Home » Thế giới » Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Trung Quốc “cấm cửa” tàu sân bay Mỹ
Căng thẳng tại Biển Đông tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc mới đây từ chối cho phép một tàu sân bay của Mỹ và các tàu đi theo hộ tống cập cảng Hồng Kông.

Trung Quốc cấm cửa tàu sân bay Mỹ, Biển Đông thêm dậy sóng.

Việc Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ cập cảng ở Hong Kong có thể báo trước căng thẳng sắp leo thang trên Biển Đông và khiến Washington có động thái đáp trả.
trung-quoc-cam-cua-tau-san-bay-my-cang-thang-bien-dong-leo-thang

Tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu tuần dương USS Antietam (đằng sau) trong một buổi diễn tập. Ảnh: US Navy

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước thông báo họ không cho phép cụm tàu sân bay USS John C. Stennis vào thăm cảng ở Hong Kong. Theo USA Today, đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ Trung Quốc từ chối cho một tàu sân bay Mỹ cập cảng. 

Sự việc diễn ra chỉ hai tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có chuyến thăm rất được chú ý lên tàu Stennis, để chỉ trích những yêu sách chủ quyền cùng chiến dịch xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch với trị giá thương mại quốc tế hàng năm lên tới 5.000 tỷ USD.

Việc từ chối đón tiếp cụm tàu sân bay tấn công Stennis là phản ứng trực tiếp – và thách thức – đối với chuyến thăm của ông Carter, Grant Newsham, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, tại Tokyo, nhận định.

“Lập trường của Trung Quốc là, Mỹ không liên quan gì đến Biển Đông, ngoại trừ việc họ có thể phải đi qua nó trên hành trình tới những khu vực khác”, ông Newsham nhận định. “Theo cách nhìn nhận của người Trung Quốc, do Mỹ không tuân thủ quy tắc hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nên không có lý do gì để mời hải quân Mỹ thăm Hong Kong”.

Bill Urban, người phát ngôn Lầu Năm Góc tại Washington, hôm 1/5 cho biết giới chức Mỹ tại Hong Kong đã được thông báo về quyết định của chính phủ Trung Quốc hôm 28/4. Theo đó chuyến thăm Hong Kong từ 3 – 8/5 của tàu sân bay Stennis cùng 4 tàu hộ tống đã bị từ chối mà không có lý do.

Hiện tàu USS Blue Ridge của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ cũng đang thăm cảng ở Hong Kong, nhưng chuyến thăm không bị ảnh hưởng.

Ông Urban cho biết cho đến nay các tàu chiến Mỹ mới chỉ hai lần bị Trung Quốc từ chối cho cập cảng tại Hong Kong, kể từ khi thành phố này được Bắc Kinh tiếp quản năm 1997.

“Chúng tôi có một danh sách dài các chuyến thăm thành công tới Hong Kong, bao gồm chuyến thăm đang diễn ra của tàu USS Blue Ridge. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp diễn”, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói.

Căng thẳng gia tăng

Trong những tuần tới, nhiều khả năng căng thẳng sẽ leo thang trên Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở tại Hà Lan dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương đưa ra, chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Trong vụ kiện, Philippines cho rằng Trung Quốc chiếm đóng trái phép một khu vực giàu tài nguyên, được biết đến dưới tên bãi cạn Scarborough.

Philippines xem đây là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc thì cho rằng tòa án không có thẩm quyền xét xử vụ kiện, và cũng từ chối tham gia tiến trình tố tụng.

Mặc dù Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, chuyến thăm của ông Carter trên tàu Stennis diễn ra trong lúc tàu này di chuyển cách không xa bãi cạn Scarborough. Và trong chuyến thăm này, ông đi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines.

trung-quoc-cam-cua-tau-san-bay-my-cang-thang-bien-dong-leo-thang

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (trái) cùng người đồng nhiệm Philippines Voltaire Gazmin thăm tàu Stennis trên Biển Đông. Ảnh: AFP

Mặc dù ông Carter không đả động trực tiếp tới Trung Quốc trong bài phát biểu trên tàu Stennis, ông khẳng định rằng Mỹ không hài lòng với cách hành xử của nước này trong khu vực.

“Các vấn đề và tranh chấp quốc tế cần phải được giải quyết một cách hòa bình, không phải thông qua đơn phương thay đổi hiện trạng”, ông Carter khẳng định. “Chúng tôi phản đối hành động này từ bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn nào”.

Kể từ mùa thu năm ngoái, Mỹ đã tiến hành hai “chiến dịch tự do đi lại” trong vùng biển bao quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp, và có thể thực hiện chiến dịch thứ ba trong những tuần tới.

Alessio Patalano, một giảng viên về chiến tranh, trường Kings College London, đồng thời là chuyên gia về an ninh hàng hải Đông Á, cho rằng Mỹ đã phát đi thông điệp không rõ ràng sau hai chiến dịch trên. Dù vậy, ông cho rằng có thể thông điệp sẽ rõ ràng hơn trong chiến dịch tới.

“Mỹ đang xử lý tình huống tốt hơn, nhưng tất nhiên vấn đề then chốt là làm thế nào để ngăn chặn hoạt động bồi đắp tại bãi cạn Scarborough. Nếu không đưa một vài tàu khu trục tới đó neo đậu để ngăn chặn, khó ai có thể làm được gì”.

Một lựa chọn khác là rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế tại vùng biển ngoài khơi Hawaii trong tháng tới.

Ông Carter hồi tháng ba phát biểu trước quốc hội Mỹ rằng ông đang “xem xét lại” lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức hai năm một lần. Năm 2014, Trung Quốc lần đầu tiên được mời tới sự kiện này, trước khi quy mô chương trình xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông “hiện nguyên hình”.

“Rút lại lời mời hải quân Trung Quốc sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ tới cả Trung Quốc và các đối tác của Mỹ”, Patalano nói. “Người Trung Quốc sẽ xem đó là sự mất thể diện nghiêm trọng và mất cơ hội do thám Mỹ và các nước khác”.

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc