Home » Kinh doanh » Chóng mặt với lãi suất
Lãi suất cho vay đã vượt mức 20%/năm, cá biệt có nơi lên đến 23%/năm

Giám đốc một công ty chuyên về thủ công mỹ nghệ tại TPHCM cho biết công ty vừa vay ngân hàng (NH) với lãi suất hơn 20,2%/năm. “Với lãi suất này, chúng tôi chỉ đủ để “cầm cự chờ thời” chứ không thể làm ăn có lợi nhuận được” – ông bức xúc.

Lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng

Nghe nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh lãi suất vay vốn ngày càng cao, nhân có người bạn cũng là DN kinh doanh về máy nén khí, máy công nghiệp ở quận Phú Nhuận – TPHCM đang cần vay vốn nên chúng tôi xin “tháp tùng”.
Liên lạc với một NH thương mại cổ phần có chi nhánh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 hỏi về thủ tục vay 500 triệu đồng, nhân viên tín dụng ở đây cho biết sẵn sàng cho vay, thủ tục nhanh gọn với điều kiện có tài sản thế chấp ở TPHCM. Lãi vay là 23,2%/năm (ngắn hạn), còn lãi suất dài hạn lên tới 23,7%/năm… “Vay với lãi suất đó thì chỉ có đóng cửa công ty sớm chứ làm ăn gì được vì lợi nhuận không đủ trả lãi NH” – anh bạn bức xúc.

12-chot
Lãi suất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thúy

Theo khảo sát của chúng tôi, mức lãi suất trung bình mà nhiều DN đang phải vay để sản xuất, kinh doanh từ các NH phổ biến ở mức 20% – 21%/năm. Trong khi đó, thống kê của NH Nhà nước đến ngày 8-4, tình hình lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ từ 16%-18%/năm; lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu 14,5%/năm và lãi suất dành cho lĩnh vực phi sản xuất từ 18% – 22%/năm.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng với mức lãi suất trung bình 20% – 21%/năm cộng thêm các chi phí tiền lương, vận hành máy móc… DN phải đạt lợi nhuận hơn 40% mới thật sự có lời. Điều này là không tưởng trong tình hình khó khăn hiện nay. “Vay lãi suất cao đồng nghĩa với việc DN vay cũng chết mà không vay cũng chết! Nếu không vay thì không có vốn để sản xuất, còn nếu vay thì lợi nhuận không đủ trả lãi NH” – ông Minh nói.

Cần chính sách linh hoạt

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học NH TPHCM, cho rằng muốn hạ lãi suất cho vay cần nỗ lực thực hiện 6 giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ mà đầu tiên là phải giảm lạm phát. Chính các vấn đề về cung-cầu, thanh khoản của NH và lạm phát là nguyên nhân khiến lãi suất đầu ra tăng cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng toàn bộ vấn đề lãi suất đầu vào – đầu ra của chúng ta hiện nay đang “không bình thường” mà nguyên nhân xuất phát từ lãi suất đầu vào. “Lãi suất 14% đã là mức huy động cao vì đã gấp 3-5 lần trong khu vực Đông Nam Á. Lãi suất bất bình thường không chỉ vì CPI tăng cao mà còn do cuộc đua lãi suất của những NH mất thanh khoản khi khoản tín dụng bất động sản hơn 30% năm 2010 chưa được thu hồi” – TS Hiển phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Do thanh khoản yếu buộc các NH thương mại cổ phần quy mô nhỏ phải tăng huy động. Trong cuộc đua lãi suất huy động, chỉ cần nơi nào huy động cao, khách hàng sẵn sàng “ôm” tiền từ NH này chuyển sang NH khác. NH nhỏ “xé rào” buộc NH lớn không thể đứng ngoài cuộc đua. Điều này minh chứng dù trần huy động là 14% nhưng các NH đẩy lên tới 17%-18% khiến lãi suất đầu ra hơn 20% là điều dễ hiểu…

“Phải có thái độ với lãi suất chứ để nguyên như hiện nay là không ổn” – TS Dương nói. Tuy nhiên theo ông, thái độ như thế nào thì NH Nhà nước cần phải cân nhắc kỹ. Điều 1 trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và bây giờ là thời điểm cần phải linh hoạt.
Ngoài chính sách tiền tệ, các chính sách tài khóa như cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên… phải được làm quyết liệt bởi chỉ một chính sách tiền tệ thì không thể làm gì được. Nếu làm đồng bộ các chính sách này, từ cuối tháng 6-2011 trở đi, CPI giảm, lạm phát giảm dần tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay bởi chính sách vĩ mô thường có độ trễ từ 3-6 tháng.

Lãi suất đang là rào cản

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, hiện tượng DN sợ không dám vay vốn NH vì lãi suất cao đang diễn ra phổ biến. Nhiều DN chỉ cầm cự bằng vốn hiện có để chờ đợi cơ hội lãi vay giảm trở lại.

Ông kể: Mới đây, có một số đơn vị đến nhờ Hiệp hội DN TPHCM hỗ trợ thủ tục để vay vốn.Ông dẫn họ đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP nhờ bảo lãnh vay vốn sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng khi họ đến NH, thấy lãi suất quá cao liền xin rút hồ sơ không dám vay nữa…

Ông Huỳnh Văn Minh đề nghị NH Nhà nước cần sớm giảm lãi suất cho vay bởi mức lãi suất hiện nay đang thật sự là rào cản lớn của các DN nếu muốn tiếp tục sản xuất, phát triển.

Thái Phương
Theo tamnhin
Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc