Home » Sức khỏe » Ăn ốc sên bị hôn mê trong 15 tháng liền
300_oc_senBệnh nhân nam L.T.Đ, 22 tuổi ở Tiền Giang, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thành phố Hồ chí Minh đã bị tai họa vì ăn ốc sên. Người bệnh bị hôn mê trong 15 tháng liền do viêm não-màng não với tình trạng rất nguy kịch và được xác định nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis.

Đặc điểm loại giun gây bệnh

Angiostrongylus cantonensis là loại giun tròn ký sinh ở phổi của chuột. Vào năm 1935, nhà khoa học Chen đã phát hiện bệnh lần đầu tiên trên chuột tại Canton. Ở người, giun ký sinh gây viêm não-màng não hoặc có thể chui lên mắt. Trường hợp giun gây bệnh viêm não-màng não ở người lần đầu tiên do hai nhà khoa học Nomura và Lin phát hiện vào năm 1945 ở một trẻ em trai tại Đài Loan; họ đã tìm thấy 6 con giun trong dịch não tủy của bệnh nhân. Tiếp theo đó, nhiều trường hợp viêm não-màng não do nhiễm loại giun này tiếp tục được phát hiện ở Nhật Bản, Trung Quốc, vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (Dorothy, 1968) và nhiều nơi trên thế giới.

Các công trình nghiên cứu cho thấy ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis có mặt ở nước ta từ lâu và phân bố từ Bắc vào Nam, chúng ký sinh ở người và động vật. Trước đây, loại ký sinh trùng gây bệnh này được phát hiện ở nước ta còn rất ít do chưa có đủ điều kiện để phát hiện và chỉ xác định được nguyên nhân gây bệnh khi bắt gặp được ký sinh trùng. Nguồn bệnh là ốc, tôm, cua, cá… bị nhiễm ký sinh trùng. Mầm bệnh là ấu trùng của loài giun tròn Angiostrongylus cantonensis ký sinh ở ốc, tôm, cua, cá… Tất cả mọi người đều có thể là khối cảm thụ và ký sinh trùng gây bệnh được lây truyền theo đường tiêu hóa do ăn phải các thức ăn, nước uống bị ô nhiễm có chứa ấu trùng giun còn sống.

Giun trưởng thành ký sinh ở động mạch động mạch phổi của chuột. Trứng theo máu đi đến các phế nang và nở ra ấu trùng ở đó. Ấu trùng lên cuống phổi, yết hầu, qua thực quản, vào ống tiêu hóa, theo phân ra ngoại cảnh. Ấu trùng vào ký sinh ở các loại ốc sống ở dưới nước hoặc ở trên cạn như ốc Ackhatia, ốc sên. Ấu trùng lột vỏ 2 lần thành kén trong cơ ốc. Ngoài ốc, các loài tôm, cua, cá, thậm chí trâu, bò, lợn… cũng có thể là vật chủ phụ của ấu trùng giun. Khi vật phụ chết, ấu trùng được phóng thích vào nước, đất, rau… Người tình cờ ăn ốc, tôm, cua, cá hoặc rau sống, uống nước lá có ấu trùng sẽ bị nhiễm bệnh. Khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, ấu trùng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc các phủ tạng khác. Ấu trùng không thể phát được được đến giai đoạn giun trưởng thành mà chỉ tồn tại dưới dạng ấu trùng gây bệnh trong cơ thể người.

Triệu chứng bệnh lý

Ấu trùng giun gây viêm não-màng não cấp tính, tăng bạch cầu ái toan. Bệnh lý được ghi nhận bao gồm triệu chứng nhức đầu dữ dội, sốt nhẹ hoặc không sốt, 15% bệnh nhân có dấu hiệu kích khích màng não. Có thể có biểu hiện viêm các dây thần kinh gây liệt mặt, nhìn đôi, rối loạn cảm giác. Cũng có thể có hội chứng não tâm thần như nói lảm nhảm, mất phương hướng, kém trí nhớ, hôn mê. Bạch cầu ái toan tăng cao trong dịch não tủy và ở máu ngoại vi, proteine trong dịch não tủy cũng tăng. Bệnh thường hồi phục ngẫu nhiên, ít khi tử vong trừ trường hợp nguy kịch. Nếu chết, mổ tử thi sẽ thấy ấu trùng giun trong não; vùng chung quanh hoại tử thâm nhiễm bạch cầu ái toan, bạch cầu lympho.

Điều trị và phòng bệnh

Thuốc Thiabendazole tỏ ra có hiệu lực cao trong điều trị ở giai đoạn đầu khi ấu trùng mới xâm nhập vào cơ thể. Qua giai đoạn sau, phải điều trị triệu chứng kết hợp vớicorticoide liệu pháp.

Phòng bệnh bằng cách không ăn ốc, tôm, cua, cá sống chưa nấu chín kỹ dưới mọi hình thức. Phải rửa sạch rau sống, ngâm thuốc tím trước khi ăn. Không uống nước lã. Tích cực diệt chuột bằng mọi phương pháp.

Khuyến cáo

Đã có nhiều trường hợp nguy kịch, thậm chí có bệnh nhân tử vong trước đây do tai họa ăn phải loại ốc sên, có nơi còn gọi là “ốc ma” không bảo đảm an toàn. Với những kiến thức được trang bị ở trên, mong rằng cộng đồng người dân cần cảnh báo về vấn đề này để phòng sự nhiễm bệnh có thể tiếp tục xảy ra.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

Theo khoahocphothong

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc