Home » Xã hội » EVN được tăng giá điện 20%/năm, các chuyên gia nói gì?

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế quyết định số 69, tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng thay cho 6 tháng như trước đây.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như vậy, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, trở lại như giai đoạn 2011-2013. 

Cũng theo dự thảo này Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được trao quyền điều chỉnh giá điện tới tối đa 20%, biên độ dao động mỗi lần là 3-5%.

Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012, giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng trên cơ sở khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định. 

Theo quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVN được phép điều chỉnh giảm giá bán điện khi giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật thấp hơn giá bán điện bình quân hiện hành, quyết định tăng giá bán điện bình quân từ 7 đến dưới 10% sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận. 

Từ đó Bộ Công thương cho rằng việc EVN được quyết định việc tăng giá điện 3-5% là hợp lý: “Do vậy đề xuất quy định được phép quyết định điều chỉnh giảm giá điện (không giới hạn tỷ lệ giảm), quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với quy định tại Luật Điện lực, phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường”.

evn

Ý kiến chuyên gia

Phản ứng trước dự thảo này, nhiều độc giả cho rằng chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt, vì xưa nay giá điện chỉ có tăng chứ chưa giảm bao giờ.

PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng dự thảo này không phù hợp với định chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Ông Long có lời phân tích trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Trong nền kinh tế thị trường, chỉ có 2 chủ thể được quyết định giá là nhà nước hoặc thị trường (cụ thể, thị trường ở đây được hiểu là doanh nghiệp và người tiêu dùng).

Nhà nước được quyết định giá khi thị trường đó là thị trường độc quyền hoặc có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Còn doanh nghiệp và người tiêu dùng được quyết định giá khi là thị trường cạnh tranh”.

Từ đó ông Long chỉ ra việc bất hợp lý của dự thảo ở chỗ, ngành điện lại bị phân ra thành 3 biên độ khác nhau. Với mức tăng này thì doanh nghiệp được quyết định nhưng với mức tăng khác thì đơn vị quyết định lại là cấp Bộ hoặc Chính phủ.

Ông nói: “Đã là thị trường độc quyền thì luôn luôn phải để cho Nhà nước quyết định. Việc chia thành 3 biên độ là cơ chế lưỡng tính. Mặc dù quy định mới có biên độ rộng hơn nhưng đã về bản chất là đã sai về luật giá.

Không có một cơ chế nào trong thị trường mà mỗi khung lại do một đơn vị định giá vì rõ ràng nếu đã là sản phẩm độc quyền nhưng lại cho doanh nghiệp tự định giá thì dù với biên độ rất hẹp (kể cả dưới mức 3-5% của dự thảo) thì doanh nghiệp cũng sẽ lợi dụng biên độ đó để tăng giá vì lợi ích của mình”

Viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Đình Long – phó chủ tịch Hội Điện lực VN lại lý giải rằng: Biên độ dao động mỗi lần là 3-5%, không có nghĩa là điều chỉnh giá tăng tối đa đến 5%,  việc đưa ra giới hạn rộng như vậy là để đề phòng khả năng có những biến động lớn trong thị trường.

Ông Long lý giải trên báoTuổi Trẻ rằng: “Bản thân người tiêu dùng không muốn sản phẩm nào tăng giá. Tuy nhiên, đôi khi có những nguyên nhân khách quan làm thị trường biến động mạnh mà chúng ta điều chỉnh giá điện không tương thích sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành điện”.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – xã hội Hà Nội thì cho rằng: Mỗi lần tăng giá phải công khai cơ sở tăng giá, có căn cứ rõ ràng, giải trình cụ thể từ EVN, công bố trên website, phương tiện truyền thông và phải sẳn sàng trả lời các thắc mắc.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI nêu rõ:  “Dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện từ chỗ EVN không được quyết định tăng/giảm giá điện theo Quyết định 69, đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm. Thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc”.

Từ năm 1995 đến nay, lạm phát không có năm nào vượt quá 20%. Dó đó việc EVN được tự quyết định tăng giá đến 20% năm, và Bộ Công thương là 40% năm là khá cao.

Văn Nhanh

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc