Mỹ và các chính phủ nước ngoài hôm qua (28/2) đã thảo luận về khả năng dùng các biện pháp quân sự nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi tiếp tục thách thức cuộc nổi dậy của người dân trong nước và sức ép của cộng đồng quốc tế.
Khi các lực lượng ủng hộ chính phủ Libya đang tập hợp lại để tìm cách giành lại những thành phố ven biển chiến lược từ tay những người biểu tình thì Mỹ cho biết, nước này đang đưa lực lượng Hải quân và Không quân tiến gần sát đến Libya hơn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Susan Rice cho biết, hôm qua, Washington đã có cuộc họp với các đối tác NATO và nhiều nước liên minh khác để bàn khả năng đánh Libya.
“Chúng tôi đang cân nhắc mọi khả năng để đảm bảo ông Gaddafi phải hiểu rằng ông ta phải ra đi. Tôi biết rằng, mọi người đang đề cập đến biện pháp quân sự và giải pháp này đang được chính phủ Pháp nghiên cứu,” Thủ tướng Pháp Francois Fillon cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL sau cuộc họp với Mỹ và NATO.
Các nước tham gia cuộc họp cũng đang cân nhắc khả năng giới hạn không phận để ngăn chặn chính phủ của Tổng thống Gaddafi dội bom vào người dân, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton cho biết.
Theo nữ Ngoại trưởng Mỹ, “Tổng thống Gadhafi đã mất quyền lãnh đạo đất nước hợp pháp và đã đến lúc ông ấy phải ra đi mà không gây thêm bạo lực hay trì hoãn thêm bất cứ thời gian nào. Chúng tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào, tất nhiên trong đó có cả lựa chọn áp dụng vùng cấm bay”.
Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron cũng khẳng định, chính phủ Anh sẵn sàng áp dụng “vùng cấm bay” ở Libya để bảo vệ người dân nước này khỏi các cuộc tấn công từ lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi.
Trong khi đó, tại Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ cho biết họ đã đưa các lực lượng quân sự đến gần Libya để có thể huy động khi cần thiết. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chưa cho biết cụ thể, các lực lượng của họ được triển khai gần Libya để làm gì.
Mỹ thường xuyên duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Địa Trung Hải, hai tàu sân bay ở vùng Vịnh Persia và một loạt thiết bị giám sát ở khu vực. Hiện tại, chưa có thông tin cụ thể về việc Mỹ triển khai loại vũ khí gì gần Libya và cũng không thể khẳng định liệu động thái đó của Mỹ là nhằm tiến hành một cuộc tấn công Libya hay chỉ đơn giản là sự phô diễn lực lượng với mục đích đe dọa.
Ngoài việc bàn bạc khả năng dùng các biện pháp quân sự, các chính phủ nước ngoài cũng gia tăng sức ép nhằm buộc Nhà lãnh đạo Gaddafi phải ra đi với hy vọng sẽ có thể sớm chấm dứt tình hình bạo lực khiến ít nhất 1.000 người dân Libya thiệt mạng và khôi phục lại trật tự ở đất nước chiếm đến 2% sản lượng dầu mỏ của thế giới.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã phong tỏa ít nhất 30 tỉ USD tài sản ở Libya kể từ khi Tổng thống Barack Obama thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Gaddafi cùng với gia đình ông này và các quan chức Libya cấp cao khác.
Châu Âu vừa mới đây cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt gồm phong tỏa tài sản và cấm xuất cảnh đối với các quan chức Libya cấp cao đồng thời thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Châu Phi này. Đức cũng vừa thông báo áp đặt lệnh cấm vận kinh tế kéo dài 60 ngày đối với Libya nhằm ngăn không cho ông này sử dụng dầu mỏ và các nguồn doanh thu khác để đàn áp người dân.
EU có nhiều ảnh hưởng với Libya hơn Mỹ bởi Châu Âu mua đến 85% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Libya và gia đình Tổng thống Gaddafi được cho là đang cất giữ một số lượng lớn tài sản ở Anh, Thụy Sĩ và Italia. Thụy Sĩ và Anh đã phong tỏa tài sản của gia đình Tổng thống Libya.
Tổng thống Libya: “Người dân sẵn sàng chết vì tôi”
Bất chấp tình thế ngày càng khó khăn cho bản thân, Tổng thống Gaddafi vẫn bác bỏ khả năng từ chức đồng thời phủ nhận thông tin cho rằng các cuộc nổi loạn trong đất nước Libya ngày càng mạnh lên.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC của Mỹ và đài BBC của Anh ngày hôm qua, ông Gaddafi cho biết: “Tất cả nhân dân của tôi đều yêu tôi. Họ sẵn sàng chết để bảo vệ tôi”.
Nhà lãnh đạo Libya phủ nhận việc đã dùng lực lượng Không quân để tấn công người biểu tình nhưng cho biết ông đã cử một số máy bay đi ném bom các căn cứ quân sự và kho vũ khí. Ông Gaddafi cũng phủ nhận rằng có các cuộc biểu tình đang diễn ra trong đất nước của ông.
Nhà lãnh đạo Libya còn cho biết, ông cảm thấy bị Mỹ phản bội và bị các nước phương Tây bỏ rơi trong cuộc chiến chống lại “khủng bố”. Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã hiểu sai tình hình ở Libya, ông Gaddafi nói thêm.
Ông Gaddafi, 68 tuổi, tỏ ra rất thoải mái và thư giãn khi trả lời phỏng vấn tại một nhà hàng nhìn ra biển Địa Trung Hải ở thủ đô Tripoli.
Trong lúc này, các lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi vẫn tiếp tục chiến đấu với người biểu tình ở hai thành phố gần thủ đô nhất với hy vọng giành lại được những thành phố này. Theo nguồn tin RIA của Nga, các lực lượng của Tổng thống Gaddafi đã bắn người biểu tình.
Kiệt Linh – (tổng họp)
Theo vnmedia.vn, maivoo.com
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!