Home » Thế giới » Liệu có đổ vỡ dây chuyền tại Trung Đông?
Tiếp theo cuộc biểu tình gây chấn động tại Tunisia, hoạt động tương tự cũng xảy ra ở hàng loạt nước trong khu vực, đặc biệt là Ai Cập. Tuy nhiên do bối cảnh chính trị đặc thù nên khó xảy ra hiệu ứng domino tại Trung Đông.

Đầu tháng này, người Tunisia xuống đường rầm rộ buộc Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải tháo chạy ra nước ngoài, sau 25 năm cầm quyền liên tục. Sự kiện này đánh dấu cuộc biểu tình đầu tiên dẫn đến thay đổi chính quyền tại một nước thuộc khối Ảrập trong lịch sử hiện đại.

Giới phân tích nhận định sự thay đổi chóng vánh tại Tunisia là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng đối với các chính phủ có lãnh đạo cầm quyền trong thời gian dài ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Quan điểm này nhanh chóng được hiện thực hoá bằng nhiều cuộc biểu tình sau sự kiện Tunisia.

ũe bọc thép vẫn hiện hữu trên đường phố Tunisia sau biến cố. Ảnh: AFP
Xe bọc thép vẫn hiện hữu trên đường phố Tunisia sau biến cố. Ảnh: AFP

Hiệu ứng Tunisia

Tại Ai Cập, nước được cho là có nhiều nét tương đồng với Tunisia về tình trạng kinh tế và nạn tham nhũng, người dân cũng đổ xuống đường phố Cairo từ ngày 25/1 trong cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 1977. BBC cho biết, những nhóm đối lập tại đây phất cả cờ Ai Cập lẫn Tunisia khi tuần hành và đòi Tổng thống Hosni Mubarak, 82 tuổi, phải từ chức. Có đổ máu trong hoạt động này khi 4 người thiệt mạng, gồm một cảnh sát.

Cuộc biểu tình tại Ai Cập vẫn đang tiếp diễn khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để trấn áp tại Cairo và bắt giữ khoảng 500 người. Chính phủ nước này đang thực thi các biện pháp cứng rắn khác như nghiêm cấm tụ tập đông người và chặn Internet để đối phó làn sóng biểu tình. Nhưng nhiều người vẫn xuống đường tuần hành và một số còn đốt phá toà nhà chính quyền ở Suez.

Tuy nhiên, giới phân tính đánh giá Ai Cập rất khó xảy ra kịch bản thay đổi chính quyền như ở Tunisia, nước có diện tích nhỏ hơn 8 lần. Các nghiệp đoàn thương mại tại Ai Cập cũng không mạnh bằng Tunisia và hệ thống an ninh do Tổng thống Mubarak kiểm soát thì trung thành và dày dạn kinh nghiệm đối phó với biểu tình hơn tại Tunisia.

Quốc gia nghèo nhất thế giới Ảrập là Yemen, nơi gần một nửa dân số chỉ kiếm được dưới 2 USD một ngày, cũng chứng kiến biểu tình trong vài ngày sau sự kiện Tunisia. Thanh niên và các nhóm đối lập đổ ra đường phố thủ đô Sanaa và thành phố miền nam Aden đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người cầm quyền trong suốt 32 năm qua, phải từ chức.

Để tháo ngòi làn sóng phản đối và nguy cơ bùng nổ kiểu Tunisia, Tổng thống Saleh hôm 23/1 vừa qua ra lệnh giảm một nửa thuế thu nhập và chỉ thị cho chính phủ phải tìm cách kiểm soát giá cả những mặt hàng thiết yếu. Ông cũng phủ nhận những cáo buộc cho rằng đang có kế hoạch chuyển giao quyền lực cho con trai là Ahmed.

Ngoài ra, chính phủ Yemen còn phóng thích 36 người biểu tình chống đối bị bắt. Đồng thời tổng thống tăng lương cho các nhân viên nhà nước và người làm việc trong lực lượng an ninh, một bước đi được đánh giá là để củng cố lòng trung thành của họ đối với chính phủ. Cảnh sát chống bạo động và binh sĩ cũng được triển khai tại những vị trí xung yếu nên tình hình đã giảm nhiệt.

Tại Jordan, hơn 5.000 người tham gia tuần hành hôm thứ sáu tuần trước để phản đối tình trạng giá cả leo thang và yêu cầu sa thải Thủ tướng Samir Rifai. Ngay sau đó, Quốc vương Abdullah II lệnh cho giảm giá và thuế đối với một số mặt hàng thực phẩm và xăng dầu, nhằm bớt gánh nặng cho người nghèo. Các cuộc biểu tình tại vương quốc này diễn ra tương đối hoà bình và không có ai bị bắt giữ.

Cùng thời điểm với làn sóng biểu tình ở Tunisia, nước láng giềng Bắc Phi của họ là Algeria cũng chứng kiến số lượng lớn thanh niên xuống đường, phản đối tình trạng giá cả lương thực leo thang. Nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ năm 1992 và cấm biểu tình tại thủ đô Algiers.

Dù thỉnh thoảng cũng xảy ra biểu tình nhưng đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra đồng thời trên khắp Algeria những tuần gần đây, bao gồm cả thủ đô Algiers. Tuy vậy biểu tình không phát triển và lan rộng như ở Tunisia nhờ sự can thiệp bình ổn giá kịp thời của chính phủ, cũng như việc lực lượng an ninh phản ứng có phần kiềm chế.

Ngoài ra tại Libya, nơi Đại tá Gadaffi đã cầm quyền suốt 41 năm qua, cũng xuất hiện những cuộc biểu tình hồi cuối tuần qua tại thành phố Al-Bayda, bất chấp việc hoạt động này bị nghiêm cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, Libya có dân số nhỏ hơn nhiều so với Tunisia và có kinh tế tốt hơn nhờ doanh thu khổng lồ từ nguồn dầu mỏ. Các cuộc biểu tình của nước này cũng diễn ra tương đối hoà bình.

Người biểu tình Ai Cập đốt phá ở Suez, phía đông Cairo, đòi tổng thống từ chức. Ảnh: AFP
Người biểu tình Ai Cập đốt phá ở Suez, phía đông Cairo, đòi tổng thống từ chức. Ảnh: AFP

Khó có đổ vỡ dây chuyền

Sự kiện Tunisia và kéo theo đó là hàng loạt cuộc biểu tình của người dân trong khu vực đã khiến các nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là hiệu ứng đổ vỡ kiểu domino lan sang các nước khác hay không. Nguyên nhân vì những bức xúc về kinh tế và chính trị dẫn đến dân chúng nổi dậy không chỉ có ở Tunisia mà còn đang âm ỉ ở một số nước trong vùng.

Nhận định này được củng cố bằng việc nhiều người công khai coi diễn biến ở Tunisia là “bài học” hay “hình mẫu” cho cả khu vực. Những thông điệp chúc mừng người Tunisia tràn ngập trên các trang mạng xã hội ở Trung Đông, trong đó xuất hiện phổ biến việc người dùng thay hình đại diện của mình trên các trang chia sẻ bằng cờ Tunisia để thể hiện quan điểm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định làn sóng đổ vỡ chính trị với tốc độ nhanh kiểu Đông Âu năm 1989 khó có thể xảy ra tại Trung Đông. Dù một số nước đang tiềm ẩn những chia rẽ chính trị như Tunisia và từng bộc lộ qua các cuộc biểu tình có bạo loạn như Ai Cập, Iran hay Syria, họ vẫn duy trì được một lực lượng an ninh hùng hậu, thi hành chính sách cứng rắn và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ bỏ nhiệm vụ quay sang ủng hộ người biểu tình.

Trong khi đó một số nước nhỏ hơn như Kuwait và Bahrain có lực lượng đối lập được tổ chức tốt, đồng thời chính quyền đang tạo cho công dân những lợi ích xã hội rộng lớn. Do đó người dân tại đây không sẵn sàng mạo hiểm với các cuộc biểu tình nổi dậy quy mô kiểu Tunisia.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc