Ngư dân miền trung vẫn ra khơi bất chấp lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc kể từ trưa 16/5 bao gồm nhiều vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lệnh cấm đơn phương
Đây là năm thứ ba kể từ khi Trung Quốc mở rộng lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong thời gian 2 tháng rưỡi, kéo sâu xuống Hoàng Sa Trường Sa. Cụ thể lệnh cấm đơn phương được cho là bảo vệ thời kỳ cá sinh sản, bắt đầu 12g trưa ngày 16/5 kéo dài tới 12g trưa ngày 1/8. Vùng cấm là toàn bộ vùng biển từ 12 độ Vĩ Bắc tới 113 độ Kinh Đông tức từ đảo Hải Nam xuống tận Nha Trang, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng, Sa Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Một chủ tàu đánh cá ở Đà Nẵng nói với chúng tôi là nhiều đồng nghiệp đang đánh bắt xa bờ, trong vòng vài ngày nữa ông sẽ xuất bến và sẽ tìm cách né tàu Trung Quốc. Theo lời ông ‘mùa cá nam’ này nếu không đi đánh bắt thì nên giải nghệ vì đây là thời gian nhiều cá nhất trong năm. Ông chủ tàu nói:
Mình nghĩ mình là ngư dân làm ăn thôi chứ có phải trộm cướp gì đâu mà sợ nó. Đi ra ngoài họ có làm mô thì làm nhờ trời thôi.
Một chủ tàu
“Sợ Trung Quốc chứ, nhưng mùa này là mùa làm ăn. Mai mốt có mấy chiếc nữa đi miễn biên phòng cho đi là đi. Sợ Trung Quốc là vùng phía trên đảo Hoàng Sa ngang qua đoạn 11 Bắc 111 Đông. Đi qua đoạn đó mình theo dõi đoàn, tàu bạn báo có tàu Trung Quốc rà hay không. Mấy năm nay đi qua là nó đuổi thôi nó không có hành động với mình. Nó đuổi mình phải đi chỗ khác khỏi khu vực nó. Mình nghĩ mình là ngư dân làm ăn thôi chứ có phải trộm cướp gì đâu mà sợ nó. Đi ra ngoài họ có làm mô thì làm nhờ trời thôi, năm ngoái năm nay nó không giữ tàu nữa chỉ tới đuổi khỏi khu vực thôi.”
Nhận định về sự kiện Trung Quốc tiếp tục năm thứ ba cấm đánh bắt trên Biển Đông lấn lướt chủ quyền lãnh hải Việt Nam, gây nguy hiểm cho ngư dân, ông Nguyễn Tử Cương Ủy viên Thường vụ Hội nghề Cá Việt Nam từ Hà Nội phát biểu:
“Chính phủ Việt Nam có đủ bằng chứng tuyên bố với thế giới và đã gởi văn bản lên Liên Hiệp Quốc rằng Việt Nam có đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên phía Trung Quốc lại nói rằng Hoàng Sa Trường Sa là của họ và ra lệnh cấm ra khơi. Việt Nam đã phản đối hành động này, bởi vì họ chỉ có thể cấm ở vùng biển thuộc chủ quyền của họ thôi, còn ở những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì Việt Nam đề nghị rút lại lệnh cấm và ngư dân Việt Nam cũng như những năm trước đây vẫn đi biển bình thường tại những vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền. Đương nhiên khi có chủ quyền thì bên cạnh ngư dân có lực lượng an ninh ven biển lực lượng hải quân và bản thân ngư dân đã có những kiến thức để tự bảo vệ.”
Hải Quân VN chỉ bảo vệ gần bờ
Trả lời câu hỏi của chúng tôi là trong khi hoạt động trên biển, ngư dân có dịp nào trông thấy tàu Hải Quân Việt Nam hay cảnh sát biển tuần tra để bảo vệ vùng biển tổ quốc và ngư dân hay không. Ngư dân Đà Nẵng phát biểu tàu Hải Quân Việt Nam thường ở gần bờ không ra xa đến những ngư trường mà ngư dân họat động.
Thấy tàu của Hải Quân VN đi ở 110 độ kinh đông trở vô thôi 16 độ vĩ Bắc trở xuống chứ còn lên 17 Bắc-111 đông thì không có Việt Nam mình, chỉ có tàu Trung Quốc thôi.
Một ngư dân
“Thấy tàu của Hải Quân VN đi ở 110 độ kinh đông trở vô thôi 16 độ vĩ Bắc trở xuống chứ còn lên 17 Bắc-111 đông thì không có Việt Nam mình, chỉ có tàu Trung Quốc thôi. Tàu Quảng Ngãi hay đánh bắt gần đảo Hải Nam lì quá nên bị nó bắt chứ bọn em Đà Nẵng bị nó đuổi một lần là lần sau đi chỗ khác không dám trở lại. Nếu có gì mình điện báo Biên phòng hỗ trợ.”
Ngư dân Đà Nẵng cũng mô tả tình hình làm ăn trong thời kỳ bão giá hiện nay, nhưng ông nói rằng nước lên thuyền lên giá cá trên thị trường đã tăng trong thời gian qua nên mới có thể tiếp tục hành nghề.
“Chuyến đi 20 ngày 12 ngư dân ‘tổn’ 110 tới 120 triệu đồng, nếu giá cá như năm ngoái thì “bi chừ” dứt khoát dầu mỡ không đủ. Năm nay giá cá nó lên, ngư dân đi các ngư trường kiếm ăn cũng được chứ không đến nỗi. Đi 20 ngày nhưng vô chừng, có khi mình đi được 7 ngày ơn trên cho mình gặp, được 500 triệu là mình vô, đi không gặp là cỡ 20 ngày thì vô, có khi chia cho ‘bạn’ 4 triệu, 5 triệu có khi trúng mánh kiếm cho ‘bạn’ chục triệu vô chừng, có khi mình ra gặp sớm thì tổn nhẹ cỡ 50-70 triệu còn đi 20 ngày thì tổn hơn 100 triệu.”
Trung Quốc thiết lập vùng cấm đánh bắt trên Biển Đông từ 1999 nhưng từ 2009 mở
rộng vùng cấm xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. bất chấp sự phản đối của Hà Nội, mỗi năm Bắc Kinh tái diễn áp đặt vùng cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ giữa tháng 5 tới đầu tháng 8. Trung Quốc phớt lờ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam theo đó: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.”
Trong những năm qua, Trung Quốc hàng chục lần bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam đòi nạp phạt mới trả tàu thả người, dù các tàu này hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù không có tàu Hải Quân hoặc Cảnh sát Biển tuần tra để bảo vệ ngư dân của mình, nhưng chính quyền vẫn khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt.
Nam Nguyên
Theo rfa
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!