Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Cuộc sống xa hoa của giới trẻ thương lưu ở Triều Tiên

Triều Tiên vốn được biết đến là đất nước nghèo khổ, thiếu đói và phải nhận trợ cấp lương thực quốc tế liên tục. Nhà tù và trại lao động mọc lên khắp nơi để giam giữ những ai bất đồng chính kiến.

Thế nhưng một số lượng ít giới thượng lưu thì có cuộc sống khác hẳn. Những đứa trẻ con cái các quan chức có cuộc sống giàu có, xa hoa, ăn chơi hưởng thụ sành điệu. Những “cậu ấm cô chiêu” tại thủ đô Bình Nhưỡng uống những ly cà phê có giá bằng gần một tháng lương chính thức của người lao động. 

Một lượng nhỏ chiếm 1% giới trẻ là con nhà quan chức giàu có  sống chủ yếu ở thủ đô nên được gọi riêng là Pyonghattan (tên ghép giữa Bình Nhưỡng và Manhattan, khu dân cư sầm uất và giàu có nhất New York).

Phối cảnh những công trình trong tương lai ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Internet)

Phối cảnh những công trình trong tương lai ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Internet)

“Chúng tôi thường xuyên phải mặc đồ truyền thống, bởi vậy mọi người thường đến phòng tập thể dục, đó là cơ hội để họ khoe cơ bắp và một chút da thịt”, cô Lee Seo Hyen, 24 tuổi, nói với tờ Washington Post.

Phụ nữ khi đến phòng tập thường mặc quần bó sát và áo lửng, và thương hiệu họ ưa thích nhất là Elle. Trong khi đó, nam giới chuộng đồ thể thao của các hãng như Adidas và Nike. Khu Pyonghattan được coi như một trung tâm giải trí phức hợp xa xỉ, người dân chạy bộ trên máy thể dục, theo dõi các chương trình Disney qua tivi, hoặc tập yoga.

Các mẩu quảng cáo điểm tổ chức đám cưới có giá 500 USD/giờ. Ở tiệm cà phê gần đó, hầu hết thức uống có giá từ 4-9 USD/ly. Trong khi đó lương công viên chức ngay tại Bình Nhưỡng không tới 10 USD/tháng.

Tổng thể nền kinh tế Triều Tiên rất lạc hậu, công nghiệp không phát triển. Nhưng nhờ sự phát triển của tầng lớp thương nhân đã giúp thay đổi bộ mặt thủ đô, tạo ra thế hệ người giàu mới. “Đây là nơi rất thú vị. Ở đây, bạn có thể thấy nó giống bất cứ chỗ nào trên thế giới”, Andray Abrahamian, một người Anh, nói về khu tổ hợp. Abrahamian đang điều hành một chương trình trao đổi cung cấp hỗ trợ tài chính cho người Triều Tiên.

Sau một buổi tập bóng quần vợt trong khu thể thao phức hợp ở đây, anh cho biết cái giá chẳng rẻ tí nào với cả một người Anh như mình. Tầng lớp thượng lưu mới này được gọi là Donju (“ông chủ có tiền”) đã xuất hiện khi Triều Tiên có những bước đi thử nghiệm kinh tế thị trường cách đây 15 năm, và được tạo động lực hơn dưới giai đoạn lãnh đạo của Kim Jong Un.

Báo Washington Post dẫn lời ông Andrei Lankov, một sử gia người Nga chuyên nghiên cứu về Triều Tiên nhận định: “Ông Kim Jong Un là một người ủng hộ chính sách thị trường mạnh mẽ… Nhiều doanh nhân mà tôi có dịp nói chuyện đều tiết lộ rằng họ chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ”. Những Donju thường nắm giữ các vị trí trong chính phủ, ở những bộ, ngành hoặc trong quân đội, điều hành các công ty nhà nước ở nước ngoài, hoặc kêu gọi thu hút đầu tư vào Triều Tiên.

Họ cũng có nghề tay trái là kinh doanh các mặt hàng đa dạng phục vụ người dân. Cùng với sự cho phép từ lãnh đạo Kim, các dịch vụ giải trí, thương mại cực kỳ xa xỉ mọc lên để phục vụ tầng lớp này và con cháu của họ. Ông ra lệnh xây nhiều công viên giải trí, công viên nước, khu lướt ván, trượt băng, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết… Xung quanh thủ đô, các sân bóng chuyền và đánh tennis luôn đầy ắp thanh niên.

Triều Tiên, thượng lưu, cuộc sống xa hoa,

Một góc sân bay Bình Nhưỡng. (Ảnh:Internet)

Washington Post cho biết trong chuyến đi Triều Tiên vừa qua, 3 phóng viên của báo này đã đi ăn ở một nhà hàng Đức gần tòa tháp Juche Tower, nơi một phần bò bít tết với khoai tây nướng có giá 48 USD. Món cơm trộn truyền thống dù rẻ hơn nhưng cũng có giá 7 USD. Khu phức hợp Sunrise cũng có nhiều nhà hàng sushi và đồ nướng.

Những nhóm người Triều Tiên khi đến đây ăn tiệc vào cuối tuần thường được phục vụ tư vấn phần thịt bò đặc biệt với giá 50 USD/người. “Nếu không để ý đến những phù hiệu trên trang phục, bạn có thể tưởng nhầm họ là người Hàn Quốc. Những người Triều Tiên này đang chi từ 10 đến 15 Euro cho một bữa ăn”, một người nước ngoài làm việc tại Triều Tiên nói.

Một nhà hàng pizza tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Washington Post

Một nhà hàng pizza tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Washington Post

Còn một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu của giới thượng lưu rất cao: Ở đất nước mà lãnh đạo Kim còn vừa cảnh báo người dân coi chừng phải ăn rễ cây mà sống vì nạn đói rình rập, có 5 hoặc 6 hãng taxi.Phụ nữ Bình Nhưỡng có vẻ được “bật đèn xanh” từ phong cách của cô Ri Sol Ju, đệ nhất phu nhân Triều Tiên, nên đã chọn những trang phục sáng màu và hợp thời hơn.

Triều Tiên, thượng lưu, cuộc sống xa hoa,

Chủ tịch Kim Jong Un tự hào về sự phát triển của thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh:Internet)

Khoảng 3 triệu người dân Triều Tiên, so với tổng dân số 25 triệu, sở hữu điện thoại di động. Họ hào hứng dùng ngón tay quét trên màn hình để chia sẻ hình ảnh về gia đình. Người dân Triều Tiên nay cũng không khó làm đẹp như trước nữa. Dịch vụ cắt mắt thành 2 mí hay sửa mũi đều sẵn có. Một “pha” cắt mí mang đơn giá từ 50-200 USD, tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng của bác sĩ.

Tuy nhiên, họ cũng hiểu những giới hạn nhất định, như váy không được quá ngắn, không được nhuộm tóc… “Nếu trang phục của bạn quá nổi loạn, hoặc không phù hợp với chuẩn mực của Triều Tiên, cảnh sát sẽ ghi tên bạn lại và thông báo công khai”, Seo Hyeon nói, một du học sinh cho biết.

Một trong những sự thay đổi lộ rõ nhất là ngành xây dựng đang bùng nổ ở thủ đô. Nhiều căn hộ chung cư cao tầng mọc lên ở trung tâm thủ đô. Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại ở vẻ hào nhoáng bên ngoài, khi tiến vào trong, ai cũng có thể thấy lớp sơn đang tróc ra ở các mảng tường, nguồn điện cung cấp cũng không ổn định nên phần lớn các căn hộ được mua hết là ở dưới những tầng thấp vì chẳng ai muốn phải đi bộ lên tới tận tầng 20.

Theo Giadinhphapluat.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc