Home » Xã hội » ‘Tăng phí đường bộ sẽ kéo giá hàng hóa lên theo’
Ngay sau khi HĐND TP HCM thông qua việc tăng phí xe tải, container… ở các cửa ngõ vào trung tâm thành phố, Hiệp hội vận tải đã có văn bản kiến nghị cho rằng đợt tăng phí đợt này là quá cao, sẽ gây ra tác động dây chuyền.

Trong văn bản gửi UBND TP HCM, Hiệp hội vận tải cho rằng việc tăng mức thu phí tại các trạm thu phí ở cửa ngõ trong thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

“Trong khi thành phố đang kêu gọi người dân tích cực tiết kiệm thì lại tăng mức phí giao thông. Điều đó sẽ đẩy giá cước vận tải lên cao, tác động dây chuyền tới giá cả hàng hóa, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp và người lao động”, đơn vị này nêu ý kiến.

Mức thu phí qua trạm xa lộ Hà Nội sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7. Ảnh: Vĩnh Phú.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải TP HCM cho rằng, việc tăng phí đường bộ vừa qua là chưa phù hợp và thiếu thuyết phục. Theo ông Trung, số tiền đầu tư mở rộng đường Điện Biên Phủ là 357 tỷ đồng so với doanh thu thực tế tại trạm xa lộ Hà Nội gần 10 năm qua có lẽ đã đủ “hoàn vốn”. Do đó, cần chấm dứt thu phí tại trạm này.

Phía hiệp hội cũng kiến nghị cần tách biệt doanh thu của hai trạm Xa Lộ Hà Nội và Kinh Dương Vương vì doanh thu của hai nơi vẫn đang được gộp chung với nhau. Thực tế việc đầu tư đường Điện Biên Phủ và Đường Kinh Dương Vương là hai dự án không thể gộp lại.

Ông Trung dẫn chứng, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), đến hết quý 3 năm 2009 doanh thu của trạm Xa Lộ Hà Nội và Kinh Dương Vương đã gần 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, Xa Lộ Hà Nội chiếm 70% doanh thu các trạm thu phí của CII. Không thể dùng doanh thu của trạm này để bù đắp cho trạm kia vì đối tượng sử dụng dịch vụ, mật độ phương tiện, vốn đầu tư khác nhau thì mức phí cũng phải khác. “Do đó, doanh thu của trạm nào nhiều hơn và hoàn vốn trước thì trạm đó dừng hoạt động trước để bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ”, ông Trung nói.

Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải TP HCM, CII không công bố thông tin về doanh số của trạm Xa Lộ Hà Nội để dư luận biết. UBND TP chỉ căn cứ vào kiến nghị của Công ty CII nói mức phí thấp không đảm bảo doanh thu để nâng mức phí tại trạm là không thuyết phục. Ban đầu CII được quyền thu tại hai trạm trên với mức phí dự kiến là 1.750 tỷ đồng trong thời hạn 9 năm kể từ đầu năm 2002, nhưng nay lại được gia hạn thành 12 năm là điều bất hợp lý.

Còn việc tính phí qua cầu Bình Triệu, ông Trung cũng cho là tăng cao đột biến so với mức cũ, cần điều chỉnh lại.

Ngày 19/4, kỳ họp cuối cùng của HĐND TP HCM khóa 7 đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh mức thu tại các trạm thu phí xa lộ Hà Nội, đường Kinh Dương Vương, thời gian áp dụng việc thu phí mới sẽ được tiến hành từ ngày 1/7. Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn, nhưng HĐND cho rằng mức thu phí tại các trạm này so với mức thu chung của cả nước là quá thấp, cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Mặt khác, việc tăng mức thu phí sẽ giúp rút ngắn thời gian hoàn vốn của chủ đầu tư nhằm phục vụ các dự án đầu tư mới, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố.

Vĩnh Phú

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc