Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Hàng loạt tướng lĩnh Libya “bỏ rơi” Tổng thống Gaddafi
Tại thủ đô Rome ngày hôm qua (30/5), 8 sĩ quan quân đội cấp cao của Libya, trong đó có 5 vị tướng, đã xuất hiện tại một cuộc họp báo do chính phủ Italia tổ chức để tuyên bố họ đã rời bỏ Tổng thống Muammar Gaddafi. Các quan chức này cho biết, họ nằm trong nhóm hơn 120 quan chức và binh lính quân đội “đào ngũ” khỏi Libya trong những ngày gần đây.


Các sĩ quan quân đội cấp cao “đào ngũ“ của Libya tại cuộc họp báo ở Italia.

Nếu thông tin trên được xác thực thì đây quả thực là một cú giáng rất mạnh vào chính quyền đang lung lay của Nhà lãnh đạo Gaddafi trong bối cảnh sức ép đòi ông này từ chức ngày một gia tăng.

Tại cuộc họp báo, một trong những sĩ quan quân đội cấp cao đào ngũ tự nhận là Tướng Oun Ali Oun cho các phóng viên biết: “Những gì đang xảy ra với nhân dân của chúng tôi đã làm chúng tôi sợ hãi”.

“Có rất nhiều vụ giết chóc, thảm sát… bạo lực chống lại phụ nữ. Không một người có lý trí nào với nhân cách tối thiểu có thể làm những việc mà chúng tôi đang chứng kiến ngay trước mắt và những điều mà ông ấy bảo chúng tôi làm”.

Tướng Oun Ali Oun cáo buộc quân của Tổng thống Gaddafi mắc tội “diệt chủng”. Ông này đã kêu gọi các binh lính và sĩ quan an ninh rời bỏ chính quyền Libya “vì những người tử vì đạo đang ngã xuống để bảo vệ tự do “.

Một vị tướng khác được xác định danh tính là Melud Massoud Halasa cho các phóng viên biết, lực lượng trung thành với Nhà lãnh đạo Libya giờ đây “chỉ còn 20% sức mạnh” so với thời gian trước khi cuộc nổi dậy nổ ra hồi giữa tháng 2. Theo ông Halasa, “không còn quá 10%” các tướng lĩnh trung thành với ông Gaddafi.

Đại sứ Libya tại Liên Hợp Quốc – ông Abdurrahman Shalgam, người đã rời bỏ chính quyền của Tổng thống Gaddafi cách đây không lâu cho biết, có tất cả hơn 120 sĩ quan quân đội chạy khỏi Libya nhưng ông này không cho biết, hiện tại những sĩ quan bỏ trốn đang ẩn náu ở đâu.

Như vậy, tính từ thời điểm cuộc nổi dậy nổ ra hồi tháng 2, đã có hàng chục các quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao và tướng lĩnh “đào ngũ” khỏi chính quyền Libya, trong số đó nổi bật cuộc chạy trốn của Ngoại trưởng đồng thời là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Libya – ông Moussa Koussa và nhà ngoại giao cấp cao Ali Abdussalm Treki.

Cách đây một hai tuần cũng có tin vợ con Tổng thống Gaddafi chạy khỏi Libya. Tuy nhiên, chính phủ Libya đã bác bỏ thông tin này.

Tổng thống Nam Phi đến Libya tháo gỡ khủng hoảng

Tin tức về sự “đào ngũ” của một loạt tướng lĩnh Libya được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đang ở Tripoli và đã có cuộc gặp với Tổng thống Gaddafi trong ngày hôm qua nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Bắc Phi.

Đài truyền hình quốc gia Libya quay lại cảnh Tổng thống Gaddafi tiếp đón người đồng cấp Zuma. Đây là lần đầu tiên ông Gaddafi xuất hiện kể từ ngày 11/5 đến giờ. Ông Gaddafi đã chào Tổng thống Zuma và các quan chức Nam Phi khác. Sau đó, họ cùng đi dọc một hành lang. Tổng thống Gaddafi và phái đoàn của Tổng thống Zuma sau đó đã ngồi vào những chiếc ghế bành màu trắng trong một căn phòng rộng. Đài truyền hình Libya không có biết cuộc gặp mặt này diễn ra ở đâu.

Sau cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Libya, ông Zuma cho biết, ông Gaddafi đã sẵn sàng chấp nhận kế hoạch ngừng bắn do Liên minh Châu Phi (AU) đưa ra. Tuy nhiên, ông Zuma không có biết liệu Tổng thống Gaddafi có chấp nhận từ chức hay chưa.

“Nhà lãnh đạo anh em của chúng tôi hôm nay đã đưa ra lập trường rằng ông ấy sẵn sàng thực hiện quyết định của AU về việc phải ngừng bắn. Tuy nhiên, kèm theo điều đó, NATO cũng phải ngừng ngay các cuộc không kích”, ông Zuma đã cho biết như vậy trước một nhóm các phóng viên tại Sân bay Quốc tế Mitiga ở thủ đô Tripoli trước khi lên máy bay.

Theo Tổng thống Zuma, ông Gaddafi đã nói bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào phải được tuân thủ bởi tất cả các bên. Nhà lãnh đạo đất nước Bắc Phi cũng nhấn mạnh: “Hãy cho nhân dân Libya cơ hội được đàm phán với nhau và vì thế, ông ấy sẵn sàng thực hiện lộ trình do AU đề xuất.”

Không giống như một số nhà lãnh đạo thế giới khác, Tổng thống Zuma không kêu gọi ông Gaddafi từ chức. Cả Liên minh Châu Phi cũng không làm điều này. Trên thực tế, AU còn chỉ trích mạnh mẽ các cuộc không kích của NATO.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Zuma đến Libya để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Bắc Phi kể từ tháng 2. Chuyến đi trước của ông đã không thành công do Tổng thống Gaddafi không chịu từ chức trong khi phe nổi dậy luôn nhấn mạnh đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

Trong lúc này, máy bay NATO vẫn tiếp tục tăng cường các cuộc không kích nhằm vào thủ đô Tripoli và dình thự Bab al-Aziziyah của Tổng thống Gaddafi liên tục bị nã đạn.

NATO đang đối mặt với sức ép phải phá vỡ thế bế tắc kéo dài suốt nhiều tuần nay ở chiến trường Bắc Phi. Trong một động thái tham gia sâu hơn vào Libya, Anh và Pháp đã quyết định triển khai thêm máy bay trực thăng tấn công nhằm dễ bề tiêu diệt quân của ông Gaddafi hơn.

Mặc dù đã tiến hành hàng nghìn các cuộc không kích ở Libya nhưng NATO vẫn chưa tạo ra được bất kỳ bước đột phá nào trên chiến trường này. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO vẫn khẳng định: “Chiến dịch của chúng tôi ở Libya đang đạt được các mục tiêu đề ra. Chúng tôi đã phá hủy phần lớn khả năng giết hại người dân của ông Gaddafi và chính quyền của ông này sắp đi đến hồi kết”.

Theo xaluan.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc