Home » Thế giới » Đằng sau cuộc đàm phán quân sự Liên Triều
Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ tái triển khai quân tại châu Á nếu Bắc Kinh không “chế ngự” đồng minh Bình Nhưỡng. Sức ép sau đó dồn lên hai miền Triều Tiên, dẫn đến việc đôi bên thoả thuận sẽ đàm phán quân sự.


Quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận khi căng thẳng dâng cao. Ảnh: AFP
Quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận khi căng thẳng dâng cao. Ảnh: AFP

Theo tiết lộ của New York Times hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng, nếu Bắc Kinh không gia tăng sức ép với Triều Tiên để ngăn chặn các hành động khiêu khích, Washington sẽ cho tái triển khai lực lượng quân sự tại châu Á nhằm tự bảo vệ trước nguy cơ Bình Nhưỡng có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Ông Obama lần đầu đưa ra cảnh báo nói trên trong một cuộc điện đàm với ông Hồ Cẩm Đào hồi tháng trước, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang được đẩy đến bên bờ vực chiến tranh. Sau đó tại bữa ăn tối riêng ở Nhà Trắng hôm thứ ba vừa qua chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Mỹ, Tổng thống Obama một lần nữa nhắc lại cảnh báo quân sự này.

Trong khi đó, giới chức Mỹ thời gian gần đây cũng liên tục công khai bày tỏ mối lo ngại về mối đe doạ từ Triều Tiên. Gần đây nhất là việc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cảnh báo hồi tuần trước rằng, Bình Nhưỡng đang trở thành nguy cơ trực tiếp đối với nước Mỹ và có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa trong vòng 5 năm tới.

Cảnh báo về triển khai quân của Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ thuyết phục được Trung Quốc, nước đồng minh quan trọng nhất về kinh tế và ngoại giao của Triều Tiên. Bắc Kinh bằng những kênh khác nhau đã có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng và thái độ này góp phần quan trọng mở ra cánh cửa cho việc nối lại đàm phán Liên Triều.

Tình hình bán đảo Triều Tiên do vậy đang ở đỉnh điểm căng thẳng sau vụ nã pháo đảo Yeonpyeong hôm 23/11 đã đột ngột giảm nhiệt trong những ngày đầu năm 2011. Bình Nhưỡng đưa ra đề nghị đàm phán trước với miền nam nhưng bị từ chối. Tới hôm nay, Seoul mới đồng ý đàm phán quân sự cấp cao với miền bắc trong khi chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ đang diễn ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Yong-chun gửi một lá thư cho người đồng cấp miền nam Kim Kwan-jin đề xuất đàm phán quân sự vào đầu tháng tới để hai bên giảm căng thẳng và “bày tỏ ý kiến” về các vụ căng thẳng. Đây là bước đột phá trong cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, dọn đường cho việc nối lại vòng đàm phán Liên Triều đổi viện trợ lấy giải trừ vũ khí, bị đình trệ từ năm 2009.

Trong khi đó, tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cùng bày tỏ mối lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Washington và Bắc Kinh nhấn mạnh đối thoại Liên Triều là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán sáu bên về hạt nhân, với sự tham gia của hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật.

Ngay sau “ý kiến” của thượng đỉnh Mỹ – Trung tại Washington, Hàn Quốc lập tức đồng ý “nói chuyện” với miền bắc, trước hết về quân sự, điều mà họ vẫn khước từ trong thời gian trước kể từ sau vụ chiến hạm Cheonan bị đánh chìm làm chết hơn 40 thuỷ thủ miền nam, tháng 3/2009.

Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Seoul, trong khi Trung Quốc là nước có ảnh hưởng đặc biệt với Bình Nhưỡng, nên hai cường quốc này đóng vai trò mang tính quyết định đối với tình hình bán đảo Triều Tiên. Mỹ từng nhiều lần gây sức ép để Trung Quốc tác động tới Bình Nhưỡng để ngăn chặn các hành động khiêu khích.

Tuy nhiên, ngoài việc lần đầu tiên cùng Mỹ công khai bày tỏ mối lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn không lên án Triều Tiên về vụ chiến hạm Cheonan hay vụ nã pháo đảo Yeonpyeong, đồng thời cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh có ý định trừng phạt Bình Nhưỡng.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc