Home » Khám Phá » Trở về tuổi thơ để quên đi nỗi sợ
Từ vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã thông báo về việc có thể phát triển các liệu pháp giúp con người quên một cách “có chọn lọc” các ký ức sợ hãi. Và tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực này là đưa não bộ tạm thời trở về trạng thái như thời thơ ấu để xóa vĩnh viễn những ý nghĩ ám ảnh.

Sống trong sợ hãi

Ký ức, kinh nghiệm trong quá khứ là bài học quý giá, giúp chúng ta tránh được sai lầm trong tương lai để phát triển. Thế nhưng, ký ức cũng có mặt trái của nó. Những ký ức sợ hãi có thể khiến nhiều người suy sụp không thể phục hồi hoặc rơi vào trạng thái tự kỷ ám thị một cách tiêu cực. Hậu quả sẽ đặc biệt nặng nề ở những người lính từng trải qua chiến tranh, nạn nhân của tội ác, bạo hành gia đình hoặc thiên tai, tai nạn. Vì thế từ lâu, các nhà khoa học đã nghĩ đến việc giúp con người xóa đi những ám ảnh buồn đau, chỉ giữ lại những kỷ niệm vui vẻ, ngọt ngào và những kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống.

Trở về tuổi thơ để quên đi nỗi sợ hãi

Trở về tuổi thơ để quên đi nỗi sợ hãi


Đa số các kỹ thuật xóa ký ức hiện tại dựa vào một liệu pháp hành vi mang tên “dập tắt”. Với liệu pháp này, các chuyên gia sẽ liên tục tạo ra các dấu hiệu đe dọa trong một môi trường bình yên với hy vọng dần dần xóa đi nỗi sợ kèm theo.

Trên thực tế, các triệu chứng sợ hãi có thể giảm nhẹ, nhưng các ký ức nguyên thủy gắn với nỗi sợ thì vẫn còn nguyên vẹn và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nói cách khác, bệnh nhân có thể không còn sợ hãi, ám ảnh trong thời gian điều trị. Nhưng sau đó, nếu gặp các tác nhân, hoàn cảnh kích thích, họ sẽ quay về trạng thái cũ.

Trở về tuổi thơ

Bước đột phá trên con đường tìm kiếm một liệu pháp chặn đứng nỗi sợ đã đến khi các nhà khoa học nghiên cứu hiệu quả của liệu pháp “dập tắt” đối với não của những con chuột non. Họ bất ngờ nhận thấy, ở những động vật này, liệu pháp vốn không thành công tuyệt đối ở người lại có thể xóa bỏ hoàn toàn và triệt để mọi ám ảnh sợ hãi.

Khả năng này mất đi đồng thời với sự hình thành của PNN, một cấu trúc glycoprotein có tổ chức chặt chẽ, bao quanh hạch hạnh nhân (amygdala), khu vực xử lý cảm giác sợ hãi ở não.

Điều đó cho thấy, PNN có thể có vai trò bảo vệ các ký ức sợ hãi, giúp chúng không bị xóa hoàn toàn khỏi não người lớn. Từ giả thuyết này, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu thần kinh Magendie (Pháp) cho rằng, nếu phá hủy PNN, người ta có thể đưa não về trạng thái như trẻ thơ và nhổ bỏ tận gốc rễ sự sợ hãi.

Họ đã thử nghiệm với một số chuột non và chuột sắp đến tuổi trưởng thành. Kết quả là khi không còn PNN, những con chuột lớn được điều trị bằng liệu pháp “dập tắt” đã thoát khỏi ám ảnh sợ hãi. Chúng không hề nhớ lại những ký ức đáng sợ trước kia, cho dù được đặt vào những hoàn cảnh kích thích.

Vì PNN có thể phục hồi nên theo các chuyên gia, việc tạm thời phá hủy cấu trúc này để xóa vĩnh viễn ký ức sợ hãi không hề ảnh hưởng đến các hoạt động khác của não. Đối với những người hoạt động trong các môi trường có nguy cơ cao, như quân nhân, nhân viên cứu hộ… việc tiêm một enzym để làm PNN suy thoái trước khi họ phải đối mặt với các tình huống nguy hiểm sẽ giống như việc tiêm một liều văcxin phòng ngừa.

Nó sẽ giúp việc áp dụng liệu pháp “dập tắt” sau này có hiệu quả hơn. Còn đối với những người đã mang những ám ảnh sợ hãi, có thể tìm cách loại bỏ các thụ cảm quan AMPA khỏi các nơron ở hạch hạnh nhân vì đây là thành phần mấu chốt giúp xóa ký ức sợ hãi ở não trẻ nhỏ. Các biện pháp này có thể giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), đang ngày càng tăng trong một thế giới đầy bất ổn.

Thu Thủy

Theo bee

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc