Home » Thế giới » Thông điệp đằng sau cuộc tập trận Mỹ-Nhật


Thông điệp đằng sau cuộc tập trận Mỹ-Nhật

Một màn diễn tập trong cuộc tập trận Mỹ-Nhật mới nhất.

Nhật Bản và Mỹ vừa hoàn thành cuộc tập trận quân sự chung hàng năm lớn nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, thời điểm, quy mô và mục tiêu được tuyên bố của cuộc tập trận mang tên “Thanh Gươm Sắc bén” này không chỉ gây ra sự tức giận mà còn khiến các nước láng giềng của Nhật Bản và các nhà quan sát quốc tế cảm thấy rất bối rối. Họ cho rằng, đây là lúc nên dành ưu tiên cho lời nói chứ không phải hành động.

Phía Nhật Bản tham gia cuộc tập trận “Thanh Gươm Sắc bén” có 34.000 binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), 40 tàu chiến và 250 máy bay. Trong khi đó, Mỹ đóng góp hơn 10.000 binh lính, 20 tàu chiến và 150 máy bay. Đặc biệt, trong cuộc tập trận này, Mỹ đã huy động cả tàu sân bay hạt nhân khổng lồ USS George Washington trong khi Nhật triển khai một loạt tàu chiến đấu được trang bị hệ thống Aegis thế hệ mới.

Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật bao gồm các màn diễn tập chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo ở các hòn đảo Thái Bình Dương, củng cố an ninh căn cứ, bắn đạn thật, tìm kiếm, cứu hộ và phòng vệ hàng hải.

Tuy nhiên, mục đích chính của cuộc tập trận là tập trung vào khả năng chống trả một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo có thể xảy ra bằng các vũ khí như tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 được lắp đặt trên tàu khu trục Aegis của Mỹ và Nhật Bản, và tên lửa đất đối không Patriot Advanced Capability-3 được lắp đặt tại các căn cứ trải dài từ Hokkaido đến Okinawa.

Có thông điệp ngầm đằng sau cuộc tập trận Mỹ-Nhật?

Có lẽ do quy mô của cuộc tập trận, hoặc là thời điểm diễn ra cuộc tập trận (ngay sau cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn), hay cũng có thể là do phát biểu nhầm lẫn gần đây của một phát ngôn viên hàng đầu chính phủ ởTokyokhi gọi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là “công cụ chiến tranh”, hoặc chính xác hơn là do tổng hòa của các yếu tố trên nên cuộc tập trận Mỹ-Nhật vừa rồi thực sự không đơn giản chỉ là một cuộc tập trận định kỳ. Nhiều người cho rằng, có “âm mưu” khác đằng sau cuộc tập trận lần này.

Ảnh minh họa

Tàu USS George Washington của Mỹ tham gia cuộc tập trận với Nhật Bản.

Rõ ràng, cuộc tập trận Mỹ-Nhật diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm khi hai miền Triều Tiên vừa xảy ra một cuộc đấu pháo ác liệt nhất trong nhiều thập kỷ và Mỹ, Hàn Quốc vừa hoàn thành một cuộc tập trận răn đe Triều Tiên. Một điểm đáng chú ý nữa là Hàn Quốc cũng tham gia cuộc tập trận “Thanh Gươm Sắc bén” của Mỹ và Nhật Bản nhưng với tư cách là quan sát viên. Với một loạt những yếu tố này, nhiều nhà phân tích tin rằng, cuộc tập trận Mỹ-Nhật là một nỗ lực của Tokyo nhằm thể hiện cho các nước láng giềng thấy sự đoàn kết của 3 nước Mỹ-Nhật-Hàn trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang leo thang. Thông điệp này Tokyo muốn gửi đến không chỉ cho riêng mình Bình Nhưỡng mà còn cho cả Bắc Kinh và Moscow. Cả 3 nước này đều có quan hệ không được êm thấm với Tokyo.

Một bằng chứng làm rõ thêm cho thông điệp mà Nhật Bản muốn nhắn gửi nói trên, đó là cuộc họp giữa Ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ở Washington đúng thời điểm diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Nhật. Bắc Kinh và Moscow không được mời đến cuộc họp này. Điều đó cho thấy, Washington, Tokyo và Seoul quyết tâm đứng cùng trên một mặt trận thống nhất. Các nhà phân tích tin rằng, động thái này có thể làm leo thang căng thẳng thay vì làm dịu đi tình hình.

Mỹ, Nhật nói gì?

Nhật Bản đã trở nên cảnh giác cao độ kể từ sau khi xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên. Thủ tướng Naoto Kan đã chỉ đạo các bộ trưởng ở lại thủ đô Tokyo trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Hàn ở biển Hoàng Hải. Chắc chắn, những diễn biến vừa rồi trên bán đảo Triều Tiên đã khiến Tokyo lo ngại và cảm thấy bất an. Nhật Bản đã từng có 2 thành phố bị tàn phá khủng khiếp bởi bom nguyên tử nên việc họ lo lắng vì tình hình trên bán đảo Triều Tiên là không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, an ninh của Nhật Bản lại phụ thuộc lớn vào Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp những lời đồn đoán, các quan chức Nhật Bản và Mỹ đều công khai khẳng định, không có động cơ ngầm nào hay thông điệp ngầm nào đằng sau cuộc tập trận vừa rồi của họ.

Ảnh minh họa

Binh lính Mỹ, Nhật tham gia cuộc tập trận.

“Cuộc tập trận Thanh Gươm Sắc bén là để tăng cường và củng cố mối quan hệ song phương, từ đó thúc đẩy hơn nữa liên minh Mỹ-Nhật. Mục đích của chúng tôi là tạo ra một môi trường rèn luyện thực tế cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng Mỹ có khả năng phản ứng tốt trong một loạt tình huống. Cuộc tập trận đó không nhằm vào bất kỳ nước nào,” Tướng William Vause, một quan chức Mỹ phụ trách cuộc tập trận vừa rồi, cho biết.

Trong khi đó, ông Koichi Ishikawa, một nhà bình luận chính trị và cũng là một nhà nghiên cứu ở Tokyo, cho biết: “Có vẻ như tất cả mọi người đều bỏ qua thực tế là Nhật Bản tổ chức những cuộc tập trận như thế này hàng năm bởi giờ đây họ đang bị tập trung quá nhiều vào tình hình bán đảo Triều Tiên”.

Dù thực tế thế nào thì rõ ràng tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay đang tạo điều kiện cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thắt chặt quan hệ. Họ cũng có thêm lý do để quyết tâm thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.


Kiệt Linh – (tổng hợp)

Theo tin247


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc