Home » Thế giới » 7 đặc điểm thời cách mạng văn hóa ở Trung Quốc

Đại Cách mạng Văn hoá đã cải tạo người Trung Quốc thành gì? Cải tạo thành “thất vô” (7 không), đây cũng chính là kiếp nạn lớn của dân tộc Trung Hoa.

Hồng vệ binh đang đập phá biển “Đại Thành Môn” ở Khổng Phủ.

Hồng vệ binh đang đập phá biển “Đại Thành Môn” ở Khổng Phủ.

1. “Vô sản”

Cách mạng Trung Quốc được gán lên danh hiệu “vô sản”. Bởi vì “giai cấp vô sản” quyết định tính chất của cách mạng, chính là cần phải dựa vào “vô sản” để tiêu diệt “hữu sản”, biến hữu sản thành vô sản, người vô sản là tiên tiến nhất, người vô sản là cách mạng nhất. Đích xác là người vô sản thì có tinh thần cách mạng nhất, bởi vì ngoại trừ việc còn có cái mạng ra thì họ còn gì nữa đâu? Trong cách mạng thì điều mà giai cấp vô sản mất đi chỉ là xiềng xích, họ còn sợ gì nữa đây? Do vậy cứ quạt là cháy, cứ châm là nổ, cụ thể là họ phản kháng, bạo động, lật đổ người thống trị áp bức họ, để cho người vô sản làm đại biểu, làm chủ giang sơn.

Thế nhưng, sau tất cả những điều ấy, người vô sản thì vẫn vô sản, còn người hữu sản cũng bị biến thành vô sản. Vậy cái tài sản ấy đi đâu? Cái đó cũng không quan trọng lắm, dù sao thì mọi người cũng đều vô sản, và trong tâm người ta đã cảm thấy công bằng.

Thế nhưng, con người cần phải ăn cơm, phải sinh tồn, còn muốn sống những ngày tháng tốt đẹp, nên vẫn có người giữ lại miếng đất cho riêng mình, hoặc nuôi mấy con gà. Như vậy là không còn đúng với nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, vì làm thế là đã có tư sản, kết quả là bị “cách mất mạng” một cách lạnh lùng, “mục đích” là để cắt đi cái đuôi còn sót lại của chủ nghĩa tư bản. Sau khi làm như vậy thì đã được tính là cách mạng triệt để. Khẩu hiệu “Thà lấy cỏ của chủ nghĩa xã hội, chứ không lấy mạ của chủ nghĩa tư bản” đã làm cho Trung Quốc thiếu chút nữa là phá sản. Thời đó, người ta cho rằng càng nghèo thì càng cách mạng, càng nghèo thì càng quang vinh, do vậy mọi người đều đọ xem ai nghèo hơn. Tuy vậy bản năng lại mách bảo người ta rằng, ai cũng đều hy vọng có nhiều của cải vật chất hơn một chút, tốt nhất còn nên có một chút tư sản cố định, ví dụ như nông dân thì hy vọng có chút ruộng, con người mà không có chút đất nào thì thân tâm không yên, hoang mang không chịu nổi một ngày. Cái lý thông thường còn cho người ta biết rằng, văn minh nhân loại là từ không có gì cả, cho đến có một ít tài sản tư hữu nhất định, rồi dần dần tài sản tư hữu bắt đầu có một sự bảo hộ nhất định. Không có tài sản thì không có văn minh, thì sẽ trở về thời hoang dã.

cach-mang-van-hoa

Cách mạng Văn hóa trở thành khoảng thời gian điên cuồng đầy sai lầm mà không ai muốn lặp lại

2. Vô tri

Không chỉ vô sản trên phương diện vật chất, về phương diện tinh thần họ cũng phải cách mạng triệt để, cũng chính là họ cần phải cắt đứt quan hệ với tất cả văn hoá cũ của dân tộc. Bởi vì những cựu văn hoá ấy chính là “phong kiến, tư sản, xét lại”, cho nên tất cả đều bị Cách mạng Văn hoá coi là rác, Cách mạng Văn hoá cần phải hủy hết văn hoá của nhân loại. Thời đó, họ cho rằng học sinh cũng không cần đến lớp, không cần đi thi, người mù chữ thì trở thành anh hùng cách mạng, còn phần tử trí thức thì là đồ thối ta, họ cho rằng trí thức càng nhiều thì càng phản động. Kẻ vô tri thì cũng không có đầu não hay có tư tưởng phán đoán của bản thân mình. Những người ấy đương nhiên là không cần có tư tưởng. Vài trăm triệu người chỉ cần một người có tư tưởng là đủ rồi, chỉ cần một cuốn “Tiểu ngữ lục” (Mao tuyển) là được rồi.

(xem bài: Mao Trạch Đông từng được tôn sùng đến mức nào)

Người Trung Quốc cần phải nghe lời của nhà lãnh tụ kỳ cựu của họ, chiểu theo chỉ thị của người đó mà làm việc, làm chiến sĩ tốt của ông ấy, con người “đáng kính” ấy chỉ cần huơ tay thì họ phải biết đi về phía trước, người Trung Quốc đều trở thành ngu dân, đần độn, còn kẻ có dã tâm kia thì lại lợi dụng sự ngu muội vô tri của nhân dân mà muốn làm gì thì làm.

Nhưng cũng có lý luận rằng, ở đây cũng chẳng có gì kỳ quái. Người Trung Quốc từ trước tới giờ đều là những người dân nhu thuận, lương dân, thảo dân, trung thần, nô lệ, nô tài, đầu não của người Trung Quốc không phải là đã sớm bị những thánh hiền dạy dỗ, thống trị mấy nghìn năm sao, năng lực lớn nhất của các phần tử trí thức Trung Quốc không phải là lĩnh hội, chú thích, tuân theo tư tưởng của mấy thánh hiền đó sao? Họ có tư tưởng của bản thân mình đâu? Nếu đều có tư tưởng của bản thân mình thì chẳng phải đã loạn cả sao, do vậy nhất định phải lấy tư tưởng của một người thống trị tư tưởng của vài trăm triệu người, trên dưới một lòng, thì quốc gia mới lớn mạnh.

Ảnh: Học sinh tiểu học dân tộc thiểu số cũng phải “sớm xin chỉ thị tối báo cáo”. Ảnh chanhkien.org

Ảnh: Học sinh tiểu học dân tộc thiểu số cũng phải “sớm xin chỉ thị tối báo cáo”. Ảnh chanhkien.org

Vô tri, ngu muội, tất nhiên sẽ tạo thành vô năng, mà có năng lực cũng là không được phép, có năng lực thì sẽ đi theo con đường hoàn toàn chuyên môn. Con đường hoàn toàn chuyên môn là bị phê phán trong Cách mạng Văn hoá. Họ không cho phép có năng lực gì hết, càng không nói đến tiền tài. Người có tiền thì thông thường cá tính hay lên cao, thích biểu hiện bản thân mình, thế không được, làm vậy là cái đuôi đã vểnh lên đến tận trời rồi, vậy thì còn nghe lời nữa không? Vậy thì còn cam tâm tình nguyện làm công cụ phục tùng như cái đinh ốc thế này nữa không? Lại nói “nữ vô tài càng là đức, nam vô tài càng nghe lời”. Biết nghe lời thì người làm chủ mới thích, không có người làm chủ nào thích người có tài hơn cả mình, cũng như không có người vô năng nào lại thích kẻ có năng lực có tài, do vậy người Trung Quốc không thể thoát khỏi tâm tật đố, hủy diệt lẫn nhau. Thậm chí đến ngày nay, chí ít cá nhân cũng bị đả kích, không được thừa nhận, vì vậy người có tài đều bỏ ra nước ngoài sống.

3. Vô tình

Cảm tình của con người là gì? Cách mạng Văn hoá cho rằng trên thế giới này không có ái vô duyên vô cớ, cũng không có hận vô duyên vô cớ. Cái mà gọi là cảm tình, là cái thứ giả tạo của giai cấp địa chủ phong kiến, đó là cái dịu dàng ướt át của chủ nghĩa tiểu tư sản, đều là đối tượng phải cách mạng. Đại Cách mạng Văn hoá phê phán gay gắt nhân tính luận, nhân tình luận của giai cấp tư sản. Trên thế giới thì điều thuần khiết nhất là cảm tình của giai cấp vô sản, là đảng tính, là tính nguyên tắc. Đối đãi với giai cấp địch nhân, phong kiến, tư sản, xét lại, địa chủ, phú hào, trí thức, hủ bại, cánh hữu, thì cần phải đấu tranh tàn khốc, tấn công vô tình, “cần phải tàn khốc vô tình giống như gió thu quét lá”.

Còn nói về tình bạn, không nhẽ bạn bè tốt thì không cần nguyên tắc gì hết, không cần đảng tính nữa sao? Đó là chủ nghĩa tự do! Những gì là tình yêu vượt qua giai cấp đều là thứ lừa người, người cách mạng chỉ hiểu ân tình của Đảng, ân tình của lãnh tụ, tất cả những thứ khác đều là những thứ hủ bại phản động, cần phải triệt để “cách cái mạng” của nó. Đấu tranh giai cấp, đấu tranh lộ tuyến ngày nào cũng phải giảng, năm nào cũng phải giảng. Khi mà Cách mạng Văn hoá đã đưa ra khẩu hiệu “Đấu với người, niềm vui vô tận” thì làm sao còn có thể có chút nhân tình nào chứ. Thế là người Trung Quốc đều bị cải tạo thành không còn biết gì đến người thân, không nói chuyện ái tình (ít nhất lúc đó không dám nói công khai), lạnh nhạt vô tình, tàn khốc hung dữ, không bằng cả cầm thú.

4. Vô pháp

Đại Cách mạng Văn hoá còn có một “công lao vĩ đại” đó là đập nát công an, tòa án và viện kiểm sát. Đó đều là các thứ của giai cấp tư sản, những “người cách mạng” cho rằng phái cách mạng là tạo phản có lý, há lại để cho pháp luật chế ước? Các nhà cách mạng ai cũng có sừng trên đầu, mọc gai trên thân, vô pháp vô thiên, muốn đấu ai thì đấu, muốn lục soát nhà ai thì lục. Chỉ cần biết quan hệ của ai cứng, nắm đấm của ai cứng, phải xem bên nào “đen” hơn.

5. Vô đức

Trung Quốc vốn dĩ là một nước coi trọng đạo đức nhất, trong vài nghìn năm thì điều mà tư tưởng Nho gia nhấn mạnh chính là một chữ “Đức”. Cho đến đại Cách mạng Văn hoá, đạo đức truyền thống đã phải chịu phê phán triệt để, mà đạo đức Tây phương lại bị coi là thứ của chủ nghĩa tư bản, càng là phản động giả dối, cũng cần phải phê phán triệt để, đạo đức mới lại chưa được kiến lập, cũng không có cách nào kiến lập khi không có cơ sở, cuối cùng dẫn đến việc đạo đức bị thiếu mất triệt để. Trung Quốc không có quy phạm đạo đức đáng tin nữa, còn lại chỉ là triết học đấu tranh, tính giai cấp, nguyên tắc đảng tính. “Bỉ ổi trở thành giấy thông hành của kẻ bỉ ổi, cao quý trở thành chữ khắc mộ của người cao quý.” Ngày nay khi không còn nói nhiều đến triết học đấu tranh nữa, thì Trung Quốc còn lại gì đây? Những gì là thành tín liêm sỉ, những gì là chính nghĩa lịch thiệp, tất cả đều bị vứt hết, Trung Quốc từ đó tiến nhập vào một thời đại vô sỉ, lại thêm chủ nghĩa thực dụng trở nên thịnh hành, từ đấu tranh giai cấp, chuyển thành đấu tranh lợi ích, chỉ vì lợi, lục đục tranh đấu, tham ô hủ bại, lừa đảo, giết người cướp của, các tệ nạn xã hội thịnh hành, không từ thủ đoạn, không việc ác nào không làm. Cái gọi là đạo đức quan, giá trị quan phổ biến trên thế giới của nhân loại, thì lại có rất nhiều người không tán đồng, thực sự không biết là sẽ còn loạn đến bao giờ, vô sỉ đến lúc nào mới tới đáy.

6. Vô mỹ

Cái “mỹ” này, vốn dĩ là ai ai cũng thích, nhưng trong đại Cách mạng Văn hoá, thì lại bị coi thành thứ của giai cấp tư sản, cũng bị triệt để phê phán và vứt bỏ. Phụ nữ mà trang điểm một chút, mặc quần áo đẹp một chút, thì sẽ bị chỉ trích là diêm dúa, thì sẽ bị phê phán là tác phong giai cấp tư sản. Lúc đó, các bạn trẻ theo cách mạng toàn mặc quần áo màu vàng, còn người dân toàn mặc màu xanh. “Lãnh tụ vĩ đại” kêu gọi nhân dân: “Nam nữ Trung Hoa có nhiều khát vọng, không thích hồng trang, thích vũ trang, toàn dân đều là binh, nhân dân toàn quốc đều trở thành một cỗ máy chiến tranh thống nhất cao độ, là công cụ giải phóng toàn nhân loại, làm sao có thể cho phép yêu cái đẹp được!” Sau Cách mạng Văn hóa một thời gian dài, nếu có người búi tóc to vẫn sẽ bị cạo sạch, nếu mặc quần ống loa sẽ bị cắt bỏ, nếu phụ nữ mặc váy áo lộ tay sẽ bị lên án và phải viết kiểm điểm.

Việc truy cầu cái đẹp vốn dĩ là thiên tính của văn hóa nghệ thuật, vậy mà cũng hoàn toàn trở thành công cụ phục vụ chính trị. Chỉ cần có một chút trăng thanh gió mát, phong cảnh hữu tình, ái tình mỹ nữ, thì sẽ bị chụp mũ cho là “tư tưởng hủ bại của giai cấp tư sản”, “nghệ thuật vì nghệ thuật”, phê phán đến mức tan tác, khiến cho người ta nhắc đến cái đẹp là mặt biến sắc. Đương nhiên, nếu chỉ là một công cụ, một con dao găm của cách mạng, thì không có tư cách nói đến cái đẹp, thì chỉ có phận sự ca tụng tán dương các “vĩ nhân” chính trị. Không có đẹp, không có văn nghệ, cuộc sống của người Trung Quốc thực sự vô vị, 800 triệu người xem 8 vở kịch mẫu. Đương nhiên, khi con người phải làm công cụ, thì chức trách chính là cống hiến cho công tác, làm sao còn có thể truy cầu thú vui? Làm một người cách mạng, làm chiến sĩ, thì trách nhiệm chính là phải chiến đấu, hy sinh, làm gì có chuyện còn hưởng lạc nữa?

7. Vô lại

Đại Cách mạng Văn hoá cái gì cũng diệt, cái gì cũng không còn nữa, thì còn lại cái gì? Cái còn lại chính là vô lại. Rõ ràng đây là một kiếp nạn lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc thời đó, là tai nạn cự đại, thế mà chính quyền vẫn còn nói “Mọi việc tốt! mọi việc tốt!! mọi việc vẫn tốt !!!”. Rõ ràng là bị thụt lùi một bước lớn, là phản động đối với văn minh nhân loại, nhưng lại lừa gạt nói những gì là “vĩ đại, quang minh, đúng đắn”. Họ giỡn một cách vô lại, đùa lưu manh, mà không ai làm gì được. Mặt mũi vô lại chính là ở chỗ “mở to mắt mà nói, mở to mồm nói, nói lời giả trái với lương tâm” chính là không dám nói lời thật với lòng mình. Những người vô lại như vậy, ngày nay Trung Quốc còn thiếu chăng?

Tác giả: Thần Quân
Thành Đô (biên dịch)

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc