Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Nỗi niềm trung thu miền biển chết

Vui buồn Trung Thu miền biển chết

Một mùa tựu trường, một mùa Trung Thu nữa lại đến. Với trẻ em miền biển và miền núi, Tết Trung Thu mang điều gì đó thật huyền nhiệm, khó tả bởi cái nghèo, sự háo hức đã nung nén trong chờ đợi suốt một năm. Thế nhưng với trẻ em miền biển từ Quảng Trị đến Quảng Bình, Hà Tĩnh thì đây là một mùa Thu rất buồn, một mùa Thu mà các em vừa trải qua một trận hoang mang bởi thiếu tiền nộp học, nguy cơ bỏ học vĩnh viễn. Và đối với một số gia đình, mùa Trung Thu là mùa múa lân để kiếm tiền mua gạo, để giảm bớt cái đói. Nhưng rồi mưa bão đã làm mọi chuyện trở nên bi thảm hơn bao giờ hết nơi miền biển khổ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

trung-thu

Sau một trận hoang mang

Một học sinh cấp hai ở Quảng Bình tên Nguyệt, chia sẻ: “Dạ, bão là cây cối bổ (ngã) hết. Bánh Trung Thu bây giờ thì mỗi đứa vài cái cho vui vậy thôi. Cháu nghỉ học rồi bây giờ thấy bạn đi học thì mình buồn lắm. Chỉ biết buồn vậy thôi chứ không nói ra. Nghỉ học xong rồi thì chỉ có đi làm thuê thôi, chủ yếu đi làm bất hợp pháp. Nghĩa là khai gian tuổi để làm những việc nặng của người lớn hoặc trốn qua Lào, Trung Quốc để làm. Nói chung là khổ lắm, đi làm thì khổ rồi. Nhưng giờ chỉ biết ước mơ đi học thôi chứ chẳng dám nghĩ đó là sự thật vì chẳng bao giờ có tiền đến trường đâu!”.

Nguyệt cho biết là mùa tựu trường năm nay đối với em quá buồn, mà không riêng gì em, cả ba mẹ và ông bà em cũng rất buồn bởi nhà không còn đồng nào để mua gạo, thức ăn của gia đình em chủ yếu là rau dại, ngô và sắn. Cơm dành cho trẻ nhỏ và người già, khoai sắn và ngô dành cho cha mẹ em. Em nói như muốn khóc rằng gần một tháng nay ba của em không dám đi đâu, kể từ khi ông sang Lào làm thuê rồi thất nghiệp, trở về. Ông trốn luôn trong nhà và nhà luôn đóng cửa bởi ngại vì các đám cưới, đám giỗ trong làng. Ông đã nhận thiệp và không đi ăn cưới đến bảy đám người quen, bà con vì không có tiền để làm quà cho cô dâu chú rể.

Nguyệt nói rằng đôi khi em thấy mặc cảm, bởi không thể đến trường được nữa. Nhưng cả nhà em không đủ cơm ăn thì lấy đâu ra tiền cho em đến trường, khi các khoản học phí, học thêm và đồng phục, sách vở mới sẽ ngốn cả mấy triệu bạc. Câu chuyện nhiều nước mắt của Nguyệt có lẽ cũng là câu chuyện chung của trẻ em khu vực miền Trung, nơi biển bị nhiễm độc, ngư dân treo lưới và cái đói ghé đến từng nhà.

Một người mẹ ở Quảng Trạch, Quảng Bình, có con bỏ học sang làm thuê ở Lào, chia sẻ: “Làm mẹ thì ai thấy con mình bỏ học mà không buồn. Ai mà chẳng muốn cho con đi học? Mà mình không tiền thì chịu thôi chứ biết làm răng được. Ban đầu thì buồn lắm nhưng dần rồi cũng quen…”.

tttvn0918-400.jpg
Múa lân ở thị trấn mùa Trung Thu. RFA PHOTO.

Người mẹ không muốn nêu tên này nói rằng trong cuộc đời của mình, bà không ngờ lại có một ngày chính bản thân bà chấp nhận bóc lột sức lao động của đứa con mà mình hết mực yêu thương. Nhưng không còn cách nào. Vì với gia đình bà, khi mà chiếc thuyền đánh bắt gần bờ của chồng bà nằm lên bờ cũng đồng nghĩa với các khoản tiền lãi vay ngân hàng để đóng thuyền đang thúc giục bên tai. Không có tiền để sống, mất nguồn thu nhập, tiền lãi hối thúc, nợ ngân hàng sờ sờ như quả núi trước mắt, đó là hoàn cảnh của gia đình bà.

Và đứa con trai đang học lớp 11 của bà không chịu để cha mẹ chạy vay chạy mướn nộp tiền học, nó quyết định nghỉ học sang Lào làm thuê để phụ giúp gia đình. Mặc dù bà đã ngăn cản nhiều lần, chồng bà hù dọa nếu nó bỏ học thì sẽ từ bỏ nó. Nhưng nó vẫn bỏ học để sang Lào phụ hồ. Bà nói trong nước mắt rằng khi nó gởi tiền về cho bà, cầm năm triệu đồng trên tay mà nước mắt bà cứ tuôn, bà không kìm được. Bà thề sẽ không đụng tới tiền của con vì quá đau lòng. Thế nhưng lời thề này chỉ giữ được chưa đầy một tuần vì sau đó các khoản nợ tiền điện, tiền xăng dầu trước đây và tiền lãi suất ngân hàng hối thúc. Sợ lãi mẹ đẻ lãi con, bà phải lấy tiền của con đi nộp. Giờ lại thêm chuyện nhà cửa hư hại, cây cối trong vườn ngã đổ sau bão, một số nơi mưa lũ hư hỏng, nghèo khó nối nghèo khó.

Người mẹ này nói rằng bà đau lòng quá đỗi và bà thấy có lỗi với con trai mình. Bà chẳng biết làm gì để bù đắp cho sự thiệt thòi của đứa con yêu dấu, bà chỉ biết tự nhìn thấy mình bất lực, vô vọng và hằng đêm cầu mong cho con của bà được chân cứng đá mềm, đừng buồn vì cái khổ của gia đình và hi vọng mọi chuyện rồi sẽ qua!

Múa lân kiếm tiền mua gạo

Một người cha trong một gia đình ba đứa con ở Cửa Việt, Quảng Trị, chia sẻ:“Tụi nhỏ chừ mà mình làm có điều kiện thì cũng cho nó đi học chứ. Giờ mình còn sức khỏe bao nhiêu thì cho nó đi học bấy nhiêu. Sợ là khả năng mình theo không nổi bởi vì mới đầu năm học, chi phí ba đứa gần sáu, bảy triệu bạc chứ đâu có ít, các khoản nặng nề quá chẳng biết tính sao đây!”.

Ông cho biết thêm là Trung Thu năm nay, các con của ông đã tự dán một chiếc đầu lân và mặt nạ ông địa, sau đó rủ thêm vài đứa trẻ trong xóm cùng đầu tư thành đội lân để đi múa kiếm tiền. Trước đây trẻ nhỏ cũng múa lân để kiếm tiền, có bánh kẹo nhưng đây chỉ là thú chơi vui chơi của trẻ con nhân dịp Tết Trung Thu. Nhưng bây giờ, nhìn các con bàn nhau múa lân như thế nào, đi đến đâu để múa mà kiếm tiền mang về cho cha mẹ mua gạo thì ông không chịu nổi. Nhưng ông cũng bất lực vì biển chết, tôm cá không còn, hai tháng sang Trung Quốc làm thuê thì thất nghiệp hết gần một tháng đành phải bỏ về. Cộng tiền đi lại, ăn ở, ông còn dư được ba trăm ngàn đồng cho gia đình.

Ông nói rằng ngoài nỗi lo tương lai đen tối của các con mình, lo nợ nần và thiếu trước hụt sau, giờ ông còn thêm nỗi lo khác là tính hồn nhiên, sự vô tư của các con ông đã bị đánh mất tự bao giờ. Chúng chỉ biết nghĩ làm sao để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Ông cảm thấy có lỗi với các con nhưng chẳng biết tính làm sao cho phải lẽ. Nhưng rồi mưa bão ập đến, mọi chuyện dường như gác lại, thêm một nỗi khó khăn đang đến với từng gia đình vùng biển khổ này.

Và dường như trong không khí bàng bạc của mùa Thu, trong âm vang rộn ràng của Tết Trung Thu, của tiếng trống chầu, tiếng xập xỏa múa lân, đâu đó chen lẫn thanh âm của những chiếc trống cơm trẻ em nhà nghèo giữa miền biển chết. Tiếng trống chao chát và thao thức cơm áo gạo tiền, ngây ngô vụng dại và bé bỏng, mỏng manh như chính số phận của trẻ em miền biển khi biển không còn thân thiện, trở nên xa lạ với các em!

Theo RFA

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc