Home » Thế giới » Bí mật cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ-Nhật

Bí mật cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ-Nhật

Quân đội Mỹ và Nhật Bản đang tiến hành một cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay gần Eo biển Miyako. Đây là một trong những điểm nóng hàng hải nhạy cảm nhất của thế giới và cũng là cửa ngõ để Hải quân Trung Quốc đi ra bên ngoài. Cuộc tập trận chung này đã cho thấy Tokyo bắt đầu nhận thức được thực tế là sườn phía Nam của nước này về cơ bản chưa được bảo vệ và khả năng xảy ra các vụ đụng độ ở đây là rất lớn.

Nhật Bản tăng cường bảo vệ sườn phía Nam

Các Lực lượng Vũ trang Nhật Bản đang tập trận chung với Mỹ tại một căn cứ ở Kyushu với kịch bản giả định là giành lại một trong những hòn đảo nhỏ của Nhật Bản ở biển Hoa Đông từ tay “kẻ thù”. “Kẻ thù” này đã chiếm đảo và lắp đặt ở đó một loạt tên lửa chống tàu. Tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản là Hạm đội Thứ 7 của Mỹ, trong đó có tàu sân bay khổng lồ USS George Washington.

Nhìn vào bản đồ có thể giúp chúng ta giải thích được tầm quan trọng của cuộc tập trận giành lại đảo nói trên của Nhật Bản. Trải dài trên diện tích hơn 1.600km từ mũi phía nam của Kyushu đi qua toàn bộ đảo Okinawa và gần chạm tới Vùng lãnh thổ Đài Loan là một dãy gồm các đảo của Nhật Bản trừ một nhóm đảo đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc. Đó là nhóm đảo Senkaku gọi theo tiếng Nhật Bản hay còn gọi là Điếu Ngư theo tiếng Trung Quốc.

Có một khoảng trống rất quan trọng trong dãy đảo nói trên, nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản. Khoảng trống này đủ rộng để tạo thành một con đường biển cho các tàu thuyền đi qua dãy đảo. Và đây cũng chính là cửa ngõ chính để Hải quân Trung Quốc đi ra vùng biển quốc tế. Người ta gọi con đường biển này Eo biển Miyako.

Eo biển Miyako đang trở thành một trong những điểm nóng hàng hải nhạy cảm nhất thế giới cùng với Eo biển Malacca, Eo biển Hormuz và Eo biển Đài Loan. Eo biển Miyako thậm chí còn nhạy cảm hơn Eo biển Đài Loan bởi Mỹ và Hải quân các nước khác thường tránh đi qua nó trừ phi họ muốn cố tình gây ra một hành động khiêu khích.

Ảnh minh họa

Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật có sự tham dự của 44.000 binh lính, 400 máy ba, 60 tàu chiến, trong đó có tàu sân bay khổng lồ USS George Washington của Mỹ.

Mặt khác, Eo biển Miyako và những vùng lãnh hải xung quanh nó còn là nơi mà Hải quân Mỹ, Nhật va chạm với Hải quân Trung Quốc. Thỉnh thoảng, giữa hải quân những nước này còn xảy ra các cuộc đụng độ. Hồi tháng 4, một đội tàu nhỏ Trung Quốc đã đi qua Eo biển Miyako để ra khu vực biển quốc tế. Đội tàu này đã bị các tàu khu trục của Nhật Bản áp sát. Đáp trả lại, các trực thăng của Trung Quốc đã bay vè vè ngay trên tàu của Nhật Bản khiến Tokyo phải gửi văn bản chính thức phản đối Bắc Kinh về hành động quấy nhiễu tàu của họ.

Sau vụ đối đầu nhỏ trên, Tokyo dường như bắt đầu nhận thức ra một điều rằng, sườn phía nam của họ hầu như chưa được bảo vệ và rất dễ bị tấn công. Ngoài những pháo đài ở Okinawa được bảo vệ bởi các binh lính Mỹ thì hầu như không có đội quân nào của Nhật Bản được triển khai ở bất kỳ hòn đảo nào trong nhóm đảo xung quanh Eo biển Miyako. Hiện tại, chỉ có khoảng 2.000 lính phòng vệ Nhật Bản trên đảo Okinawa và một trạm radar không quân nhỏ ở trên đảo Miyako.

Thực tế này có thể đang thay đổi. Trong nhiều năm qua, hầu hết các lực lượng không quân và lục quân Nhật Bản được triển khai trên hòn đảo lớn Hokkaido ở phía bắc để đề phòng một cuộc xâm lược của Nga và để ủng hộ các chiến dịch của Mỹ nhằm chống lại Xô-viết ở vùng cận động. Khi mối đe dọa đó ngày càng mờ nhạt theo sự chấm dứt của cuộc Chiến tranh Lạnh, Toky đã chuyển dần quân ở nơi này sang khu vực phía tây và nam.

Hoạt động trên có thể đang được đẩy mạnh do Bắc Kinh đang ngày càng trở nên kiên quyết trong việc khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh hải xung quanh. Trong suốt mùa hè và mua thu vừa rồi, hầu như tuần nào Nhật Bản cũng có thông báo về một vài thay đổi trong cách bố trí các nguồn lực quân sự của nước này.

Nhật Bản đã mở rộng giới tuyến Khu vực phòng không (ADIZ) ra đến tận phía nam gần Đài Loan. Đây là khu vực mà máy bay muốn bay vào phải xác định danh tính trước. Tokyo còn đang cân nhắc khả năng triển khai các máy bay cảnh báo sớm E2-C từ Misawa ở phía bắc đến căn cứ không quân Naha trên đảo Okinawa nhằm tăng cường giám sát các hòn đỏa phía nam. Hải quân Nhật Bản gần đây cũng thông báo sẽ mở rộng lực lượng tàu ngầm lên con số 22 (hiện Nhật Bản đang có 16 tàu ngầm, chưa kể tàu huấn luyện).

Tokyo đang có kế hoạch thành lập một trạm giám sát hàng hải đặc biệt gồm khoảng 100-200 nhân viên ở trên đảo Yonaguni, khu vực cận tây của Nhật Bản, gần sát với Đài Loan. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn tính đến phương án tăng gấp đôi số binh lính trên đảo Okinawa khi nước này sửa lại kế hoạch quốc phòng vào cuối năm nay. “Bảo vệ những cứ điểm mạnh ở nhóm đảo Sakishima (những hòn đảo nằm ở khu vực cận nam thuộc dãy đảo Ryukyu) là rất quan trọng,” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshima Kitazawa đã nói như vậy.

Mỹ sát cánh với Nhật Bản

Mỹ cũng không phớt lờ mối đe dọa của Trung Quốc ở khu vực biển gần Nhật Bản. Điều đó được thể hiện qua một loạt động thái của Washington. Hồi tháng 7, 3 tàu ngầm lớp Ohio được trang bị tên lửa đạn đạo của Mỹ đã đồng thời xuất hiện ở Busan, Hàn Quốc; Vịnh Subic ở Philippine và Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.

Tháng 9, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Hawaii đã đến Yokosuka gần thủ đô Tokyo. Đây là căn cứ của Hạm đội Số 7 của Mỹ. Động thái này của Washington được cho là để củng cố lực lượng Hải quân của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á. Tàu Hawaii là một trong những tàu ngầm tấn công mới được thiết kế để hoạt động ở những khu vực biển nông gần bờ. Rõ ràng tàu USS Hawaii thích hợp để bảo vệ dãy đảo phía nam của Nhật Bản.

Liệu có khả năng Trung Quốc chiếm giữ bất kỳ hòn đảo nào của Nhật Bản hay không? Hiện tại, Trung Quốc chỉ đòi chủ quyền đối với nhòm đảo Điếu Ngư. Đây là nguồn gốc chính gây ra những cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo và lần gần đây nhất là vào tháng 9 vừa rồi. Trên thực tế, việc Trung Quốc chiếm đóng được nhiều hòn đảo nằm trong dãy đảo Sakishima ở phía nam Nhật Bản rất có lợi. Chúng có ích trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh với Vùng lãnh thổ Đài Loan bởi nó sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc hoạt động linh động dọc bờ biển phía đông Đài Loan. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh này có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra.

Ảnh minh họa

Một màn diễn tập của binh lính Mỹ và Nhật Bản.

Bất chấp thực tế trên thì khả năng xảy ra rắc rối giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực đảo trên vẫn còn nhiều bởi vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã được các phần tử theo đường lối cứng rắn ở hai bên khai thác, lợi dụng.

Bất kỳ cuộc đối đầu mới nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ dẫn đến sự tham gia của Mỹ. Theo điều 5 của Hiệp ước an ninh chung, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ “các vùng lãnh thổ nằm dưới quyền quản lý của Nhật Bản”. Điều này áp dụng với cả các hòn đảo của Nhật Bản mặc dù không rõ nhóm đảo Điếu Ngư có nằm trong các đảo được Mỹ bảo vệ hay không.

Ngoại trưởng Seiji Maehara trước đó từng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói với ông là Washington sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ nhóm đảo Senkaku trước Trung Quốc.


Kiệt Linh – (tổng hợp)

Theo maivoo

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc