Home » Kinh doanh » Giới tài chính xôn xao với 400 tên người Việt trong hồ sơ Panama
Hôm qua truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin 189 người Việt có tên trong danh sách hồ sơ Panama. Nếu tính cả những tên người Việt có địa chỉ ở nước ngoài hoặc không có địa chỉ thì con số này là gần 400.
Ảnh enternews

Ảnh enternews

Thông tin này thực sự làm rung động giới tài chính Việt Nam, bởi vì sơ bộ đã có những cái tên rất quen thuộc, ở những địa chỉ rất quen thuộc của một số người có tham gia sở hữu, điều hành trong các doanh nghiệp, ngân hàng, chứng khoán, giới văn nghệ sĩ… được tìm thấy ở danh sách này. Thực hư như thế nào, độ chính xác đến đâu thì còn phải có quá trình xác định của cơ quan chức năng, nhưng chỉ điều này thôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các cá nhân, tổ chức này.

Sáng 10/5, tại trang web offshoreleaks.icij.org của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố một phần Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu, những người quan tâm có thể tra cứu về 200.000 thực thể được hé lộ trong lần này.

Hiện tại, tra cứu tên website của ICIJ, cho thấy 189 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Trong đó có 185 cá nhân, tổ chức có địa chỉ tại Việt Nam, chủ yếu là ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ngoài danh sách 189 cá nhân, tổ chức nói trên, thì còn rất nhiều người Việt cũng có tên trong danh sách 200.000 thực thể này, nhưng địa chỉ không ở Việt Nam, mà được khai tại Singapore, Hongkong, Nga, Ucraina, Séc và nhiều nước Đông Âu khác…và cả những người không có địa chỉ xác thực.

Do chưa thể thống kê hết những người Việt trong Hồ sơ Panama được công bố ngày 10/5, nhưng qua tìm kiếm sơ bộ có thể khẳng định có khoảng hơn 200 người Việt nữa, mang tên Việt, nhưng không khai địa chỉ Việt Nam. Như vậy, bước đầu có thể thấy có khoảng 400 cá nhân, tổ chức người Việt trong danh sách này.

ICIJ công bố thông tin trong cơ sở dữ liệu rất rõ ràng, có kết nối chặt chẽ các đối tượng với nhau dựa trên mối liên quan, có nêu tên cụ thể các cá nhân, tổ chức và quan hệ của những người này với các công ty vỏ bọc. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết hơn về các giao dịch, số tiền, tài khoản ngân hàng, địa chỉ email, hay các giao dịch tài chính chưa được công bố lần này.

Theo ICIJ, những thông tin công bố lần này mới chỉ là một phần nhỏ trong số 11,5 triệu tài liệu công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama tiết lộ chưa.

Từ khi được công bố 3/4, Hồ sơ Panama đã tạo nên một cơn chấn động trên toàn cầu. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi có tên trong danh sách, Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế…

Tất nhiên ngay hiện tại chưa thể kết luận toàn bộ những cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách có giao dịch trốn thuế, bởi vì có nhiều lý do mà doanh nghiệp phải mở công ty ở nước thứ 3, nhiều lý do hợp pháp mà doanh nghiệp phải chuyển tiền ra nước ngoài v.v… Tuy nhiên, trường hợp làm ăn bất chính, trốn thuế khả năng nhiều là sẽ có.

Thông tin từ giới tài chính cho rằng, đây là một bước đi góp phần minh bạch hoạt động tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó sẽ góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động tài chính, tiền tệ, thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh.

Đây cũng là bài học cho những người làm giàu bất chính bằng những đồng tiền bẩn như tham ô, tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, tham gia rửa tiền, bóc lột lao động trẻ em… Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, các việc làm bất chính cũng sẽ có ngày bị lôi ra ánh sáng và “Hồ sơ Panama” là một ví dụ minh chứng cho điều ấy.

Thành Long

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc