Home » Thế giới » Người nước ngoài rút khỏi Ai Cập
Các nước đưa công dân của họ ra khỏi Ai Cập hôm qua giữa lúc làn sóng biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak mỗi lúc một lên cao.


Người nước ngoài chờ trong nhà tạm bên ngoài sân bay ở Cairo để rời Ai Cập. Ảnh: AFP.
Người nước ngoài chờ trong nhà tạm bên ngoài sân bay ở Cairo để rời Ai Cập. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố nước này đưa một máy bay tới Cairo hôm nay để đưa những công dân muốn rời khỏi đó về nước. “Tôi sẽ điều thêm máy bay nếu cần thiết”, AFP dẫn lời ông phát biểu trước quốc hội Anh.

Hague cho biết thêm dù có đủ các chuyến bay thương mại giữa Ai Cập và Anh, ông muốn 2.000 công dân Anh hiện ở Ai Cập có đủ cơ hội được rời khỏi đó nếu họ muốn. Trong khi đó, các hãng du lịch Anh chào mời hàng loạt tour giảm giá tới các khu nghỉ mát tại Hồng Hải của Ai Cập.

Đức khuyến cáo công dân của họ không đến Ai Cập, kể cả các điểm du lịch vẫn khá yên bình tại Hồng Hải. Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố đề nghị người dân “không đến bất kỳ nơi nào tại Ai Cập bởi những diễn biến và tình hình bất ổn gần đây”.

Liên đoàn du lịch Đức công bố các hãng du lịch nước này hủy tour đến Ai Cập cho đến giữa tháng hai.

Bộ Ngoại giao Hy Lạp nói rằng họ đã đưa 155 công dân sơ tán khỏi thành phố Alexandria của Ai Cập bằng ba chuyến bay thuê.

Áo cũng bắt đầu đưa hàng trăm công dân di tản khỏi Ai Cập đêm qua. Algeria nói rằng họ sẽ có hai chuyến bay đón những công dân của họ muốn rời Ai Cập.

Trong khi đó, Mỹ yêu cầu tất cả các nhân viên ngoại giao không thiết yếu tại Ai Cập rời khỏi nước này.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak hôm qua cho biết ông sẽ không ra tái tranh cử vào tháng 9 tới nhưng từ chối từ chức ngay lập tức, như yêu cầu của người biểu tình.

Vị tổng thống 82 tuổi này nhấn mạnh ông không có ý định tại vị quá năm nay. “Tôi nói một cách thành thực và không phải vì tình hình hiện tại, tôi không có y định theo đuổi một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Tôi đã phục vụ Ai Cập và người dân đủ rồi. Tôi đã sống tại đất nước này, tham gia chiến tranh vì đất nước này và lịch sử sẽ phán xét tôi”, Mubarak nói.

Cuộc nổi dậy của người Ai Cập xảy ra sau sự kiện tương tự tại nước láng giềng Bắc Phi Tunisia trước đó, dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali sau 23 năm cầm quyền. Biến cố Tunisia bắt đầu từ sự bất mãn của người dân vì giá lương thực leo tháng, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng. Nhiều người Ai Cập cũng có mối bức xúc tương tự và họ xuống đường đòi Tổng thống Mubarak từ chức để bày tỏ thái độ.

Ai Cập có vị thế và ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với Tunisia, nên nếu kịch bản sụp đổ lặp lại tại nước này sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với khu vực và thế giới. Phương Tây và các nước trong khu vực Trung Đông đều có mối quan tâm đặc biệt đến tình hình Ai Cập vì có nhiều lợi ích liên quan đến nước này.

Ngọc Sơn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc