Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Đưa người về nơi suối vàng
Người Việt có câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận” đề cập tới truyền thống những người còn sống lo liệu việc an táng cho người đã khuất bằng tất cả những nghĩa cử tôn kính và quý trọng nhất.

Tang lễ giản dị ở Úc

Nếu như tại Việt Nam, việc tổ chức lễ tang và đưa linh cữu người đã khuất đi thiêu hay an táng ở nghĩa trang được tổ chức trọng thể với khá nhiều thủ tục, thời gian thì ở xứ người như Úc, lễ tang của người bản xứ được tổ chức giản dị hơn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nhân viên công ty mai táng Tobin Brothers ở Melbourne, người Úc có thể tổ chức đám tang một cách ‘giản dị’ đến mức đáng ngạc nhiên đối nhiều người gốc Việt.

Tuy nhiên, việc tổ chức tang lễ đơn giản không hề đồng nghĩa với việc người Úc bản xứ kém coi trọng người đã mất hay tình nghĩa của họ không đậm đà. Điều này chỉ là một trong vài khía cạnh khác nhau giữa nếp sống, suy nghĩ và văn hóa phong tục giữa người Tây Phương với người Á Đông mà thôi.

Sống tại Úc, cộng đồng người gốc Việt ‘nhập gia tùy tục’ cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ người bản xứ. Những lễ tang tổ chức tại Úc của người gốc Việt dần dà cũng không còn tính cách ‘đình đám’ và kéo dài.

Tại nhà quàn linh cữu cũng như lúc ra huyệt mộ, thân nhân gia đình người đã khuất ở Úc không biểu lộ sự đau đớn, kể lể, hoặc thậm chí gào thét. Lễ nghi kèn trống, rắc giấy vàng bạc, dựng rạp để tổ chức ca hát tuyệt nhiên không có trong các đám tang tại Úc.

Trang phục của thân nhân và con cháu người đã khuất tại Úc trong lễ tang cũng đơn giản. Họ vẫn đeo khăn tang trên đầu nhưng không mặc áo sô, đi giày rơm hoặc chống gậy như truyền thống xưa cũ (vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở nhiều địa phương tại Việt Nam).

Trong khi ở Việt Nam thân nhân người quá cố mặc đồ màu trắng trong lễ tang thì người gốc Việt tại Úc mặc quần áo màu đen giống như người bản xứ. Xe đưa quan tài ra huyệt đạo ở Úc cũng chỉ có một vài kiểu chứ không có loại xe rồng ‘hoành tráng’ như ở Việt Nam.

Thỉnh thoảng vẫn có người Úc đưa thân nhân ra huyệt mộ bằng xe ngựa. Tuy nhiên, hầu như không có người gốc Việt nào sử dụng xe ngựa mà họ chỉ dùng loại xe hơi chuyên dụng màu đen của các công ty mai táng.

Khác biệt trong tang lễ giữa Phương Tây và Phương Đông

Trên thực tế, nhiều người gốc Việt từng tham dự những lễ tang rất trang trọng và đầy ý nghĩa của người Úc đã cho rằng phong tục Phương Tây trong việc đưa người quá cố về nơi suối vàng cũng có một số khía cạnh rất hay rất đáng học hỏi.

Sự khác biệt trong tang lễ giữa người Tây Phương với người Á Đông nói chung hay giữa người gốc Việt với người bản xứ Úc nói riêng thể hiện ở một số chi tiết chẳng hạn như ở gia đình Á Đông thì tất cả các con cháu, dù còn nhỏ đến mấy chăng nữa, dự tang lễ người thân đã khuất (rất có thể là bậc ông bà, cha mẹ hoặc chú dì…) là điều đương nhiên không cần bàn cãi. Song đối với nhiều người Tây Phương thì chuyện này tùy thuộc vào quyền quyết định của chính đứa trẻ, dù rằng các em vẫn thường được khuyên nhủ rằng nên tham dự.

Anh Hùng, một giáo viên tại Melbourne, cho biết khi dự đám tang của mẹ một người đồng nghiệp người Úc dạy cùng trường, anh rất ngạc nhiên vì không thấy có sự hiện diện của một đứa cháu nhỏ mà khi còn sống bà cụ rất thương yêu cháu này.

Đồng nghiệp cho hay vì quá đau buồn trước sự qua đời của bà nội nên đứa cháu đã không muốn tham dự lễ tang. Gia đình đã tôn trọng quyết định của cháu và cũng không ép vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý cháu sau này.

Dịch vụ mai táng

Ông Mai Thành Lập, nhân viên công ty mai táng John Allison/Monkhouse cho hay tại Úc, khi gia đình có người thân qua đời, các thân nhân có thể không phải làm bất cứ chuyện gì vì mọi sự đã có công ty dịch vụ mai táng lo liệu chu toàn hết.

Công ty dịch vụ mai táng đảm nhiệm hết mọi việc từ khâu di chuyển thi hài từ nhà thương hoặc tư gia tới nhà quàn của công ty cho tới chuyện khai tử hoặc hoàn tất mọi thủ tục liên quan tới vấn đề an sinh xã hội.

Nhân viên công ty mai táng còn làm nhiều việc để hỗ trợ gia đình, thân nhân người đã khuất, từ việc đưa đón người nhà, nếu có nhu cầu, tới nhà quàn để tham dự các buổi ‘viewing’ (tức viếng xác người đã khuất), cho tới chuyện đào huyệt, chôn cất…

Tại Úc quan tài không bao giờ được để tại tư gia mà luôn luôn phải để trong nhà tang lễ. Sau khi công ty dịch vụ mai táng đưa thi hài người đã khuất từ nhà thương hoặc nhà riêng về nơi riêng biệt để lo tắm rửa, trang điểm, thi hài sẽ được bỏ vào quan tài và đưa vào khu giữ lạnh.

Gia đình người vừa qua đời và công ty dịch vụ sẽ thỏa thuận với nhau các vấn đề như thời gian để linh cữu tại nhà tang lễ, sắp xếp việc tụng niệm, cầu nguyện theo nghi lễ tôn giáo (thường từ một tới ba lần, mỗi lần khoảng từ hai tới năm giờ đồng hồ).

Tại Úc, nhân viên lo chuyện trang điểm, tắm rửa, tẩm liệm thi thể người đã mất phải được đào tạo và có bằng cấp chuyên môn (qualified embalmer).

Những người làm công việc đào huyệt cũng phải tham dự khóa huấn luyện cả lý thuyết lẫn thực hành kéo dài từ 12 tới 18 tháng. Sau khóa huấn luyện họ được cấp chứng chỉ hành nghề (Certificate in Grave digging Operations).

Tại Úc, công nhân đào hoặc lấp mộ huyệt đều sử dụng các máy chuyên dụng. Ngoài ra, nhờ các dụng cụ hỗ trợ, việc động quan, di quan, đặt quan tài xuống mộ huyệt… rất nhịp nhàng chứ không khó khăn hay đòi hỏi nhiều sức lực từ các nhân viên mai táng.

Ai làm nghề mai táng?

Trước đây tại tiểu bang Victoria rất ít người gốc Việt làm trong ngành dịch vụ mai táng và theo ông Mai Thành Lập thì hiện nay số người Việt đang làm nghề này cũng “chỉ độ hơn mươi người”.

Tại Victoria từ trước tới nay cũng chưa có người Việt nào đứng ra mở công ty dịch vụ mai táng mà chủ yếu chỉ đi làm nhân viên cho các công ty của Úc như John Allison/Monkhouse, Tobin Brothers.

Có thể một trong những lý do khiến không nhiều người Việt làm nghề mai táng là vấn đề tâm lý. Một người làm trong nghề lâu năm cho hay một trong những điều ông thường gặp, nhất là gặp người quen, là họ thường mang nghề hoặc người làm nghề mai táng ra “đùa giỡn, chọc quê”. Mặc dù những lời đùa có thể chỉ là vô tình và không ác ý song vẫn tác động phần nào tới tâm lý của người làm nghề này.

Ngoài ra quan điểm của một bộ phận người Việt cho rằng dịch vụ mai táng không phải là một nghề ‘bình thường’ như bao ngành nghề khác trong xã hội như bác sĩ, kỹ sư, nhân viên văn phòng… Vì thế ít có bạn trẻ nào muốn làm việc trong lĩnh vực này.

Điều thú vị là theo một số người trong nghề mai táng ‘bật mí’ cho biết, thu nhập của họ có phần cao hơn những ngành nghề khác. Một người trong nghề nói vui: “Có lẽ nhờ người quá cố phù hộ nên thu nhập của chúng tôi có phần cao hơn một chút so với một số ngành nghề khác”.

Những chuyện vui buồn trong nghề này cũng có nhiều, từ chuyện sợ ma, ‘trông gà hóa cuốc’ hay vì lý do trục trặc kỹ thuật khiến hạ huyệt sai giờ đã định (điều tối kỵ đối với quan niệm tâm linh của một số người), hoặc công ty dịch vụ mai táng mời nhầm vị chủ lễ (thay vì mời đại đức, thượng tọa đến làm lễ tưởng niệm cho gia đình người bên Phật giáo lại mời nhầm… linh mục!).

Dù làm trong lĩnh vực luôn tiếp xúc với những cảnh buồn đau nhưng tinh thần của người làm nghề dịch vụ mai táng thường rất vững vàng, lạc quan và hóm hỉnh nữa.

Ví dụ như một người đã làm lâu năm trong nghề mai táng nói vui với người viết rằng: “Trong bao nhiêu năm làm nghề này, chưa lần nào tôi nghe một khách hàng nào đang nằm trong quan tài than phiền trực tiếp với tôi hoặc công ty của tôi cả!”.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc