Home » Thế giới » Nhật Bản mở rộng phạm vi sơ tán tại Fukushima

Khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản vẫn tiếp diễn. Nước này bắt đầu tiến hành kế hoạch di tản người dân ở những khu vực nằm ngoài phạm vi bán kính 30 km xung quanh nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

[title]

Các công nhân đang dọn dẹp khu vực bên ngoài nhà máy để ngăn ngừa việc phán tán phóng xạ. (ABC)

Di tản người dân

Sự thay đổi hướng gió ở ngôi làng Iitate đã khiến cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực này bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi phóng xạ trong không khí. Vì vậy, các nhà chức trách Nhật Bản không thể làm ngơ và đã yêu cầu 8.000 người dân ở Iitate và ngôi làng Kawamata bên cạnh nhanh chóng di tản, trong đó ưu tiên hàng đầu là thai phụ và trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, theo nhận định của phóng viên Mark Willacy thuộc Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc (ABC) tại Tokyo thì kế hoạch di tản khiến cho người dân ở những ngôi làng này rất lo ngại và họ đều không muốn rời xa nơi họ đã gắn bó phần lớn cuộc đời.

Một phụ nữ lớn tuổi ôm chặt đứa cháu bày tỏ: “Tôi không thể diễn tả được bằng lời khi phải rời xa ngôi nhà của mình”.

Trong bối cảnh đó, ông Norio Kanno – trưởng làng Iitate, đã chia sẻ tâm trạng với họ đồng thời kêu gọi dân làng nhanh chóng thu xếp để rời khỏi nhà. Đã có hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế di tản.

Họ sẽ được đưa đến khách sạn, các khu nhà của chính phủ cũng như những trung tâm tản cư và đều không biết khi nào sẽ được quay trở về nhà.

Việc mở rộng phạm vi di tản lần này đã hé lộ thêm nhiều thông tin về vụ tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân số Một ở nhà máy Fukushima.

Theo đó, các thanh nhiên liệu có thể đã bị nóng chảy trong nhiều giờ đồng hồ sau khi xảy ra sóng thần và trận động đất khủng khiếp 9 độ Richer vào ngày 11/3.

Các quan chức Nhật Bản hiện nay đều tin rằng các thanh nhiên liệu rơi xuống đáy của thùng áp suất trung tâm có thể đã bị rò rỉ ra ngoài trong vòng 14 tiếng.

Trước đây, Tập đoàn TEPCO – đơn vị chủ quản của nhà máy Fukushima đã trấn an người dân về tình trạng ổn định của Fukushima. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì các kĩ sư vẫn đang phải vật lộn để có thể kiểm soát được nhà máy này và TEPCO đã cho thấy rõ ràng là tập đoàn này không biết mọi thông tin về vụ việc.

Trong khi đó, một lò phản ứng gặp sự cố của nhà máy hạt nhân Hamaoka, nằm cách thủ đô Tokyo 200 km về phía Tây-Nam, đã được đóng lại một cách thành công.

Quan ngại trước khả năng có thể xảy ra thảm họa tương tự Fukushima, chính phủ Nhật Bản yêu cầu đóng tiếp hai lò phản ứng khác của nhà máy này.

Khủng hoảng hạt nhân vẫn tiếp diễn

Vào ngày 11/5, ông Goshi Hosono, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Naoto Kan, đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại về môi trường làm việc tại Fukushima mà nhiều người cho rằng “quá tệ”.

Vào ngày 13/5, tin cho hay một nam công nhân 60 tuổi, làm việc trong nhà máy Fukushima, đã qua đời.

Cho đến ngày thứ Bảy 14/5, ông Taichi Okazaki – Phát ngôn viên của TEPCO, lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng người công nhân đó chết vì phóng xạ, đồng thời công bố mức độ nhiễm xạ của ông này chỉ là 0.17 millisievert, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng an toàn mà TEPCO đưa ra là 5 millisievert.

Theo ông Okazaki, nguyên nhân dẫn đến cái chết hiện vẫn chưa được sáng tỏ.

Với trách nhiệm của đơn vị chủ quản, TEPCO có nguy cơ phải đối mặt với khoản đền bù lên đến hàng chục tỉ đô-la cho những nạn nhân của cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cho TEPCO vay khoảng 60 tỉ đô-la để trợ giúp. Bù lại, TEPCO phải đáp ứng đủ sáu điều kiện, trong đó có việc tập đoàn này phải bán cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác cũng như tiến hành cắt giảm nhân công.

Mặc dù cuộc khủng hoảng hạt nhân vẫn đang tiếp diễn nhưng Thủ tướng Kan vẫn có kế hoạch tuyên bố Nhật Bản sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân trong tương lai tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 diễn ra ở Pháp vào cuối tháng 5 tới.

Theo bayvut

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc