Hai nghệ sĩ vóc dáng nhỏ bé vừa vặn với một khán phòng hẹp. Sự hội ngộ của hai gương mặt vừa giành giải Cống Hiến tối 23/4 đã đem đến cho khán giả Hà Nội một đêm nhạc ngẫu hứng tuyệt vời.
Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý song ca trong bản phối mới của “Quê nhà”. |
Đem Lê Cát Trọng Lý kết hợp với Tùng Dương trong số đầu của “Không gian âm nhạc” nên gọi là một sự mạo hiểm. Tùng Dương như lửa, lúc nào cũng bốc đồng, nổi loạn. Lê Cát Trọng Lý như nước, lững thững, từ tốn, con người âm nhạc và con người ngoài đời khá thống nhất, luôn nhỏ nhẹ, sâu sắc. Tùng Dương nhìn vào đã thấy con người này phải thuộc về showbiz, sẵn sàng tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, từ chất giọng, động tác hình thể. Lê Cát Trọng Lý dễ lẫn vào đám đông, ăn mặc giản dị, đôi lúc tuềnh toàng, sợ khoác những bộ đồ đẹp, sợ gây chú ý. Tùng Dương hoạt ngôn, tự tin ở sự thông minh của mình, luôn cố gắng làm chủ tình huống. Lê Cát Trọng Lý thường giữ điệu bộ lúng túng một cách đáng yêu của cô gái nhỏ. Fan của Tùng Dương khó có thể thích Lê Cát Trọng Lý và ngược lại.
Cái may mắn đầu tiên của nhà tổ chức là việc không hẹn mà nên, cả hai gương mặt nghệ sĩ được chọn một cách không chủ đích, đều chiến thắng trong giải thưởng của báo chí diễn ra đầu tháng 4. Sự kết hợp của hai tên tuổi này, vì thế đương nhiên đủ để đảm bảo cho việc bán vé. Trước đó, người được mời đứng chung sân khấu với Tùng Dương là Vietnam Idol Uyên Linh. Linh và Dương, có khá nhiều điểm giống nhau, cùng là những hiện tượng âm nhạc, cùng có cách hát mạnh mẽ, cảm xúc nhưng Dương không đơn thuần là một ca sĩ – anh đang hướng mình là một nghệ sĩ đương đại trong khi Linh chưa quen với những động tác trình diễn trên sân khấu. Dòng nhạc Tùng Dương theo đuổi với sự biến hóa từ dân gian, sang Jazz, phần đa là những bài khó hát khác với những ca khúc nhạc nhẹ, dễ vào tai Uyên Linh thường thể hiện. Việc chuyển vai nữ sang cho Lê Cát Trọng Lý lại mang đến một sự kết hợp tuyệt vời, những thành công bất ngờ cho chương trình.
Lê Cát Trọng Lý đệm đàn cho Tùng Dương hát ca khúc nổi tiếng của cô là “Chênh vênh”.
|
Có thể ví von, trên sân khấu Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý như một đôi tình nhân, kẻ kiễng chân lên, người cúi xuống thấp để chạm tới nhau. Phần đầu chương trình, Tùng Dương bớt ma mị, ăn mặc cũng hiền khi thể hiện Ôi quê tôi. Lê Cát Trọng Lý có vẻ mạnh bạo hơn bình thường với Như là, Nghe tôi kể lại. Cả hai từ từ dung hòa nhau, khơi nguồn cảm hứng cho nhau để cùng hòa giọng. Nếu ở Quê nhà, Lê Cát Trọng Lý vẫn hát chưa tự tin, chưa lên được những nốt cao, chưa ra được chất dân gian nên vẫn lép vế khi Tùng Dương xuất hiện ở phần hai bài hát, thì đến Lúng ta lúng túng, hai gương mặt trẻ đã đầy ăn í, trong cả cách hát, cách chia đoạn. Không song ca, Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý vẫn biết cách nâng nhau bay lên. Lê Cát Trọng Lý đàn guitar, violin cho Tùng Dương hát, đáp lại, Tùng Dương nhiệt tình làm bè cho cô. Không có nhiều thời gian luyện tập chung, cả hai vẫn ăn ý đến mức, Tùng Dương không ngần ngại đùa rằng: “Có thể sau show diễn, tôi và Lý sẽ có những sự kết hợp không chỉ trong âm nhạc”.
Khi đứng chung sân khấu tìm cách dung hòa, khi luân phiên xuất hiện để mặc cái tôi phát triển, trong thời gian hơn hai tiếng đồng hồ, Lê Cát Trọng Lý – Tùng Dương đã vẽ cho khán giả bức chân dung khá cụ thể của mình bằng âm nhạc. Cô gái Sài Gòn thể hiện những cảm xúc đa dạng, phức tạp bằng bài vui nhất (Như là), bài nhiều hy vọng nhất (Không tên), bài buồn nhất (Hương lạc). Nhạc của Lê Cát Trọng Lý dễ gợi cho người nghe nghĩ đến một người đàn bà đã đủ những trải nghiệm, đã qua những đau đớn, mất mát, đã bình tâm để hiểu sự vô thường của cuộc đời. Sáng tác Lê Cát Trọng Lý nhiều bài có chút tương đồng với nhạc Trịnh, có lẽ bởi tư tưởng Phật giáo ẩn chứa trong đó. Tùng Dương ngày càng đẩy không khí lên cao trào khi nâng dần độ ngẫu hứng lên trong từng bài hát. Cỏ và mưa, Giăng tơ, Mưa bay tháp cổ – Dương vừa hát vừa nhảy múa, say đến nỗi cả nhạc công cũng phải đứng dậy vì anh. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình gọi Lê Cát Trọng Lý là “một nghệ sĩ thực thụ, hồn nhiên mộc mạc và dung dị” và khen ngợi Tùng Dương là “một trong những nghệ sĩ trẻ xuất sắc hiện nay, người đã thành công trong rất nhiều phong cách, rất tinh tế, truyền được cảm xúc đến cho người nghe”.
Lê Cát Trọng Lý và Trường Sa với phần trình diễn guitar ấn tượng.
|
Hiếm có chương trình ca nhạc nào mà khán giả khi kết thúc vẫn chưa chịu ra về, đòi ca sĩ phải bonus tới 4 bài. Sân khấu nhỏ và đơn giản, không có gì cho phép người xem phân tâm khỏi ca sĩ. Việc Hà Nội vốn chỉ quen những show diễn đình đám, nhiều chiêu trò, có đủ cả trình diễn thời trang, hài, múa may như một chương trình tạp kỹ đột ngột xuất hiện một chương trình chỉ đơn thuần là âm nhạc, diễn ra trong không gian kiến trúc sang trọng mang đậm phong cách Pháp của khán phòng Ngụy Như Kom Tum, trường Đại học Tự nhiên khiến nhiều người hào hứng. “Hay quá mức, có khi tôi phải đi xem tiếp đêm 24/4 mới được” – nhà báo Ngô Bá Lục, gương mặt quen thuộc của Quán Âm Nhạc chia sẻ trước lúc ra về.
Ngọc Trần
Ảnh: Ngọc Trần
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!