Hàng loạt chính phủ đang hối hả điều động máy bay, tàu phà vào Libya để sơ tán công dân. Những người nào chưa được chính phủ giúp thì đi ô tô hoặc thậm chí chân đất sang nước láng giềng lánh nạn.
Hai nhân viên thuộc Tổ chức Chữ thập đỏ đưa một công nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Benghazi lên tàu về nước hôm 23/2. Ảnh: AP. |
Lo ngại nội chiến sẽ bùng nổ tại Libya, nhiều nước như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Ảrập Xêút thuê tàu biển và máy bay tới quốc gia Bắc Phi để đưa công dân của họ tới nơi an toàn, AFP cho hay.
Hàng chục nghìn người nước ngoài chen chúc ở sân bay tại thành phố Tripoli, thủ đô Libya, với hy vọng sớm rời khỏi đây trong bối cảnh bạo lực ngày càng tăng. Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán 6.000 công dân của họ bằng máy bay, tàu biển và ô tô. Đây là một trong những chiến dịch sơ tán lớn nhất tại nước ngoài mà Istanbul từng thực hiện trong vài năm gần đây. Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu hôm qua thông báo rằng 21 nước yêu cầu Istanbul cho phép công dân của họ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng nghìn người nước ngoài tại Libya chạy sang Tunisia từ khi biểu tình bùng nổ hôm 15/2, Tổ chức Di cư Quốc tế thông báo.
Hơn 300 công nhân Nga và gia đình họ trở về thủ đô Matxcơva trên ba phi cơ chở khách.
“Họ đốt một đồn cảnh sát sát nhà chúng tôi. Nhiều tiếng súng vang lên trong đêm, trong đó có cả tiếng súng máy. Chúng tôi không dám ngủ trong nhiều đêm”, một phụ nữ kể trên đài truyền hình quốc gia Nga khi bước xuống sân bay.
Đối với nhiều nước châu Á, đưa công dân tại Libya về nước là một thách thức to lớn về mặt vận tải. Khoảng 150 nghìn công nhân châu Á đang mắc kẹt tại Libya, trong đó có 60 nghìn người Bangladesh, 30 nghìn người Philippines, 23 nghìn người Thái Lan, 18 nghìn người Ấn Độ, 3 nghìn người Nepal.
Việt Nam thông báo chính phủ đang theo dõi điều kiện sống của 10 nghìn công dân Việt tại Libya.
Trung Quốc đã đưa được khoảng một nửa trong số 30 nghìn công dân của họ bằng tàu biển từ Hy Lạp. Thậm chí Bắc Kinh còn điều động cả những tàu đánh cá, tàu chở hàng tại các vùng biển gần Libya tham gia nỗ lực sơ tán.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Seoul thuê một phi cơ chở khách của Ai Cập đưa khoảng 1.400 công dân của họ tại Libya sang Ai Cập.
Phó Tổng thống Philippines, ông Jejomar Binay, sẽ bay tới Trung Đông vào ngày mai để đánh giá kế hoạch di dân Philippines ra khỏi Libya.
Italy từng tiếp nhận dòng người tị nạn khổng lồ sau cuộc nổi dậy tại Tunisia. Giờ đây Ngoại trưởng Franco Frattini của Italy cảnh báo số người tháo chạy từ Libya sang nước này sẽ lớn hơn nhiều lần và yêu cầu EU có kế hoạch trợ giúp.
Minh Long
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!