Home » Thế giới » Lý do Pháp triển khai đặc nhiệm đến Syria hỗ trợ diệt IS?
Đặc nhiệm Pháp sẽ không đơn phương tham gia các hoạt động quân sự cũng như không chủ động chiến đấu chống khủng bố Hồi giáo IS.

Vì sao Pháp triển khai đặc nhiệm đến Syria hỗ trợ diệt IS?

Pháp cảm thấy đây là thời điểm cần thiết để triển khai lính đặc nhiệm đến Syria, nhằm củng cố vai trò chính trị cũng như tạo cơ hội cho các binh sĩ huấn luyện trong môi trường chiến đấu.

Bộ Quốc Phòng Pháp ngày 9/6 thừa nhận sự hiện diên của binh sĩ đặc nhiệm Pháp ở phía bắc Syria, nhằm hỗ trợ chiến dịch giải phóng thành phố Manbij từ tay IS.

Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, ‘chiến dịch tấn công giải phóng Manbij được hậu thuẫn bởi nhiều quốc gia, trong đó có Pháp. Điều này là hoàn toàn bình thường”.

Quan chức bộ quốc phòng cũng nhấn mạnh rằng, đặc nhiệm Pháp sẽ không đơn phương tham gia các hoạt động quân sự cũng như không chủ động chiến đấu chống khủng bố Hồi giáo IS.

Vì sao Pháp triển khai đặc nhiệm đến Syria hỗ trợ diệt IS? - Ảnh 1

Lực lượng đặc nhiệm Pháp.

Các chuyên gia quân sự Nga đã đưa ra những nhận định khác nhau về quyết định của Pháp. Leonid Ivashov, một cựu tướng về hưu cho rằng, đặc nhiệm Pháp sẽ không trực tiếp tham chiến.

“Đặc nhiệm Pháp nhiều khả năng chỉ đóng vai trò trinh sát và yêu cầu chi viện từ trên không. Binh sĩ Pháp cũng liên lạc với nhiều nhóm vũ trang khác, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực”, ông nói.

Theo ông Iavshov, với quân số hạn chế, chỉ khoảng 100 người, binh sĩ Pháp không thể tạo ra ảnh hưởng lớn trên chiến trường nhưng lại là thời điểm thích hợp để Paris triển khai hoạt động như một hình thức huấn luyện trong môi trường chiến đấu.

Ngoài ra, sự hiện diện của Pháp ở Syria cần thiết trong vai trò chính trị, bởi Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể tuyên bố với công chúng rằng nước này đang tích cực tham gia chống khủng bố.

Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông Abdel Bari Atwan lại cho rằng, Pháp nên tập trung chuẩn bị tốt cho Euro 2016 hơn là điều quân đến Syria bởi quyết định này cho đến nay là quá muộn.

Theo chuyên gia quân sự Nga Anatoly Nesmiyan, “Syria từng là thuộc địa của Pháp và Paris vẫn đang theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở quốc gia này”. Pháp cũng như các quốc gia phương Tây muốn bảo toàn kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Một từ Qatar, Saudi Arabia, Jorrdan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu và tuyến đường dẫn khí đốt từ Iran, Iraq, Syria qua Địa Trung Hải vào châu Âu.

Trong trường hợp này, việc tái chiếm Manbij là mục tiêu hàng đầu. Không loại trừ khả năng Bỉ sẽ là quốc gia tiếp theo điều binh sĩ đến khu vực này, ông Nesmiyan cho biết.

Ông Semyon Bagdasarov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông và Trung Á tin rằng, động thái của Pháp sẽ dẫn đến sự chia rẽ đất nước Syria. “Pháp giờ đây cũng muốn nhảy vào Syria, vào điều dễ dàng nhất là hiện diện ở khu vực phía đông bắc nước này, cùng với Mỹ”, ông Bagdasarov nói.

Chính trị gia Bagdasarov nói thêm rằng, việc người Kurd muốn thành lập nhà nước liên bang ở Syria phù hợp với tư tưởng phương Tây. Tuy nhiên, hệ quả của việc này trước hết là đất nước Syria bị chia rẽ.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan tâm đến khu vực phía tây bắc Syria, gần thành phố Azaz và Aleppo. Phần còn lại của Syria sẽ do chính quyền Damascus kiểm soát.

Đăng Nguyễn – Theo nguoiduatin.vn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc