Ngày 04/02/2011 vừa qua, website WikiLeaks đã chuyển cho nhật báo Anh Quốc Telegraph công điện mật của sứ quán Mỹ tại Luân Đôn gửi về Washington nói về việc Trung Quốc gây áp lực nhằm buộc tập đoàn dầu khí BP từ bỏ các dự án hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Bức điện mật của sứ quán Mỹ ghi ngày 23/04/2008 cho biết Bắc Kinh đã đe dọa có những hành động chống lại hoạt động của BP tại Trung Hoa lục địa nếu như tập đoàn không ngừng các dự án mới tại những nơi có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Theo bộ Ngoại giao Anh, thì trước mắt, BP chỉ muốn giới hạn vụ việc trong khuôn khổ các hoạt động thương mại, chưa muốn nhờ cậy đến sự can thiệp của chính quyền Luân Đôn.
Trong khi đó, một tập đoàn năng lượng khác của Anh Quốc là Premier Oil thì vẫn tiến hành các dự án tại những nơi tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Do không có các hoạt động ở Trung Hoa lục địa, tập đoàn Premierr Oil không cảm thấy có áp lực, buộc phải ngừng các dự án để đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc.
Một quan chức bộ Ngoại giao Anh cho biết là BP đã lấy lại nhiều dự án của tập đoàn ARCO đang hoạt động ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Chính quyền Trung Quốc đã nhắm mắt làm ngơ và không gây áp lực đòi dừng các dự án này. Do vậy, BP đã đi thêm một bước, phát triển các dự án mới ở những nơi mà Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp chủ quyền.
Vào mùa hè năm 2007, Trung Quốc bắt đầu gây áp lực đối với Anh Quốc và các công ty khác buộc họ phải dừng các hoạt động thăm dò khai thác tại vùng biển có tranh chấp. Theo bộ Ngoại giao Anh, thì Bắc Kinh không bầy tỏ quan ngại về những dự án đã tồn tại nhưng nói rõ rằng nếu BP thực hiện các dự án mới thì điều này sẽ gây tổn hại cho các kế hoạch của BP ở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Anh Quốc coi những đe dọa này là nghiêm trọng bởi vì BP là một trong những nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất ở Trung Quốc. Vào lúc đó, chính quyền Việt Nam nói rằng các dự án của BP trên đất liền Việt Nam có thể bị tổn hại nếu tập đoàn này lùi bước trước áp lực của Trung Quốc.
Vẫn theo bức điện mật của sứ quán Mỹ tại Luân Đôn, được WikiLeaks tiết lộ, thì cả chính phủ Trung Quốc lẫn Anh Quốc đều không nêu vấn đề này qua con đường ngoại giao, ví dụ như trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hồi tháng giêng 2008 của thủ tướng Brown hay trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 2/2008 của ngoại trưởng Anh. Thế những, đại diện chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh và Luân Đôn đã nêu thẳng chủ đề này với BP và Premier Oil.
BP đã không yêu cầu chính phủ Anh Quốc can thiệp. Để giữ thể diện, tập đoàn đã tìm cách giải quyết vấn đề qua con đường kinh tế, chẳng hạn như tìm kiếm các dự án mới hoặc những khu vực mới để thăm dò khai thác, tại vùng Biển Đông.
Theo đại diện bộ Ngoại giao Anh, thì từ mùa hè năm 2007 cho đến giữa 2008, tình hình không tiến triển và Luân Đôn cho biết là tập đoàn BP nghĩ rằng Trung Quốc có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi chấp nhận BP tiến hành các dự án mới thay vì hợp tác với một tập đoàn Ấn Độ. Bởi vì Bắc Kinh có ít ảnh hưởng đối với tập đoàn Ấn Độ này. Cũng có tin đồn là tập đoàn Ấn Độ nói trên đang thương thảo với Việt Nam.
Chỉ khi nào giải pháp nói trên không thành công thì BP mới nhờ cậy đến sự can thiệp của chính quyền Anh Quốc. Trong khi đó, Premier Oil thì có thể không cần đến sự hỗ trợ của chính quyền. Họ không có các dự án tại Trung Quốc mà chỉ có một số đầu tư tại Ấn Độ và Việt Nam.
Đức Tâm
Theo rfi
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!