Home » Thế giới » Uông Dương: Từ bị phe Giang tấn công đến hoạn lộ tại Đại hội 19

Cách đây 5 năm, tại Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc, Phó Thủ tướng Uông Dương từng được xem là ứng viên sáng giá vào Ban Thường vụ, nhưng vì bị phe cánh ông Giang Trạch Dân (phái Giang) phản công nên cuối cùng ông Tập Cận Bình phải nhượng bộ.

Tuy nhiên đến kỳ Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Uông Dương cuối cùng đã vào được Ban Thường vụ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chính trị Pháp Luật, thay cho ông Du Chính Thanh.

uong-duong
Ông Uông Dương (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Theo tư liệu, ông Uông Dương (sinh 1955, hiện 62 tuổi), người Túc Châu – An Huy, từng tốt nghiệp Trường đảng Trung ương Trung Quốc, tốt nghiệp nghiên cứu sinh về Quản lý khoa học Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, học vị Thạc sĩ Quản lý công.

Ông Uông Dương tham gia chính trị từ khi còn trẻ, lần lượt được tín nhiệm của 3 thế hệ lãnh đạo Trung Quốc gồm: Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình. Năm 1981, chỉ mới 26 tuổi, ông Uông Dương đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy huyện Túc tỉnh An Huy, đi vào con đường quan lộ.

Mô hình cải cách Đồng Lăng sau 1989 được Đặng Tiểu Bình xem trọng

Năm 1988, ông Uông Dương (33 tuổi) đã giữ chức Thị trưởng Đồng Lăng tỉnh An Huy, năm 1991, ông đăng một bài viết dài trên báo địa phương bàn về vấn đề cải cách, bài viết có tựa “Tỉnh lại, Đồng Lăng!”, hô hào “cần giải phóng tư tưởng, cởi bỏ tất cả những tư tưởng sơ cứng, cũ kỹ, khép kín”.

Một câu trong bài viết “Lịch sử không cho chúng ta ngủ giấc ngủ dài” đã gây tranh luận trên cả nước, khiến cả lãnh đạo Bộ Chính trị Trung Quốc cùng tranh luận về cải cách ở Đồng Lăng.

Tạp chí Động Hướng (Hồng Kông) dẫn lại câu nói của một học giả từng là giới chức cấp cao Bắc Kinh (đã nghỉ hưu) cho biết: “Vào những năm 90, 91, thời điểm xã hội đang nặng nề sau sự kiện Thiên An Môn mà dám lấy cải cách, phát triển kinh tế làm nhiệm vụ hàng đầu, quả thực là canh bạc chính trị dũng cảm”.

Năm 1992, ông Đặng Tiểu Bình đi khảo sát phía nam, đến An Huy, sau khi gặp ông Uông Dương đã gọi ông này là nhân tài. Năm sau, chỉ 38 tuổi nhưng ông Uông Dương đã trở thành Phó Tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc khi đó. Năm 1999, ông được điều về chính phủ làm việc.

Năm 2005, ông Uông lại “nhảy dù” về Trùng Khánh, thay ông Hoàng Trấn Đông làm Bí thư Ủy ban Thành phố Trùng Khánh. Đại hội 17 năm 2007, ông được vào Ủy viên Trung ương, tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất ĐCS Trung Quốc khóa 17, ông được thăng liền hai cấp, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.

Mô hình Quảng Đông trùng hợp tư duy Tập Cận Bình

Cùng năm, Uông Dương nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, đề ra ý tưởng “giải phóng tư tưởng” thoát khỏi kiềm chế của chính sách “ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân, đi theo mô hình “Khoa học phát triển quan” của ông Hồ Cẩm Đào. Hành động này làm ông Giang Trạch Dân tức giận.

Năm 2008, ông Uông Dương đề ra kế hoạch “dọn lồng thay chim” (Đằng lung hoán điểu), chuyển chiến lược cải cách kinh tế, đồng thời “thanh lý” hàng loạt thành viên bang Quảng Đông phái Giang, quan to hủ bại trong hệ thống Chính pháp. Thời gian này, ông Uông Dương được phe ông Hồ Cẩm Đào hỗ trợ đắc lực.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, ngay thời điểm tổ chức lưỡng hội vào tháng 3/2014, bất ngờ đã đến với Đoàn đại biểu Quảng Đông trong khi đề cập đến chính sách chuyển đổi kinh tế “đổi lồng thay chim” đã được đẩy mạnh trong 8 năm ở Quảng Đông, được biểu đạt qua 8 chữ “Đổi lồng thay chim, Niết bàn phượng hoàng” (Đằng lung hoán điểu, Phụng hoàng niết bàn). Khi đó giới quan sát dự đoán, ông Tập Cận Bình muốn kê đơn thuốc cho tình hình kinh tế Trung Quốc.

Có nhận định, năm 2006 khi ông Tập Cận Bình chấp chính ở Chiết Giang, từng viết bài “Từ ‘hai con chim’ nhìn về điều chỉnh cục diện”. Bài viết chỉ ra, muốn điều chỉnh chiến lược mô hình kinh tế và chuyển tận gốc phương thức phát triển, cần hai vấn đề, đó là “Niết bàn phượng hoàng” và “Đổi lồng thay chim”.

Còn sau khi ông Uông Dương đến Quảng Đông, lại bất ngờ “không hẹn mà gặp” thực hiện chính sách giống với tư tưởng của ông Tập Cận Bình. Có bài viết nhận định, Uông Dương là người thực thi lý luận Tập Cận Bình, ban đầu là 8 năm thực hành “Đổi lồng thay chim” ở Quảng Đông, sau nữa là “cải cách bên cung” (từ vấn đề bán nhiều hàng sang bán hàng gì), hai phương pháp tối ưu để chuyển đổi kết cấu mô hình kinh tế, đào thải tư duy cũ kỹ. Đến năm 2013, ông Uông vào trung ương, nhậm chức Phó Thủ tướng Chính phủ, xếp hàng thứ ba.

Đối đầu Bạc Hy Lai, bị phái Giang tấn công tại Đại hội 18

Ông Uông Dương từng là đối thủ không đội trời chung của Bạc Hy Lai.

Năm 2007, sau khi ông rời Trùng Khánh thì Bạc Hy Lai nhậm chức Bí thư Trùng Khánh. Bạc đã xây dựng “mô hình Trùng Khánh” theo kiểu “Ca hồng đánh đen”. Ông Uông Dương dù điều chuyển đến Quảng Đông nhưng vẫn bóng gió lên án chủ trương của ông Bạc Hy Lai, họ nhiều lần luận chiến quanh các vấn đề “Bánh ngọt luận”, “Mô hình Trùng Khánh”, “Mô hình Quảng Đông”.

Trước Đại hội 18, thời điểm ông Uông Dương chỉ 57 tuổi nhưng đã được xem là ứng viên sáng giá vào Ban Thường vụ Trung ương, tuy nhiên giới quan sát cho rằng việc ông không vào được là vì bị phái Giang tấn công.

Khi đó Reuters đưa tin, trước Đại hội 18, ĐCS Trung Quốc đã có đợt “chỉnh đốn nội bộ”, những người tham gia vào đợt chỉnh đốn có 24 ủy viên Bộ Chính trị sắp rời nhiệm và hơn 10 nguyên lão trong Đảng từng kiêm những vị trí quan trọng, trong vài tháng đã tổ chức hơn 10 cuộc thảo luận; trong đó ít nhất hai lần điều chỉnh nội bộ không chính thức, địa điểm họp tại khách sạn Kinh Tây. Trong số người bị hạ bệ vì “chỉnh đốn nội bộ” có ông Uông Dương.

Thông tin chỉ ra, năm đó nhân vật mờ nhạt Lưu Vân Sơn vào Ban Thường vụ với số phiếu ít hơn ông Uông, nhưng cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân kiên quyết đòi đưa Lưu lên, cuối cùng ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình phải nhượng bộ, vậy là ông Uông Dương không vào được.

Được Tập Cận Bình trọng dụng

Nhưng sau Đại hội 18, Uông Dương lại được Tập Cận Bình trọng dụng.

Năm 2013, ông Uông Dương được đề bạt chức Phó Thủ tướng Chính phủ (hàng thứ 3), chủ quản về nông nghiệp, thủy lợi, chống hạn và lụt, khai phá xóa đói nghèo, thương mại, du lịch; ngoài ra còn phụ trách xử lý ngoại thương, đóng vai trò trung gian trong đối thoại chiến lược kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình lần đầu chuyến thăm nước ngoài đã dẫn theo ông Uông Dương. Năm 2017, khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thốn Mỹ Donald Trump tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump cũng thấy hình ảnh của ông Uông Dương.

Khoảng gần hai tháng trước Đại hội 19, ông Uông liên tục xuất ngoại. Tháng Tám vừa qua, thời điểm căng thẳng biên giới Trung – Ấn, ông bất ngờ đi thăm Nepal và Pakistan để đối phó với xung đột Trung – Ấn. Đầu tháng Chín, ông liên tục tham gia hội nghị ở Nga, bàn về hợp tác vùng Viễn Đông giữa Trung Quốc và Nga. Mấy ngày sau, ông lại dự hội nghị quốc tế tổ chức ở trong nước: Đại hội lần thứ 22 của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc và lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Euras 2017.

New York Times từng dự đoán trước Đại hội 19, nếu Uông Dương vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19, có nghĩa tương lai 5 năm tới, tình hình cải cách kinh tế Trung Quốc sẽ mạnh hơn, ví như mức tự do hóa dành cho kinh tế tư nhân nhiều hơn, hay hạn chế tối đa phụ thuộc vào khoản cho vay của nhà nước.

Tuyết Mai

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc