông Kausikan nêu ra một số ví dụ. Sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu liên quan đến khu vực có tranh chấp ở Biển Đông tại một hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc quay sang đồng nghiệp người Singapore trẻ tuổi hơn và nói “im lặng là vàng”.

“Nếu câu đó có ý là chúng tôi không được nêu quan điểm về một vấn đề quan trọng tác động đến lợi ích của chúng tôi thì ông ta chỉ làm xói mòn niềm tin vào tuyên bố ‘phát triển hòa bình’ của Trung Quốc”.

Giới ngoại giao Trung Quốc thường kích động khi nhắc đến những nghi thức ngoại giao liên quan đến lãnh đạo, theo Kausikan.

Ví dụ, đại sứ Trung Quốc tại một quốc gia châu Á yêu cầu ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc lúc đó, trong thời gian tham dự một cuộc họp của ASEAN được bố trí ở một khách sạn dù nó đã được một phái đoàn khác đặt trước.

“Đại sứ đó nhấn mạnh về vấn đề khách sạn dù nơi ông Ôn ở cũng có chất lượng tương đương”, ông Kausikan nhớ lại. “Thủ tướng Ôn có biết ông ấy đang ở đâu không? Liệu ông ấy có quan tâm nếu biết? Chuyện này đã để lại một ấn tượng sâu sắc về người đó, và cả với phái đoàn ASEAN bị buộc phải rời đi nữa”.

Giới ngoại giao Trung Quốc thường bày tỏ lo ngại rằng sự hào phóng của Trung Quốc đối với Đông Nam Á, trong thương mại và đầu tư, không mang lại lòng biết ơn, hoặc ít nhất, giảm bớt hoài nghi, ông Kausikan nói. Hành động đó là “sự hung hăng bị động” và nỗ lực nhằm “buộc phải chấp nhận uy quyền vốn có của Trung Quốc” là trật tự tự nhiên trong vấn đề tại khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Kausikan, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông “có vai trò tầm thường trong quân sự” bởi nếu cần, chúng có thể dễ dàng bị Mỹ tấn công và phá hủy. Tuy nhiên, chúng là lời nhắc nhở Đông Nam Á rằng Trung Quốc là thực thể địa lý trong khi Mỹ hiện diện ở Biển Đông chỉ là tính toán địa chính trị.

Đây chính là lý do khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc không bao giờ cảm thấy mệt mỏi trong việc “gieo mầm, theo cách gián tiếp hoặc trực tiếp”.

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc