Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » “Siêu mặt trăng” tác động thế nào tới động đất Nhật Bản?-
Ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam cho biết: Mặt Trăng quay quanh Trái Đất theo hình elip. Vì thế, có lúc Mặt Trăng ở rất xa Trái Đất (viễn điểm) có lúc lại ở rất gần Trái Đất (cận điểm). Trung bình, Mặt Trăng cách Trái Đất khoảng 384.000km. Ngày 19/3 này, nhiều khả năng Mặt Trăng sẽ cách Trái Đất là 356.578km.

Siêu mặt trăng xảy ra vào 19/3 tác động rất nhỏ tới động đất. Ảnh minh họa


“Siêu mặt trăng” không thể gây ra động đất, sóng thần

Ông Phường cho biết, lực hút của Mặt Trăng rất nhỏ nên không ảnh hưởng tới cấu trúc địa tầng của Trái Đất vì thế không thể gây ra động đất, sóng thần như đồn thổi. Hiện tượng này cũng không gắn với bất cứ yếu tố tâm linh nào, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới sức khoẻ. Điểm tác động duy nhất của hiện tượng này là có thể làm thủy triều thay đổi.

GS Nguyễn Đình Xuyên, Viện Vật lý Địa cầu cũng khẳng định tác động của “siêu mặt trăng” đối với hiện tượng động đất, sóng thần là không đáng kể. Ở những vùng phát sinh động đất, ứng suất (sức căng) trong vỏ Trái Đất đã ở cao đến mức tới hạn. Khi đó, chỉ cần có một tác động rất nhỏ vào, ứng suất sẽ vượt qua mức tới hạn và phát sinh động đất. Khi sức căng trở nên quá tải thì nó sẽ gãy, đó là bản chất hoạt động của các đới đứt gãy phát sinh động đất. Do đó, khi ấy, có thể “siêu mặt trăng” ít nhiều sẽ gây ra động đất.

Tuy nhiên, sự tác động này là cực nhỏ, nhất là với Việt Nam. Các đới đứt gãy ở Việt Nam đều ở mức trung bình thấp, tác động của “siêu mặt trăng” ít gây ra xáo trộn và gần như là không đáng kể vì thế việc phòng chống động đất vào ngày “siêu mặt trăng” ở Việt Nam là chưa cần thiết.

Mặt Trăng và Mặt Trời gây ra động đất Nhật Bản?

TTXVN ngày 13/3 dẫn cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga với Phó Giám đốc Viện địa lý thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, nhà khoa học Arkady Tishkov đưa ra một giả thuyết khác.

Theo đó, trận động đất tàn phá nhất trong lịch sử Nhật Bản cường độ 8,9 độ Richter ngày 11/3 có thể do vị trí của Mặt Trăng và các quá trình hoạt tính của Mặt Trời gây ra.

Ông Tishkov nói: “Có một lý thuyết cho rằng các chu kỳ hoạt động địa chấn của Trái Đất liên quan trực tiếp với hoạt tính của Mặt Trời. Mặt Trời tuôn ra các luồng proton ảnh hưởng đến hoạt động của Trái Đất.

Vấn đề thứ hai là hiện Mặt Trăng đang ở giai đoạn gần Trái Đất nhất. Điều này gây ảnh hưởng đối với Mặt Trời và có thể ảnh hưởng đến chế độ hoạt động của hải lưu. Và như vậy, Thái Bình Dương thay đổi chế độ mặc định của thủy triều, có thể ảnh hưởng đến chuỗi núi lửa, được gọi ’vành đai lửa’ của Thái Bình Dương.”

Theo nhà khoa học này, Mặt Trăng hiện nằm ở vị trí cách Trái Đất khoảng 350.000km. Đây là thời điểm quỹ đạo Mặt Trăng gần nhất trong thập kỷ qua. Đương nhiên, Mặt Trăng đang ở gần như vậy nhất định sẽ tác động mạnh lên thạch quyển của Trái Đất.

Còn Mặt Trời đang ở giai đoạn hoạt tính cao nhất trong vòng mấy năm qua và vừa qua có đợt phun trào mới gây ra cơn bão từ rất mạnh mà tất cả các cư dân của Trái Đất đều nhận thấy.

Ông Tishkov nói tiếp: “Mối quan hệ giữa các hiện tượng như vậy có thể không luôn nhất quán, nhưng vẫn tồn tại, được ghi nhận, và thường xuyên thể hiện. Chu kỳ địa chấn và hoạt tính của Mặt Trời có thể trùng với nhau, và trong tương lai gần, khoảng những năm 2011-2015 sẽ là chu kỳ núi lửa hoạt động cao nhất và địa chấn lớn nhất”.

Dù sao đây cũng chỉ là ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, chúng ta hãy cùng chờ xem

Tô Lan

Theo bee


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc