Home » Kinh doanh » Bẫy lừa kích cầu, giảm giá
Hiện nay, nhiều cửa hàng, shop thời trang và cả điểm bán hàng lề đường ở TP HCM trưng bày rất nhiều bảng khuyến mãi, giá thấp để hút khách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ là “treo đầu dê bán thịt chó”.

Đang chạy xe trên đường Tỉnh lộ 10, Bình Tân, chị Ngọc liếc mắt thấy một shop thời trang treo biển hiệu giảm giá 50-70%. Tuy nhiên, khi ghé vào cửa hàng, chị không khỏi thất vọng. “Những đồ giảm giá chỉ rất ít và gần như là hàng cũ, bụi bẩn và không đáng để bày bán. Còn lại đều là hàng giá cao ngất ngưởng”, chị bức xúc nói.

Chiêu bán hàng thanh lý thường được nhiều cửa hàng sử dụng để hút khách. Ảnh: Lệ Chi


Trong khi đó, nhiều cửa hàng khác phô trương những băng rôn to tướng với những dòng chữ mua một tặng một, những combo (bộ sản phẩm đính kèm nhau) khuyến mại, và đặc biệt là những mặt hàng được quảng cáo là “giảm giá kịch sàn”… Những lời quảng cáo hấp dẫn này có sức hút cực mạnh, khiến nhiều người như thiêu thân trông thấy lửa, cứ mê mải lao vào không chút nghi ngờ.

Chị Lan, Bình Tân kể, tuần trước chị cùng gia đình dắt nhau vào một cửa hàng bán đồ gia dụng. Nhìn những tấm bìa dán dòng chữ khuyến mãi đỏ chói khắp nơi nên kích thích nhu cầu mua sắm. Lúc đó, một nồi cơm điện Trung Quốc trông rất đẹp lại được giảm giá trên một trăm nghìn, còn 500.000 đồng. Chị Lan liền khuân ngay mà không một chút do dự.

Tuy nhiên, hôm sau đến nhà người bạn chơi, chị thấy cũng có một nồi cơm điện giống y chang. Tò mò hỏi thăm giá thì được chủ nhà cho biết mới mua tại một trung tâm điện máy lớn cũng với giá 500.000 đồng không có khuyến mãi. “Lúc đó tôi thấy nóng ran người. Thực ra họ đã niêm yết giá gốc cao hơn để khuyến mãi nhằm thu hút khách chứ chẳng giảm tí nào”, chị chia sẻ.

Trong khi đó, chị Linh nhân viên văn phòng ở TP HCM cũng cho hay, hôm nọ, chị đang phóng xe trên đường 3/2, liếc thấy tấm biển đề “thanh lý toàn bộ cửa hàng, giảm giá 50% các sản phẩm đồ chơi, quần áo trẻ em…”. Đang cần mua cho cậu con trai mấy chiếc áo và dụng cụ vừa chơi vừa học, chẳng đắn đo, chị Linh ghé ngay vào cửa hàng.

Chị đi một vòng từ tầng một lên tầng ba quan sát và thấy đúng là cửa hàng niêm yết giá mới, giảm 50%. Để tạo lòng tin cho người mua, cửa hàng còn đề cả giá cũ, kèm theo giá mới. Liếc qua sản phẩm, chị thấy mẫu mã cũng đẹp. Cộng thêm tấm biển đề thanh lý cửa hàng, chị Linh thực sự tin rằng khuyến mãi là có thật, và chất lượng không thay đổi. Thế là, chị Linh đã dốc ra gần 2 triệu đồng để mua cho con 3 chiếc quần bò, một cái máy tính điện tử, một chiếc ôtô chạy pin và một bộ trò chơi đánh golf.

Bẵng đi một tháng, có dịp qua đây, chị Linh vẫn nhìn thấy tấm biển đề giảm giá, thanh lý cửa hàng… Lại tò mò ghé vào, chị Linh té ngửa. Hàng hóa ở đây vẫn đầy ắp, chẳng vơi chút nào so với hôm chị mua hàng. Khi chị thắc mắc thì được nhân viên giải thích là cửa hàng định thanh lý nhưng khách vẫn nhiều nên họ lại tiếp tục bán.

Chị Thanh Lan, nhân viên văn phòng của một công ty du lịch tại quận 10 sau nhiều lần dính “bẫy” đã nghiệm ra rằng, những cửa hàng kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” đã kiếm được không ít lợi nhuận từ sự cả tin của khách hàng. Khi những mặt hàng trong shop dán mác tiền triệu, đống hổ lốn những chiếc túi xách hay những bộ áo quần được để ngay trước cửa hiệu treo biển “giảm giá hàng lỗi mốt”, “hàng thanh lý bán giá gốc”,…có giá tầm 300.000 đồng – 500.000 đồng đương nhiên được người mua mặc định là “quá rẻ”. Thế nhưng, khi mua về thì năm ba ngày giặt ủi, đồ sẽ bị xuống sắc ngay, vì toàn là hàng nhái, hàng dỏm.

Lý giải về kiểu bán hàng “bát nháo” này, chủ một shop thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cho rằng:”Phải làm thế mới kéo được người mua, biết làm sao được khi mà hàng hóa thì nhiều mà người mua quá ít…”.

Nhiều chủ cửa hàng khác thì giãi bày “Có người thích mua hàng rẻ, người thích mua hàng đắt. Cứ để giá vậy nhằm hút khách. Còn ai biết giá trị thực, tự khắc họ sẽ mặc cả”.

Nhiều xe đẩy hàng rong chưng giá một đằng, bán hàng một nẻo. Ảnh: Lệ Chi


Không chỉ có các cửa hàng hay shop lớn mới chơi trò “treo đầu dê bán thịt chó, mà ngay cả những người bán hàng rong cũng xuất hiện chiêu này. Dọc theo đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, hàng ngày thường xuất hiện rất nhiều xe đẩy bán trái cây dạo. Nhìn tấm biển thì để một giá nhưng khi ghé vào thì hét giá trên trời. Còn giá niêm yết chỉ dành cho vài sản phẩm “hạng hai” đã bị loại bỏ trước đó.

Bà Mai, chủ một hiệu thời trang lớn trên đường Hậu Giang, quận 6 chia sẻ, mua hàng không nên chỉ dựa vào việc giá cả của sản phẩm đó, mà còn phụ thuộc các yếu tố khá quan trọng khác: chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành và chăm sóc khách hàng. Hiện nay giá bán của nhiều cửa hàng chất lượng đôi khi cao hơn giá thị trường nhưng được cái là chất lượng bảo đảm.

“Do đó, đừng nên chọn giá bán sản phẩm là tiêu chí quan trọng nhất, thay vào đó người mua hãy chú ý tìm hiểu thêm sản phẩm đó có đúng chất lượng không, sản phẩm có phải là sản phẩm chính hãng, hàng mới hay không hẳn dốc tiền mua. Khi đó, khách mới không bị dính chấu vào những chiêu khuyến mãi lừa này”, bà Mai nhấn mạnh.

Lệ Chi

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc