Home » Khám Phá, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Thảm họa từ Trái đất

Từ đầu thế kỷ XX đến nay, không ít lần con người tỏ ra bất lực trước sức tàn phá của các cơn địa chấn, sóng thần.

Mức độ gây thiệt hại của các trận động đất, sóng thần bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Ngoài độ lớn thường được đo theo thang Richter, điều kiện cơ sở hạ tầng nơi bị động đất, vị trí tâm chấn (tại khu vực thành thị đông đúc hay làng mạc, nông thôn vắng vẻ), khả năng ứng phó với động đất, sóng thần của người dân,… đều tạo ra sự khác biệt. Nhật Bản vốn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần nên từ lâu đã nổi tiếng là nước có khả năng chống lại các loại thiên tai này hiệu quả nhất thế giới. Với quy mô 8,9 độ Richter, trận động đất hôm 11.3 nếu xảy ra tại một nước khác, con số thương vong và thiệt hại về vật chất có thể đã cao hơn rất nhiều.

Thử điểm qua các trận động đất, sóng thần gây ảnh hưởng nhất kể từ năm 1900 đến nay, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều trận động đất có độ Richter cao ngất ngưởng nhưng thương vong gây ra chỉ ở mức trung bình. Điển hình là tại Chile năm 1960 đã xảy ra một trận động đất 9,5 độ Richter kèm theo sóng thần khiến hơn 5.700 người thiệt mạng hay trận động đất 9,2 độ Richter 4 năm sau đó tại Alaska, Mỹ, đã gây ra cái chết cho hàng trăm người, theo Le Figaro. Đây là 2 trận động đất mạnh nhất kể từ đầu thế kỷ XX.

Theo ước tính ban đầu của giới chuyên gia, mức độ thiệt hại kinh tế của thảm họa lần này là vào khoảng 30 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với trận động đất Kobe hồi năm 1995. Điều này do cơn địa chấn gây sóng thần xảy ra cách xa trái tim công nghiệp của Nhật Bản (từ Nagoya đến Osaka), và các công ty trong nước đã chuẩn bị trước các phương án đối phó động đất.

Bên cạnh đó, AP dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho hay thảm họa thiên nhiên tại cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể tác động trong ngắn hạn đối với kinh tế toàn cầu. Nếu Nhật Bản tiếp tục đóng cửa 5 nhà máy thép, nhu cầu quặng sắt sẽ giảm 20 triệu tấn. Bên cạnh đó, Tokyo cũng có thể nhập thêm nhiều than đá để bù lại phần nhiên liệu thiếu hụt do các nhà máy điện hạt nhân không hoạt động.H.G

Nhiều trận động đất yếu hơn vẫn có thể gây thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều. Cơn địa chấn 7-7,3 độ Richter ngày 12.1.2010 tại Haiti làm 250.000 đến 300.000 người thiệt mạng, hơn 300.000 người bị thương và 1,2 triệu người mất nhà cửa, theo L’Express. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) ước tính trận động đất này gây thiệt hại từ 8,1-13,9 tỉ USD. Đến nay, vẫn còn 800.000 người Haiti phải sống trong hàng ngàn khu lều trại tạm bợ tại Thủ đô Port-au-Prince. Các chuyên gia cho rằng tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, người dân không được cung cấp đủ kiến thức, dụng cụ để đối phó động đất và những khó khăn về kinh tế làm ảnh hưởng công tác cứu hộ là những nguyên nhân chính khiến hậu quả trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Thảm khốc không kém là trận động đất 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia ngày 26.12.2004, kéo theo những đợt sóng thần kinh hoàng tại nhiều nước quanh tâm chấn, làm thiệt mạng khoảng 220.000 người. Riêng tỉnh Aceh, phía bắc đảo Sumatra chịu thiệt hại nặng nề nhất với 168.000 người chết.

Trung Quốc là quốc gia từng chịu nhiều trận động đất gây thương vong khủng khiếp. Nặng nề nhất là đợt rung chuyển 8,2 độ Richter ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, lấy đi sinh mạng của 240.000 người năm 1976. Ngoài ra, trận động đất 8,6 độ Richter vào năm 1920 tại tỉnh Cam Túc và 8,3 độ Richter năm 1927 tại thủ phủ Tây Ninh của tỉnh Thanh Hải cũng đều gây thiệt mạng 200.000 người.


Khói vẫn đang bốc lên từ một nhà máy ở Sendai


Người dân đứng trên mái nhà chờ cứu ở tỉnh Iwate


Nạn nhân tìm đường ra khỏi đống đổ nát


Máy bay cũng “bay” vì sóng thần


Dùng thùng cứu hộ ở tỉnh Miyagi


Một con tàu bị hất tung vào thành phố ở tỉnh Miyagi


Lính Nhật cõng dân ra khỏi nơi nguy hiểm

Trục Trái đất lệch 25 cm

Động đất tại Nhật Bản đã khiến ngày bị rút ngắn lại hơn thường lệ. Theo AP, nhà địa vật lý học Richard Gros của NASA đã tính toán được vòng quay của Trái đất đã bị đẩy nhanh khoảng 1,6 micro giây (1 micro giây là 1 phần triệu giây) trong ngày 11.3, và trục Trái đất bị lệch đi khoảng 25 cm. Điều này do động đất mạnh khủng khiếp đã gây nên sự dịch chuyển của khối lượng Trái đất. Tốc độ xoay của trái đất lần này nhỉnh hơn lần xảy ra động đất tại Chile hồi năm ngoái (trục Trái đất lệch 10 cm), nhưng không thể sánh với cơn địa chấn gây sóng thần tại Sumatra, khiến ngày bị rút ngắn lại khoảng 6,8 micro giây.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bác bỏ sự liên hệ giữa động đất gây sóng thần ở Nhật Bản với hiện tượng siêu mặt trăng vào ngày 19.3. Còn về lời đồn cho rằng chuyện cá chết hàng loạt tại California hồi tuần qua có thể là điềm báo trước cho thảm họa trên, AP dẫn lời các nhà sinh học tại Đại học Nam California cho hay đã tìm thấy chất độc thần kinh mạnh trong ruột cá chết. Chất độc này có thể khiến cá chạy loạn vào bờ, làm chúng chết ngạt thì thiếu dưỡng khí.

Hạo Nhiên

Nhật Bản không thể tránh động đất, sóng thần

Tờ Le Journal du Dimanche dẫn lời Giáo sư địa chấn học Jean-Paul Montagner thuộc Viện Vật lý địa cầu Paris nhận định dù là nước có những trang bị tối tân nhất thế giới để cảnh báo và đối phó với động đất, sóng thần nhưng Nhật vẫn không tránh khỏi những thiệt hại khi thảm họa xảy ra. Theo GS Montagner, động đất là một trong những hiện tượng thiên nhiên khó dự đoán nhất và khoa học hiện nay chưa thể dự đoán chính xác ngày giờ xảy ra một trận động đất. Tất cả những gì các chuyên gia có thể làm được là xác định các khu vực “có nguy cơ”. Đặc biệt, nếu đã lâu ngày rồi Trái đất vẫn chưa “trở mình” thì nguy cơ đối với các khu vực này lại càng cao hơn nữa.

Riêng về hệ thống cảnh báo sóng thần, hiện Nhật đã cải tiến rất nhiều để rút ngắn thời gian báo động. Tuy nhiên, với tốc độ di chuyển thường rất nhanh của sóng thần (trung bình 800 km/giờ), khó có thể sơ tán toàn bộ dân chúng kịp thời để tránh thương vong. Đó là lý do tại sao những hình ảnh truyền từ khu vực thảm họa tại Nhật những ngày qua vẫn đầy ắp xe cộ và tàu bè bị sóng thần “đánh úp”.

N.N.L.C

Thành phố nằm trên các đứt gẫy lớn

Thảm họa tại Nhật Bản đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động rằng nhiều thành phố lớn của thế giới nằm trong khu vực rủi ro cao, tức là dọc theo các đường nứt gẫy chính của Trái đất. Sau đây là 5 thành phố chịu rủi ro cao nhất:

Tokyo, Nhật Bản

Tokyo được xây dựng trên giao điểm của 3 đĩa kiến tạo chính, gồm đĩa Bắc Mỹ, Philippines, Thái Bình Dương, và theo chuyên gia Pháp

Jean-Paul Montagner thì nước này còn nằm gần mảng Á Âu. Đó cũng là lý do thành phố gần 13 triệu dân này liên tục bị chuyển động. Rút kinh nghiệm từ trận động đất Kanto vào năm 1923, Tokyo là nơi chuẩn bị kỹ càng nhất trước các thiên tai liên quan đến động đất.

Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Istanbul nằm trên đứt gẫy Bắc Anatolia dài nhất trên thế giới với những đường cắt xé toạc theo hướng tây kể từ năm 1939. Không như Tokyo, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém của Istanbul đẩy thành phố 13 triệu dân này vào nguy cơ bị tàn phá cao nếu động đất xảy ra. Vào năm 1999, một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter giáng xuống Izmit, cách Istanbul 96 km, khiến 18.000 người chết. Dự đoán sẽ có thêm một vụ tương tự tại khu vực cách Istanbul khoảng 19 km về hướng nam trước năm 2026, với tỉ lệ xảy ra khoảng 12%.

Seattle, Washington

Nhắc tới thảm họa, cư dân thành phố này luôn phập phồng lo sợ trước 2 viễn cảnh: siêu động đất và núi lửa phun. Seattle nằm trên ranh giới đĩa kiến tạo đang hoạt động dọc theo đĩa Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và Juan de Fuca. Lịch sử truyền miệng ghi nhận từng có những trận động đất gây nên sóng thần tại đây.

Los Angeles, California

Trong hơn 700 năm qua, những cơn địa chấn mạnh liên tục giáng xuống khu vực này vào mỗi 45 đến 144 năm. Trận động đất 7,9 độ Richter đã xảy ra cách đây 153 năm. Nói cách khác, Los Angeles đang hồi hộp chờ trận động đất mạnh kế tiếp. Với dân số gần 4 triệu người tại nội ô Los Angeles, cơn địa chấn sắp tới có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

San Francisco, California

San Francisco nằm gần phần phía bắc của đĩa kiến tạo San Andreas. Có thêm vài đứt gẫy khác chạy xuyên qua khu vực thành phố, nâng cao nguy cơ xảy ra địa chấn phức tạp. Trước đó, vào năm 1906, San Francisco rung chuyển trước một trận động đất từ 7,7-8,3 độ Richter, khiến gần 3.000 người chết. Giới chuyên gia vào năm 2005 ước tính khu vực này đối mặt với nguy cơ xảy ra một trận động đất mạnh cao đến 62% trong 30 năm tới.

Thụy Miên
(Theo Discovery)

Những trận động đất kinh hoàng tại Nhật

Trận động đất 8,9 độ Richter hôm 11.3 là cơn địa chấn mạnh nhất từng được ghi nhận tại Nhật.

Gây thương vong nhiều nhất là trận động đất 7,9 độ Richter ngày 1.9.1923 tại vùng Kanto làm 140.000 người chết.

Trận động đất 7,2 độ Richter tại thành phố Kobe ngày 17.1.1995 làm 6.400 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế nặng nề nhất (khoảng 100 tỉ USD).

Ngoài ra, năm 1933, tại vùng đông bắc Nhật đã xảy ra động đất 8,1 độ Richter làm 3.000 người chết. Tháng 10.2004, một trận động đất 6,8 độ Richter tại vùng Niigata, cách Tokyo 250 km đã làm 65 người thiệt mạng và 3.000 người bị thương.

(Theo Đài truyền hình TSR Info)

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Theo thanhnien


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc