Home » Thế giới » Cái giá của sự phát triển tại Trung Quốc

Đằng sau sự bùng nổ phát triển kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức lớn để vượt qua giai đoạn phát triển gây ô nhiễm môi trường.

Cái giá của sự phát triển tại Trung Quốc

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thải ra nhiều khí CO2 nhất trên thế giới. (Reuters)

Tóm lược

* Xét trên nhiều phương diện, Trung Quốc có nhiều điểm rất khác biệt so với cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu và Châu Mỹ vào thế kỷ 19.

Trong một cuốn sách mới có tựa đề ‘When a Billion Chinese Jump’ (tạm dịch: ‘Khi một tỉ người Trung Quốc phát triển nhảy vọt’), nhà báo người Anh Jonathan Watts đã phơi bày những bí mật đằng sau hiện tượng bùng nổ phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ông đưa ra thông tin về những đường cống thoát nước hôi thối, không khí bị nhiễm độc, những bãi rác thải công nghiệp, hàng ngàn công nhân mỏ tử vong hoặc bị thương mỗi năm, sức khỏe con người bị hủy hoại do tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

Cuộc cách mạng công nghiệp ở Trung Quốc

Ông Jonathan Watts là phóng viên của báo Guardian thường trú tại Bắc Kinh. Theo ông, người Trung Quốc tin rằng điều họ đang trải qua cũng giống như cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu và Châu Mỹ vào thế kỷ 19.

Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, Trung Quốc có nhiều điểm rất khác biệt. Đầu tiên, trong khi nước Anh phải mất khoảng 100 năm để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, Mỹ mất 50-60 năm, Nhật Bản trải qua khoảng 20-30 năm thì Trung Quốc chỉ thực hiện quá trình công nghiệp hóa trong vòng 15-20 năm. Do vậy, nếu ở Trung Quốc ở thời điểm này, mọi người có thể theo dõi cận cảnh quá trình 200 năm phát triển kinh tế của loài người trên màn hình khổ lớn bằng cả một lục địa.

Ở trong không gian nhỏ hẹp này, người ta có thể nhìn thấy những mỏ than giống như trong những câu chuyện của Charles Dickens, những nhà máy siêu hiện đại sản xuất những tấm thu năng lượng mặt trời. Trung Quốc, xét về một phương diện nào đó, thực hiện mọi việc một cách nhanh chóng và với quy mô lớn hơn tất cả các nước khác trước đây, mặc dù nước này gặp bất lợi do quá trình phát triển khởi đầu khá muộn.

Phát triển muộn cũng là một lợi thế bởi Trung Quốc có thể học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển trước họ. Tuy nhiên, đây cũng là một điều kiện bất lợi đối với Trung Quốc bởi họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu giá rẻ và thuê gia công những ngành công nghiệp gây ô nhiễm trong bối cảnh Trung Quốc là nước quá lớn và nhiều nước khác trên thế giới đã phát triển.

Như vậy, Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức lớn đáng ngạc nhiên để vượt qua giai đoạn phát triển gây ô nhiễm môi trường như các nước khác đã từng trải qua.

Lĩnh vực năng lượng mặt trời và các công nghệ thay thế

Một số nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc đang vượt lên trước các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư vào năng lượng mặt trời và một loạt các công nghệ thay thế khác.

Nhà báo Watts cho rằng nhận định trên có nhiều điểm đúng bởi cuộc khủng hoảng môi trường và vấn đề khan hiếm năng lượng của Trung Quốc hiện đang ở tình trạng khẩn cấp. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tái chế bền vững có mức khí thải cac-bon thấp.

Trung Quốc đã tuyên bố mục tiêu này và họ đang đầu tư ngân sách để thực hiện những gì họ đã đề ra. Trung Quốc đang đầu tư một khoản ngân sách lớn để phát triển ngành năng lượng gió, năng lượng mặt trời và xây dựng các thành phố sinh thái từ con số không, xây dựng ngành công nghiệp sản xuất các loại ô-tô tương đối sạch chạy bằng điện hoặc chạy bằng điện và xăng.

Trong mọi lĩnh vực, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và nước này đã vượt các nước khác trên thế giới về một số lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng than một cách hiệu quả và không gây ô nhiễm.

Các nhà bảo vệ môi trường có thể nói rằng không có cái gọi là than đá sạch. Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc phụ thuộc vào than đá để sản xuất 70% lượng điện tiêu thụ. Vấn đề này không thể sớm giải quyết trong thời gian tới. Do vậy, điều quan trọng là Trung Quốc phải phát triển phương thức sử dụng than đá không gây quá nhiều ô nhiễm và lãng phí nguồn tài nguyên.

Giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường

Giải pháp ngắn hạn tốt nhất có thể đưa ra là hạn chế tối đa tác hại chứ không phải là một giải pháp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm. Nhà báo Watts cho biết trong thời gian ngắn hạn, điều tốt nhất có thể hi vọng là đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng trên diện rộng để giảm thiểu tỉ lệ lãng phí. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là khi đạt được 10% hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực than đá, nền kinh tế tăng trưởng 10% và như vậy, nhu cầu về nguồn nguyên liệu, năng lượng cũng tăng theo. Xét về khía cạnh nào đó, mức nhu cầu năng lượng vượt quá mức hiệu quả gia tăng này. Như vậy, Trung Quốc vẫn đang ở trạng thái đình trệ. Nước này vừa phát triển vừa thụt lùi lại trong lĩnh vực làm sạch môi trường.

Theo nhà báo Watts, hiện trạng của Trung Quốc có thể chứng minh rằng lịch sử 200 năm tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại đã bắt đầu tấn công một loạt những bức tường của hệ sinh thái. Bức tường hệ sinh thái là hiện tượng khan hiếm tài nguyên, tình trạng thiếu nước và một số nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt.

Một số khu rừng của Trung Quốc đã bị khai thác khá bừa bãi và việc khai thác này cần phải được ngăn chặn trong vòng10 đến 20 năm. Tuy nhiên, nhà báo Watts không cho rằng chính phủ sẽ làm được điều này trong vòng 5-10 năm tới. Trong một số lĩnh vực, không chỉ ở Trung Quốc, người ta bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu sẽ không thể thực hiện được mọi công việc như bình thường.

Kinh tế sẽ không thể đạt được mức tăng trưởng mong đợi như trước đây. Mọi người cũng phải cân nhắc việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu tiết kiệm hơn so với lượng nguyên liệu tiêu thụ ở các nước phát triển trong vài thập kỷ trước.

Điều đáng lo ngại thực sự ở đây là Trung Quốc có thể là một ví dụ cho sự phát triển rõ rệt nhất nhưng lại kém bền vững trong lịch sử loài người. Trung Quốc phải trở thành mô hình trình phát triển kinh tế mẫu không chỉ cho một nước mà cho tất cả các nước trên thế giới.

Theo bayvut.com.au

t

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc