Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Dân số Việt Nam: thực trạng và thách thức
Theo báo cáo Tình hình Dân số Thế giới 2010 của Liên Hiệp Quốc, dân số Việt Nam hiện là 89 triệu người và sẽ tăng lên 111,7 triệu người vào năm 2050. Việt Nam hiện đứng thứ 14 trong số những nước đông dân nhất thế giới.

[title]

Kẹt xe là hiện tượng thường thấy ở các thành phố lớn, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội (Bay Vút)

Mặc dù Việt Nam hiện có ưu thế về việc có đông người trong độ tuổi lao động, nhưng nước này cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như dân di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, mất cân bằng giới tính cũng như nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Thời kỳ đặc biệt: ‘Dân số vàng’

Việt Nam, nước có 58 triệu người trong độ tuổi lao động thực tế (từ 15 đến 64 tuổi), đang ở thời kỳ “dân số vàng”: bình quân hai người lao động nuôi một người phụ thuộc.

Trong bài phát biểu tại Hà Nội nhân ngày Dân số Thế giới 2010 bà Urmila Singh, Phó trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá: “Với sự thay đổi cơ cấu dân số, Việt Nam đang bước vào “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”. Trong thời kỳ này, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có hai người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi). Thời kỳ đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của bất kỳ một quốc gia nào”.

Rõ ràng Việt Nam đang có một cơ hội “vàng” khi sử dụng một lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010-2020.

Kế hoạch hóa gia đình là điều cấp thiết trong điều kiện nước nghèo, đất ít như Việt Nam. Sau nhiều năm đẩy mạnh chiến lược Kế hoạch hoá gia đình ‘mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con’, tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm mạnh và hiện ở mức sinh thấp 2,11 con/ người mẹ trong độ tuổi sinh đẻ (bằng với mức sinh thay thế).

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cũng có bước tiến rõ rệt khi tăng lên đến 73,1 tuổi và dự kiến đạt 75 tuổi vào năm 2020.

Ồ ạt ra thành thị

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất của Việt Nam là vào năm 2009 và được Tổng cục Thống kê công bố chính thức ngày 21 tháng 7 năm nay cho thấy bình quân mỗi năm dân số Việt Nam tăng 952.000 người.

Mặc dù dân thành thị hiện chiếm 30% tổng dân số ở Việt Nam nhưng lại đang tăng nhanh với tốc độ trung bình 3,4%/năm. Khu vực miền Đông Nam Bộ là nơi có mức đô thị hóa cao nhất. Nguyên nhân chính là do thị trường lao động mở rộng.

Mật độ dân số ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, có sự phân bố rất chênh lệch và mức gia tăng không đồng đều. Cụ thể khu vực đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc đông nhất trên cả nước (25 triệu người) trong khi vùng Tây nguyên chỉ hơn 5 triệu người. Một số tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa… tỉ lệ tăng dân số không đáng kể vì số người di cư vào các tỉnh thành phía Nam (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh) để làm ăn sinh sống. Ước tính trong năm năm 2004-2009 có tới 9,1 triệu người di cư.

Những thách thức

Bà Urmila Singh cho rằng: “Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Có sự khác biệt lớn trong các chỉ số phát triển giữa khu vực đồng bằng châu thổ và các khu vực miền núi”. Ví dụ như tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh nở ở các vùng sâu vùng xa và khu vực người dân tộc ít người còn cao hơn rất nhiều các vùng khác, gần gấp hai lần so với khu vực thành thị.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội về Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của VN cuối tháng 9-2010, ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), cũng cho biết tuy được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những nước thực hiện MDG thành công nhất nhưng Việt Nam vẫn cần giải quyết vấn đề liên quan tới mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh nở. Hiện tỷ lệ này ở mức 69/100.000. Việt Nam có 5-7 phụ nữ tử vong/ngày liên quan đến thai sản.

Đến nay Việt Nam vẫn là quốc gia “đất chật, người đông”, có quy mô dân số rất lớn, mật độ dân số rất cao (260 người trên 1km2, gần gấp đôi Trung Quốc). Tỉ lệ sinh đẻ ở nông thôn vẫn cao hơn thành thị, dẫn đến nguy cơ tỷ lệ sinh cao có thể tăng trở lại.

Một vấn đề lớn ở Việt Nam là chênh lệch giới tính khi sinh rất cao. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh đã tăng lên 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định rằng sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tác động lên cơ cấu giới tính dân số trong tương lai và chắc chắn dẫn tới hiện tượng thừa nam giới.

Việc di cư từ nông thôn ra thành thị một mặt thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nhưng mặt khác lại gây áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội , nhà ở, môi trường… ở các đô thị lớn. Tình trạng kẹt xe, ô nhiễm đã diễn ra ngày càng nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh (nơi đông dân nhất nước với trên 7,1 triệu người) hay Hà Nội (6,5 triệu người).

Mặc dù nguồn lao động hiện đang dồi dào và được gọi là ‘dân số vàng’ nhưng vấn đề này cũng tạo ra thách thức lớn về việc làm, an sinh xã hội cũng như tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Tổng số người thất nghiệp, thiếu việc làm thường xuyên và thu nhập thấp ở Việt Nam khoảng gần 10%. Dân số Việt Nam tăng nhưng chỉ số phát triển con người (HDI – tổng hợp từ các chỉ số về kinh tế, giáo dục và sức khoẻ) vẫn ở thứ hạng rất thấp so với thế giới (hạng 116).

‘Nâng cao chất lượng dân số’

Việt Nam đã có chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số – kế họach hóa gia đình với mục tiêu ‘Nâng cao chất lượng dân số’ cũng như dự thảo chiến lược Dân số và sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020. Chương trình này bao gồm nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khoẻ sinh sản; duy trì cơ cấu dân số; quy mô, mật độ dân số và mức sinh… Chiến lược này cũng ưu tiên quan tâm đến người nghèo, vùng sâu vùng xa ở Việt Nam lẫn vấn đề giáo dục cho trẻ em ở miền núi và nông thôn.

Bà Urmila Singh góp ý rằng Việt Nam cần phải tiếp tục củng cố hệ thống y tế và cải thiện các dịch vụ cấp cứu sản khoa và chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bà phát biểu Việt Nam cần “nâng cao năng lực và tay nghề cho các nữ hộ sinh, đồng thời thực hiện giáo dục về sinh đẻ an toàn.”

Bà Singh cũng nhận định Liên Hợp Quốc tin rằng Việt Nam “đang đi đúng hướng” trong nỗ lực kiềm chế xu hướng tăng tỷ lệ chênh lệch giới tính. Những biện pháp giảm chênh lệch tỉ số giới tính đã được triển khai ở mười địa phương tại Việt Nam từ cuối năm 2009. Nhưng đại diện Liên Hợp Quốc cũng đề nghị “cần chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao vị thế và tăng cường các quyền cho họ”.

Theo bayvut

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc