Home » Chia sẻ » Những khúc quanh cay đắng
trai-long-cm

"Tôi đã không giữ được cho con một gia đình"

PN – 18 tuổi, tương lai tôi đảo ngược vì cha mẹ làm ăn phá sản. Từ một gia đình nổi tiếng ở Bạc Liêu với tiệm bánh Hương Sen, cha mẹ tôi trắng tay với món nợ hàng trăm triệu ở thời điểm năm 1988.

Tôi không bao giờ quên cảnh ngân hàng đến nhà kê biên toàn bộ tài sản. Nhìn họ niêm phong từng cái chén ăn cơm, tôi chỉ có một suy nghĩ: “Bằng mọi giá, tôi phải thoát khỏi cuộc sống này”.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, có thể chính biến cố ấy của gia đình đã mở một cánh cửa cho tôi bước chân vào con đường nghệ thuật. Cha lên TP.HCM để tìm người giúp đỡ, tôi nằng nặc xin đi theo, hy vọng tìm được một ngã rẽ khác cho bản thân, để cha mẹ đỡ bớt gánh nặng. Mê làm diễn viên (DV), đọc báo thấy Trường Điện ảnh TP.HCM tuyển sinh hệ B, tôi đăng ký học mà không cần suy nghĩ. Nhưng, con đường bước vào nghệ thuật của tôi cũng đầy những khúc quanh.

Chưa được một năm, lớp DV giải thể, tôi lại long đong. Trúng tuyển hệ A vào Khoa DV khóa 14, Trường Nghệ thuật sân khấu 2 năm 1990 (nay là Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM), tôi như người sắp chết đuối giữa biển gặp được tàu cứu hộ. Tôi được ở ký túc xá (KTX), được học bổng mỗi tháng gần 30.000đ, được học để trở thành DV – một công việc tôi hằng mơ ước… tôi ngỡ mình đang ở cửa thiên đường. Nhưng, cuộc sống tự lập ở Sài Gòn không đơn giản. Để tồn tại, tôi phải chạy sô khắp nơi, từ đóng vai quần chúng đến đi hát tụ điểm… Vì chạy sô quá nhiều, tôi bị tụt xuống hệ B, phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc đóng học phí khoảng 400.000đ/học kỳ hoặc phải nghỉ học. Chạy sô không kịp thở, tôi cũng chỉ kiếm đủ cho sinh hoạt phí hàng ngày, 400.000đ học phí/học kỳ khi đó là khoản tiền khổng lồ mà tôi không bao giờ có.

Bạn bè thấy tôi lúc nào cũng cười, cũng tỉnh rụi nên nghĩ tôi là đứa vô lo, không ai biết mỗi đêm tôi vẫn khóc một mình vì thấy tương lai sao quá mờ mịt. Bị đuổi học thì ở đâu, làm sao sống được ở đất Sài Gòn? Quay về quê thì không thể, vì cha mẹ đã quá khổ, mà học tiếp thì… tiền đâu ra. Đến bây giờ, nhiều đêm ngủ, tôi còn mơ thấy cảnh chạy trốn và giật mình thon thót trong sợ hãi khi ban quản lý KTX kiểm tra khu nội trú. Bị đuổi học, tôi phải ở KTX “lụi”. May nhờ có một người trong BQL KTX thương tình làm ngơ, “báo động” cho tôi biết để trốn khi có kiểm tra. Có lẽ không ai tin, tôi đã nhiều lần phải đi bán máu, lấy tiền mua mì gói để dành ăn cầm cự và đi học… “lụi”. Tôi cũng không được thi tốt nghiệp dù miệt mài đủ ba năm học ở trường như các bạn cùng khóa.

Cánh cửa tương lai chỉ thực sự mở ra khi tôi được anh Phước Sang gọi đi tấu hài và tham gia một số phim video “mì ăn liền”. Cuộc sống ổn định hơn, dần dần tôi giúp cha mẹ trả được hết nợ và đưa các em lên thành phố, chu toàn lo cho tương lai các em.

Tôi may mắn có được chút tiếng tăm trong nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định, dễ thở hơn và đến khi sinh cu Bom thì tôi đã hoàn toàn mãn nguyện với những gì mình đang có. Không ngờ, con đường tôi đi lại gặp phải một khúc quanh khác. Tôi suy sụp hoàn toàn sau khi chia tay với Thái Hòa. Nhà chưa bán được nên chúng tôi vẫn chung sống, dù đã ly hôn. Nhìn chúng tôi đi về cùng nhau sau những đêm diễn, không ít lời bàn tán, xì xầm cho là chúng tôi đang tạo xì căng đan. Sự đau đớn, dằn vặt khi cùng sống chung trong ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm nhưng “hồn ai nấy giữ”, việc ai nấy lo, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu.

trai-long

Cát Phượng trong hình ảnh cô bé Nương trên sân khấu kịch Cánh đồng bất tận

Tôi tưởng như không gượng dậy nổi sau khi bán nhà. Khi đó, ngay cả nghề diễn, cái nghiệp được xem như máu thịt của tôi, tôi cũng lơ là. Tôi chạy trốn thực tế bằng cách đi lưu diễn ở Mỹ, nhưng cũng không khá hơn. Suốt một năm sau đó, tôi chỉ biết khóc và… khóc. Bác sĩ cảnh báo, nếu tôi tiếp tục bi lụy như vậy, não sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đến lúc đó tôi mới sực tỉnh: “Không lẽ mình cứ sống trong dằn vặt đau khổ suốt đời? Mình còn cu Bom, còn trách nhiệm phải nuôi dạy con nên người”. Tôi “hồi sinh” từng ngày, ý thức hơn với việc chăm sóc bản thân. Tôi về Việt Nam, nhận sô, trở lại với sàn diễn và phim truyền hình.

Hơn bốn năm sau ngày ly hôn, tôi đã lấy lại được thăng bằng và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Những lúc rảnh, tôi chở con đi chơi, đi ăn uống. Bận làm phim, tôi cho cu Bom theo chạy sô với mẹ ở các sân khấu tấu hài, để mẹ con có nhiều thời gian gần nhau. Hạnh phúc của tôi chỉ giản dị vậy thôi. Tôi đã khóc và nghe lòng mình như có ai xát muối khi một lần Bom khóc, thỏ thẻ: “Con buồn vì con không có ba”. Tôi có lỗi với con thật nhiều vì đã không giữ được cho con một gia đình, nhưng có lẽ đó là số phận.

Tôi là một phụ nữ, vẫn khát khao yêu đương. Tôi có thể yêu hết lòng, sống hết lòng vì người mình yêu và sẵn sàng chăm sóc chu đáo cho người yêu như một người vợ thật sự. Nhưng, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ kết hôn lần nữa và cũng không bao giờ sinh con lần nữa. Tôi muốn dành trọn tình thương của mình cho cu Bom, đứa con đã phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nghệ sĩ Cát Phượng

Theo Phunuonline


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc