Home » Sức khỏe, Tiêu Điểm » Hàn Quốc đang điều tra 7 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca

Quy trình để vaccine được đưa vào sử dụng rộng rãi phải mất 5 – 10 năm, việc cấp bách phải dùng vaccine không trải khỏi phản ứng phụ và rủi ro đáng tiếc.

Embed from Getty Images

Tiêm vaccine AstraZeneca ở Hàn Quốc. Ảnh getty

Hàn Quốc thêm 3 ca tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca

Theo aa.com, ngày 5/3 Hàn Quốc cho biết đang điều tra 7 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19. Theo Yonhap News Agency, các cơ quan y tế sẽ xem xét để xác định mối quan hệ liên đới có thể xảy ra giữa việc tiêm chủng và các ca tử vong. Trong số đó, có 3 người tử vong sau khi tiêm vaccine của hãng AstraZeneca một ngày trước đó.

Tổng cộng đã có 1.578 trường hợp tác dụng phụ đã được báo cáo cho đến nay, với phần lớn (1.558 trường hợp) là các triệu chứng nhẹ.

Báo cáo viết: “Có 6 trường hợp nghi ngờ phản ứng sốc phản vệ, các triệu chứng tương tự như sốc phản vệ, 1 trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine, nâng tổng số các ca như vậy lên 13 trường hợp”.

Theo channelnewsasia, trước đó vào ngày 3/3 các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết họ đang điều tra cái chết của hai người đàn ông đã tử vong chỉ vài ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca. 

Hãng tin Yonhap đưa tin, một bệnh nhân 63 tuổi ở viện dưỡng lão đã xuất hiện các triệu chứng như sốt cao sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca. Bệnh nhân này được chuyển đến một bệnh viện lớn hơn  nhưng đã tử vong  sau khi có các triệu chứng nhiễm độc máu và viêm phổi. 

Bệnh nhân thứ hai ở độ tuổi 50, bị rối loạn tim và tiểu đường đã tử vong ngày 3/3 sau khi trải qua nhiều cơn đau tim. 

Một quan chức của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nói với Reuters rằng họ đang điều tra nguyên nhân của những cái chết, nhưng không nêu chi tiết hoặc xác nhận các chi tiết trong báo cáo của Yonhap. 

Trong khi đó một phát ngôn viên của hãng AstraZeneca tại Seoul cho biết hiện tại công ty không có bình luận gì.

Hàn Quốc bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào tuần trước. Tính đến sáng ngày 2/3 đã có 85.904 người đã được tiêm vaccine AstraZeneca  và 1.524 người tiêm vaccine Pfizer.

Để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, Hàn Quốc đã cho phép sử dụng vaccine Pfizer. Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm đã phê duyệt hai phác đồ đủ liều của Pfizer sau 3 lần đánh giá độc lập riêng biệt, và Pfizer trở thành vaccine thứ hai được cấp phép tại Hàn Quốc sau AstraZeneca. 

Ngày 2/3, Hàn Quốc ghi nhận có thêm 444 ca nhiễm COVID-19 mới, tăng từ 344 trường hợp vào ngày 1/3, nâng tổng số lên 90.816 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.612 trường hợp tử vong. 

Ngoài ra ngày 2/3  Bộ Y tế Nhật Bản cho biết một phụ nữ 60 tuổi tử vong vì xuất huyết não sau khi tiêm vaccine Pfizer. Các nhà chức trách đang điều tra mối liên hệ giữa tiêm vaccine và nguyên nhân tử vong, trong đó hãng Pfizer Nhật Bản chưa đưa ra bình luận. 

WHO phê duyệt vaccine AstraZeneca  

Ngày 15/2, WHO đã phê duyệt 2 phiên bản vaccine COVID-19 của AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford cho sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, gồm vaccine được sản xuất tại AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ.

Việc WHO phê duyệt vaccine COVID-19 của AstraZeneca/Oxford được đưa ra vài ngày, sau khi một hội đồng chuyên gia của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đưa ra các khuyến nghị tạm thời khẳng định vaccine 2 liều này nên được tiêm cách nhau từ 8-12 tuần cho tất cả người lớn, và có thể sử dụng ở các quốc gia có biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi.

Theo reuters, việc WHO phê duyệt vaccine do AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất đã mở đường cho hơn 300 triệu liều vaccine AstraZeneca đến 145 quốc gia đang phát triển trong nửa đầu năm 2021, thông qua chương trình COVAX .

Theo đánh giá của WHO, vaccine COVID-19 của Astrazeneca đáp ứng các tiêu chí “phải có” về độ an toàn, các lợi ích từ hiệu quả của vaccine vượt trội so với rủi ro mà vaccine này mang lại.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca được đánh giá tốt hơn ở phương diện giá rẻ và dễ phân phối hơn so với vaccine của một số hãng như Pfizer-BioNTech- từng được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ cuối tháng 12/2020.

Tuy nhiên một số quốc gia vẫn lo ngại về độ an toàn của vaccine cũng như những câu hỏi trước đó về các thử nghiệm lâm sàng của hãng AstraZeneca.

Theo Wall Street Journal, Nam Phi đã đình chỉ kế hoạch phân phối vaccine AstraZeneca khi cùng một nghiên cứu cho thấy, vaccine chỉ đạt hiệu quả thấp trong việc đối phó với các trường hợp nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ và trung bình từ biến thể Nam Phi mới, và không chứng minh được khả năng bảo vệ người Nam Phi khỏi biến chủng B1351.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi, ông Zweli Mkhize, cho biết “nước này sẽ tạm thời ngừng triển khai vaccine theo kế hoạch cho đến khi có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine”, và gần đây Nam Phi đã triển khai vaccine thay thế của hãng Johnson & Johnson. 

Theo EMA,  Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu mặc dù cho phép những người trên 18 tuổi được tiêm vaccine AstraZeneca, nhưng Đức không cho phép sử dụng vaccine này đối với những người từ 65 tuổi trở lên với lý do “thiếu hiệu quả”. 

Theo BBC, trong khi đó cơ quan quản lý y tế của Pháp cho biết vẫn chưa có đủ dữ liệu về hiệu quả của vaccine AstraZeneca ở những người trên 65 tuổi. Áo , Bỉ, Ba Lan và Thụy Sĩ cũng khuyến cáo không nên tiêm vaccine AstraZeneca cho người lớn tuổi, với lý do không đủ bằng chứng. 

Tác dụng phụ từ vaccine AstraZeneca nhiều hơn các vaccine khác?

Theo Reuters,  các nhân viên bệnh viện và nhân viên y tế tuyến đầu tại Pháp đã gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca, bao gồm sốt, đau đầu, buồn nôn và các triệu chứng khác. 

Pháp bắt đầu sử dụng vaccine AstraZeneca vào ngày 6/2, và nhân viên tại bệnh viện Saint-Lo ở Normandy đã có các phản ứng phụ mạnh hơn so với khi sử dụng vaccine của Pfizer. Melanie Cotigny, Giám đốc truyền thông bệnh viện Saint-Lo cho biết: “AstraZeneca gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với vắc xin Pfizer”. 

Ngày 11/2, sau khi ghi nhận các trường hợp phản ứng phụ tương tự từ các bệnh viện, Cơ quan An toàn Dược phẩm Pháp cho biết cần phải giám sát chặt chẽ khi cơ quan này nhận được 149 cảnh báo về các tác dụng phụ do vaccine AstraZeneca gây ra. Báo cáo ghi nhận 40-70% số người gặp các phản ứng phụ nặng nề sau khi chủng ngừa. Trong khoảng thời gian này, 10.000 nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế tại Pháp đã được tiêm phòng ngừa. 

Tính đến ngày 16/2, Pháp ghi nhận thêm khoảng 363 nhân viên y tế tiêm chủng có tác dụng phụ. Độ tuổi trung bình của các nhân viên y tế được tiêm vaccine là từ 30-50 tuổi. Hầu hết các trường hợp phản ứng phụ đều mắc phải “hội chứng giả cúm” cường độ cao. 

Tại Thụy Điển, 2 trong số 21 khu vực chăm sóc sức khỏe đã tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca cho nhân viên, sau khi 100/400 người đã có  phản ứng phụ mệt mỏi, ốm, và không thể tiếp tục làm việc được.

Andreas Heddini, giám đốc y tế của AstraZeneca khu vực Bắc Âu chia sẻ với  SVT News: “Có vẻ như đã có một tỷ lệ lớn các tác dụng phụ hơn dự kiến. Chúng tôi đã thấy rằng có khoảng 10% những người được tiêm chủng dự kiến ​​sẽ có những phản ứng phụ kiểu này”. 

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết các nhân viên y tế không muốn tiêm vaccine AstraZeneca sau khi có một số tác dụng phụ mạnh. Đức đã nhận được 737.000 liều vaccine từ AstraZeneca, nhưng mới chỉ cung cấp 107.000 liều (theo số liệu của Bộ Y tế và Viện Robert Koch). 

Trong khi đó, ngày 29/1, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu kết luận rằng vaccine AstraZeneca có hiệu quả đối với COVID-19  khoảng 60%, so với hơn 90% của hãng Pfizer / BioNTech và Moderna. Đã có nhiều phản ứng phụ gây tác hại tới sức khỏe con người được ghi nhận trong các thử nghiệm AstraZeneca trong năm 2020, bao gồm tổn thương tủy sống do viêm tủy cắt ngang, bệnh não thần kinh cấp tính và tử vong. 

Ngày 9/9/2020, hãng AstraZeneca đã phải tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng sau khi một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tại Anh đã bị chẩn đoán mắc chứng viêm cơ ngang tủy sống, với triệu chứng sưng tấy, tác động tới dây sống có khả năng do tình trạng nhiễm virus gây ra.  

Tháng 10/2020, một tình nguyện viên ở Brazil đã tử vong, mặc dù AstraZeneca cho rằng người này thuộc nhóm đối chứng đã được tiêm thuốc viêm màng não, và chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Theo rt.com, tháng 10/2020, một doanh nhân Ấn Độ 40 tuổi đã bị nôn mửa, đau đầu dữ dội trong suốt 10 ngày sau khi tham gia thử nghiệm vaccine của hãng AstraZeneca. Ông đã đệ đơn kiện Viện Huyết thanh Ấn Độ với số tiền 676.000 USD, với cáo buộc bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng sau khi tham gia thử nghiệm giai đoạn ba của vaccine Covishield. 

Trước khi thử nghiệm, doanh nhân Ấn Độ này được chuyên gia y tế cho biết vaccine an toàn, và đã chọn tham gia chương trình với “tinh thần phục vụ công chúng”.

Trong đơn kiện, ông cũng yêu cầu Viện Huyết thanh Ấn Độ, AstraZeneca và Oxford Vaccine Group đình chỉ các cuộc thử nghiệm vaccine với 1.600 tình nguyện viên đang tham gia thử nghiệm. 

Dù các thử nghiệm toàn cầu tạm thời dừng lại vào thời điểm ấy, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, ông Rajesh Bhushan vẫn tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm vaccine AstraZeneca ở Ấn Độ vẫn được tiếp tục, và sẽ “không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự kiện nào”.

Đáng chú ý, Viện Huyết thanh Ấn Độ có thỏa thuận với hãng AstraZeneca để sản xuất 1 tỷ liều vaccine, đã khẳng định rằng các biến chứng về y học của các tình nguyện viên đều không liên quan đến thử nghiệm vaccine. 

Quốc Hưng

Theo ntdvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc