Home » Kinh doanh » Từ xuất khẩu lại trở thành nhập khẩu than, trong khi than trong nước nằm tồn kho

Sau 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập hơn 10 triệu tấn than đá, lý do được lý giải là nhập than về giá rẻ hơn cả khai thác trong nước, trong khi đó trong nước vẫn đang tồn kho 12 triệu tấn than.

Ảnh: HỮU LINH - baohaiquan.vn

Ảnh: HỮU LINH – baohaiquan.vn

Thông tin từ buổi tọa đàm “Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” tổ chức ngày 24/10 cho thấy tổng lượng nhập khẩu than đá của cả nước đạt 10,1 triệu tấn với trị giá 629,5 triệu USD, cao hơn 3 lần con số dự báo đầu năm của Bộ Công thương là 3,1 triệu tấn.

Trước đây Việt Nam là nước xuất khẩu than, nhưng nay đã trở thanh nước nhập khẩu số lượng lớn.

Vì sao nhập khẩu than

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) lý giải rằng: Do lượng than khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm giá than nhập khẩu ở nhiều thị trường giảm và rẻ hơn giá than khai thác trong nước.  

Mặt khác giá than khai thác trong nước cũng cao hơn so với giá than nhập khẩu, do nhiều mỏ than khai thác sâu đến 300 m so với mực nước biển, trong khi kỹ thuật khai thác than cũng chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: “Nước ta nhập nhiều than là do giá than thế giới xuống mức thấp trong khi đó các doanh nghiệp đã có hợp đồng mua than từ trước, nhất là than cho xi măng và nhiệt điện BOT”.

Việc nhập than giá thấp, nhưng thực tế có những nơi nhập được giá thấp như Nga 63 USD/tấn, nhưng có nơi giá cao như nhập từ Trung Quốc là 71 USD/tấn.

Những nơi nhập khẩu với số lượng lớn là Úc 3 triệu tấn, Nga 2,8 triệu tấn, Indonesia 1,8 triệu tấn và Trung Quốc với 1,4 triệu tấn… Như vậy, Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các thị trường xuất than vào Việt Nam nhưng giá lại cao.

Lý giải cho việc này, ông Thọ cho rằng: mức giá trên là tính trung bình của tất cả các loại than chia đều nhau (than mỡ, than cốc, than Antraxit, than cám). Theo hóa đơn chứng từ của Hải quan, giá nhập từ Trung Quốc loại than cốc, than mỡ cho luyện thép là 169 USD/tấn;  than Antraxit giá 60 USD/tấn. Từ đó có thể thấy, giá than nhập từ Trung Quốc có mức giá phù hợp với giá than thế giới.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, Trung Quốc trước đây nhập khẩu rất nhiều than của Việt Nam, lượng hàng hóa lậu giữa hai nước cũng rất nhiều, rất có thể lượng than nhập từ Trung Quốc lại chính là than của Việt Nam xuất cho Trung Quốc trước đó.

Trong khi đó, than trong nước tồn kho 12 triệu tấn

Việt Nam nhập khẩu than, trong khi đó lượng than khai thác trong nước thì lại để tồn kho. Ông Biên cho biết toàn ngành tồn kho 12 triệu tấn than (chủ yếu là TKV chiếm 11 triệu tấn), ông Biên phải thốt lên rằng: “So với 10 năm trở lại đây đây là giai đoạn khó khăn nhất”

Than nhập về ồ ạt, than tự khai thác trong nước phải để tồn kho, khó khăn khiến TKV Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh phải ra văn bản cho Thủ tướng đề nghị giảm thuế phí tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ông Biên cho biết thông tin: Thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn 7 – 10% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế xuất khẩu than của nhiều nước là 0%,thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%. Vì vậy, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước,

Tập đoàn TKV cho biết khó khăn từ năm 2015 đến nay đã khiến tập đoàn này phải giảm bớt 13.000 người lao động.

Trả lời cho vấn nạn này, ông Thọ đưa ra lời dự đoán rằng: “Tình trạng nhập khẩu nhiều than đá sẽ không tồn tại lâu bởi giá nhập than chỉ giảm ở 6 tháng đầu năm, hiện nay đã tăng lên và dần tiệm cận với giá than trong nước. Do đó, từ nay đến cuối năm 2016 khối lượng nhập khẩu than sẽ không nhiều, nếu có thì các doanh nghiệp cũng chỉ thực hiện các hợp đồng đã ký trước đây”.

Xuất khẩu than đã trở thành quá khứ

Thời điểm 2006 – 2011 là đỉnh điểm xuất khẩu than của Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu đến 21 triệu tấn than, để đảm bảo an ninh quốc gia, chính phủ đã đề nghị hạn chế xuất khẩu than.

Thế nhưng đến năm 2014 xuất khẩu chỉ còn 7,28 triệu tấn, năm 2015 là 4,14 triệu tấn. Và đến năm nay 2016 thì đã trở thành nước nhập khẩu than, còn than trong nước thì để tồn kho.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc