Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Đàn áp mang tính chính trị làm tan vỡ một gia đình Trung Quốc
Sinh viên Trung Quốc Từ Tinh Tinh, 25 tuổi, đã di cư sang Hoa Kỳ để trốn chạy sự bức hại của chế độ cộng sản đối với mẹ cô, một học viên Pháp Luân Công.

Ảnh minh họa: Một người mẹ trẻ tên là Vương Lệ Huyên, cùng đứa con trai 7 tháng tuổi của cô đã bị tra tấn đến chết sau khi họ bị bắt chỉ vì tập Pháp Luân Công. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy đứa trẻ đã bị treo ngược đầu xuống đất và đầu của bé đã bị dập nát.

Cô trông như là một lưu học sinh bình thường. Tuy nhiên, điều khiến cô sang Mỹ là một câu chuyện dài và đau đớn. Mẹ cô, người vẫn còn ở Trung Quốc, đang ở trong tù.

Cha cô Từ là một thương nhân. Mẹ cô đã từng làm việc tại một văn phòng chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Cuộc sống của họ rất thanh bình. Điều gì đã xảy ra và khiến cô cuối cùng phải di cư sang Hoa Kỳ? Sau đây là trường hợp đau khổ của gia đình cô Từ tại Trung Quốc:

“Tôi đã từng có một cuộc sống hạnh phúc với cha mẹ tôi. Chúng tôi là một gia đình hòa thuận. Mẹ tôi tập Pháp Luân Công, còn cha tôi và tôi ủng hộ bà. Cha mẹ tôi đặt ra tiêu chuẩn cao cho tôi. Tôi được dạy phải là một người tốt từ khi còn nhỏ. Cha mẹ tôi cũng tự đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân họ nữa. Chúng tôi là một gia đình ba người hạnh phúc.”

“Mọi thứ đã thay đổi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Kể từ đó, cảnh sát thường xuyên vô cớ tới nhà tôi, và cũng chẳng theo thủ tục pháp lý gì hết. Họ tùy tiện lục soát nhà tôi, lật đổ đồ đạc, để lại những chiếc tủ mở toang, với giấy tờ và quần áo ở khắp nơi. Họ đã lấy đi bất cứ thứ gì có giá trị mà họ thấy. Cha tôi không thể làm gì ngoài việc gom nhặt những gì còn lại, và lặng lẽ khóc. Tôi đã biết được từ những người lớn tuổi rằng điều này giống như những năm Cách mạng Văn hóa, hồi cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.”

“Tôi lúc ấy đang học trung học cơ sở. Hàng ngày, tôi ngồi ở hàng ghế cuối lớp, trong góc phòng, cố gắng tránh sự chế nhạo từ những người bạn cùng lớp và cái nhìn khinh bỉ từ thầy cô. Tôi nằm trong số 5 học sinh học giỏi nhất lớp. Hiện giờ thì tôi đứng cuối. Sau giờ học, tôi lo lắng về việc đụng phải những người cảnh sát tàn bạo. Tôi luôn phải sống trong nỗi sợ hãi và căng thẳng, như thể bầu trời sắp sụp xuống.

“Khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công leo thang, mẹ tôi bị đuổi việc khỏi ngân hàng. Công việc kinh doanh của cha tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Cảnh sát thường xuyên nghĩ ra lý do để phạt tiền cha tôi. Mọi thứ có giá trị đều bị họ lấy đi trong những lần lục soát phi pháp. Tôi gần như suy sụp. Thế giới trở nên ảm đạm. Cuộc sống trở nên vô nghĩa đối với tôi. Tôi chẳng quan tâm tới gì hết, ngay cả chính bản thân mình. Tôi được điểm rất kém trong các kỳ thi chuyển cấp. Tôi không còn muốn đi học nữa. Mẹ tôi không từ bỏ. Bà nói với tôi: “Con gái, con vẫn còn ít tuổi. Với tri thức, con có thể bảo vệ bản thân tốt hơn.” Bà khích lệ tôi và thuyết phục tôi hàng ngày. Bất chấp tình hình tài chính khó khăn của gia đình, mẹ tôi đã chi thêm tiền để tôi được vào học một trường trung học phổ thông ở gần nhà.”

“Việc kinh doanh của cha tôi không ngừng trượt dốc. Ông liên tục thua lỗ nặng. Cuối cùng, ông đã phải đóng cửa cơ sở kinh doanh và mở một siêu thị nhỏ. Mọi thứ đã không thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Cảnh sát vẫn liên tục tới sách nhiễu chúng tôi. Họ thậm chí còn lấy đi bất cứ thứ gì họ thích từ kệ hàng, như thể họ sẽ không dừng lại cho tới khi chúng tôi bị dồn xuống vực thẳm. Đối mặt với các bước thụt lùi liên tục, mẹ tôi vẫn lạc quan. Bà nói với tôi: “Con gái, đừng sợ; sự đau khổ này sẽ kết thúc một ngày nào đó.”

“Một ngày nọ, cảnh sát xuất hiện và tuyên bố rằng mẹ tôi bị bệnh tâm thần. Họ cưỡng bức đưa bà vào một bệnh viện tâm thần. Mẹ tôi đã bị tiêm một loại thuốc không rõ tên. Lúc nào bà cũng cảm thấy choáng váng. Sau khi được thả, mẹ tôi đã không thể quản lý siêu thị được nữa. Dù mẹ đã trở về nhà, ngày nào tôi cũng lo lắng rằng cảnh sát sẽ lại xuất hiện và đưa bà đi nữa. Sự bất trắc và tra tấn tinh thần này thật khó mà chịu đựng nổi.

“Với việc đóng cửa siêu thị, chúng tôi mất đi nguồn thu nhập. Mẹ tôi phải đạp xe đi bán rau quả muối. Cha tôi thì rời nhà đi làm các việc lặt vặt. Cuộc sống thật khốn khổ. Tôi không bao giờ có thể quên được rằng vào những buổi sáng sớm mùa đông, mẹ tôi dậy trước lúc mặt trời mọc. Bà rửa từng cái lá rau trong nước lạnh cóng. Những ngón tay của bà tấy đỏ lên. Hai tay mẹ dần dần trở nên thô và đen. Tôi cảm thấy mình đã chưa giúp đỡ được mẹ tôi. Tôi không muốn tiếp tục đi học nữa. Học phí quá đắt. Tôi muốn đi bán rau cùng mẹ tôi. Mẹ tôi nói: “Không, con gái yêu của mẹ. Con vẫn còn ít tuổi. Con cần có tương lai của riêng con.”

“Vào cuối 3 năm học trung học phổ thông, tôi phải đối mặt với nhiều làn sóng áp lực. Chính quyền nhân cơ hội tuyển sinh đại học [để bức hại Pháp Luân Công thêm nữa] và liên tục yêu cầu các trường trung học kiểm tra lý lịch của học sinh và điền vào đơn. Tất cả các thí sinh dự thi đại học đều bị buộc phải trình báo xem có ai trong gia đình họ tập Pháp Luân Công hay không. Những học sinh có thân nhân tập Pháp Luân Công bị kỳ thị khi nộp đơn thi đại học. Để làm điều tốt nhất cho tôi, cha mẹ tôi đã quyết định ly dị bất chấp tình cảm giữa họ: Trên danh nghĩa, tôi sẽ được chăm sóc bởi cha tôi, do vậy tôi có thể điền vào đơn rằng không có ai trong gia đình tôi tập Pháp Luân Công. Khi biết được sự hy sinh của bố mẹ, tôi cảm thấy như trái tim mình bị cắt thành từng mảnh bởi một cây kéo sắc vậy. Tôi đã khóc suốt đêm hôm đó.

“Sau đó, tôi được nhận vào học Trường Nghệ thuật tỉnh Cát Lâm. Để tránh liên lụy tới gia đình, mẹ tôi đã đi làm những công việc lặt vặt và để giúp chi trả học phí cho tôi. Ngày 13 tháng 8 năm 2007, bà đã bị cảnh sát bắt vì phân phát những cuốn sách nhỏ nói về việc các học viên Pháp Luân Công như bà đã bị bức hại như thế nào từ năm 1999. Ngày 26 tháng 10, bà đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam.

“Sau khi mẹ tôi bị bắt, cảnh sát tới trường tôi để thẩm vấn và bắt ép. Sự sách nhiễu kéo dài của họ đã phá vỡ cuộc sống bình lặng của tôi. Thầy cô giáo, những người đã đối xử tốt với tôi bắt đầu xa lánh tôi; bạn học thì nhìn tôi với ánh mắt khác. Tôi đã bị cô lập. Các cán bộ chính trị trong trường nghệ thuật đã thay mặt cảnh sát bắt ép tôi đứng về phía đối lập với mẹ tôi, trong khi cảnh sát bắt đầu xuất hiện tại nhà tôi để tùy tiện lục soát. Một lần nữa, họ lấy đi tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà tôi. Tôi đã ngồi khóc nhiều ngày trong góc phòng vì nhớ mẹ.

“Một năm sau khi tốt nghiệp, tôi bị giám sát liên tục và bị theo dõi. Nỗi sợ hãi và áp lực bất tận đã khiến tôi bị trầm cảm. Tôi tự nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với bất cứ ai. Tôi không muốn lại bị tổn thương khi giao tiếp với người khác, để rồi bị cô lập, sách nhiễu, và thẩm vấn. Cha tôi, những người bạn thân của ông và họ hàng đã gom vừa đủ số tiền học phí để gửi tôi sang Mỹ du học theo diện tự túc. Giờ đây tôi đang ở tại đất nước này, nơi tự do tín ngưỡng được bảo vệ. Nhưng tôi vẫn không thể không nghĩ về mẹ, người vẫn còn ở trong tù ở Trung Quốc chỉ đơn giản vì bà tin vào Pháp Luân Công, và cha tôi, người đang sống một mình, với việc kinh doanh bị phá hỏng chỉ vì sự đồng cảm của ông với tín ngưỡng của mẹ tôi.”

Hạng Chân

(Theo The Epoch Times)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc